Ùn tắc giao thông ở Hà Nội: Nguyên nhân từ ý thức

Càng gần đến Tết, giao thông Hà Nội càng trở nên ùn tắc, trong khi các điểm đen về ùn tắc cũ chưa giải quyết hết, đường phố lại xuất hiện thêm các điểm ùn tắc cục bộ mới.

Ảnh chụp trước cổng trường Tiểu học Quang Trung (phố Quang Trung), phụ huynh chờ đón con đã tràn ra, lấn hết 1/2 đường.

Ảnh chụp trước cổng trường Tiểu học Quang Trung (phố Quang Trung), phụ huynh chờ đón con đã tràn ra, lấn hết 1/2 đường.

Nhiều người than thở, Hà Nội cứ dịp Tết đến ra đường là tắc, có khi đi 1km dồn dịch mấy giờ không thoát.

Nguyên nhân ùn tắc thì có nhiều, nhưng trong đó nổi lên là do ý thức của người dân khi tham gia giao thông quá kém. Đáng lo ngại là các lỗi vi phạm dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông như: Đỗ xe sai luật, đi lấn làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… đang là chuyện thường ngày ở Hà Nội.

Tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông diễn ra khá thường xuyên trước cổng các trường học trên địa bàn Hà Nội. Nguyên nhân xuất phát từ việc phụ huynh đến đón con đã dừng, đỗ phương tiện lộn xộn, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây ùn tắc giao thông khu vực xung quanh

Cảnh tượng người tham gia giao thông đi lên vỉa hè đã trở thành quen thuộc trên phố Trần Duy Hưng mỗi sáng.

Dưới chân cầu vượt đường Láng – Lê Văn Lương, nhiều người đã vượt lên chiếm hết phần đường dành cho người đi bộ, lấn cả phần đường đối diện. Nơi này là điểm đen thường xảy ra nhiều tai nạn giao thông.

Mặc dù Hà Nội đã triển khai lắp nhiều camera giao thông tại các ngã tư, xử phạt nguội người vi phạm luật, nhưng vẫn không ngăn được tình trạng nhiều người dân tham gia giao thông ngang nhiên vượt đèn đỏ.

Nghị định 100 quy định chung về hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông với mức phạt là như nhau, cụ thể: Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện): Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không sợ, hễ không thấy bóng Công an là họ sẵn sàng vượt đèn đỏ, bất chấp việc có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người khác khi tham gia giao thông. Ảnh chụp lỗi chở hàng cồng kềnh, vượt đèn đỏ trên phố Nguyễn Thị Thập.

Trên phố Quán Sứ, những điểm trông xe đã lấn hết vỉa hè, khiến người đi bộ phải tràn xuống lòng đường

Hành vi lấn làn đường gây khó khăn cho lực lượng thực thi công vụ, ức chế cho người tham gia giao thông trên đường, tạo thói quen xấu của người đi xe máy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn tắc. Cảnh tượng lấn làn xảy ra thường xuyên trên phố Khâm Thiên những giờ cao điểm.

Xe vi phạm trên phố Nguyễn Chí Thanh

Dãy xe vi phạm nối đuôi nhau trên phố Lê Thái Tổ

Trên phố Vọng Đức cũng có nhiều xe dừng đỗ trái phép

Sau 10 ngày ra quân xử lý phương tiện dừng, đỗ trái phép (từ 15-12), Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã phát hiện và xử lý gần 2.000 trường hợp. Đây là những trường hợp vi phạm có ảnh hưởng trực tiếp tới việc tham gia giao thông của các phương tiện khác trên đường. Tuy nhiên, nhiều chủ xe vẫn cố tình dừng đỗ ở những tuyến phố cấm. Ảnh chụp trước cổng Viện 108 phố Trần Hưng Đạo.

Từ ngày 15-12, Cảnh sát giao thông Hà Nội ra quân đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cuối năm 2020. Trong đợt cao điểm này, các đơn vị thay đổi biện pháp xử phạt các xe ô-tô dừng, đỗ trái phép bằng việc dán thông báo phạt nguội trên kính xe. Tuy nhiên trên nhiều tuyến phố vẫn thấy cảnh xe ô tô ngang nhiên dừng, đỗ ngay dưới chân biển cấm.

Mức phạt lỗi đi ngược chiều mới nhất năm 2020 tăng mạnh, gấp nhiều lần so với quy định cũ bởi mức độ nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông của hành vi này. Cụ thể, mức phạt đối với ô tô tăng mạnh nhất, từ tối đa 1,2 triệu đồng lên 05 triệu đồng. Mức phạt đối với lỗi đi ngược chiều của xe máy tăng từ tối đa 400.000 đồng lên 02 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm lỗi này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 01 - 04 tháng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố tình đi vào đường một chiều.

Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn thương tâm bắt nguồn từ lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Do vậy, xây dựng văn hóa giao thông hay nâng cao ý thức tham gia giao thông của mỗi người chính là bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/un-tac-giao-thong-o-ha-noi-nguyen-nhan-tu-y-thuc-EaAweCbMR.html