Ukraine xuống nước rút quân, Nga vẫn làm căng khiến NATO tức giận?

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm qua (30/10) đã lên tiếng hoan nghênh việc quân đội Ukraine và lực lượng ly khai miền đông Ukraine rút quân. Tuy nhiên, NATO tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi Nga 'rút toàn bộ quân của họ' ra khỏi Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Hôm 29/10 chứng kiến một cuộc rút quân đã được chờ đợi từ lâu giữa hai bên khỏi khu vực tâm điểm của một cuộc nội chiến kéo dài ở miền đông Ukraine.

Động thái trên là một điều kiện tiên quyết cho cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. "Chúng tôi hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm giúp giảm căng thẳng, rút quân và đảm bảo chắc chắn rằng chúng ta có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột", Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết tại thành phố cảng Odessa của Ukraine, khen ngợi “những nỗ lực mới” của Tổng thống Zelensky.

"Tuy nhiên, chúng tôi biết là còn một con đường dài để đi bởi vẫn có tình trạng vi phạm lệnh ngừng bắn”, Tổng thư ký NATO cho biết khi ông bắt đầu chuyến thăm hai ngày đến Ukraine và dự kiến có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Zelensky trong ngày hôm nay (31/10).

"Các nước NATO biết rất rõ rằng, Nga có một trách nhiệm đặc biệt… trong việc phải rút toàn bộ quân của họ, tất cả các sĩ quan” ra khỏi miền đông Ukraine, ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Kể từ khi lên cầm quyền hồi tháng Năm, Tổng thống Zelensky đã tìm cách khôi phục lại tiến trình hòa bình nhằm kết thúc cuộc xung đột kéo dài 5 năm ở miền đông Ukraine – một cuộc xung đột đã cướp đi mạng sống của khoảng 13.000 người.

Tuy nhiên, những nỗ lực đó đã bị đình lại do lực lượng quân sự của Kiev và của lực lượng ly khai miền đông Ukraine liên tục không chịu rút quân khỏi chiến tuyến vì những vụ giao tranh vẫn tiếp diễn.

Tổng thống Putin tuyên bố, Moscow “luôn luôn sẵn sàng” đàm phán chừng nào “họ đã sẵn sàng để các cuộc đàm phán không diễn ra vô nghĩa mà phải kết thúc bằng những kết quả cụ thể – những kết quả có lợi cho việc giải quyết toàn cục”.

Kế hoạch hòa bình của ông Zelensky, trong đó có việc rút quân, đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi nhiều người trong giới quan chức ở Kiev, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa dân tộc.

"Bản thân ông Zelensky không giống với một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc nhưng liệu ông ấy có thể đối phó với những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc hay không thì rất khó nói vào thời điểm này”, ông Putin phát biểu như vậy với các phóng viên trong chuyến thăm đến Budapest.

Sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.

Chính quyền tiền nhiệm của ông Zelensky đã theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt, khiến cho mối quan hệ Nga-Ukraine liên tục trong tình trạng “căng như dây đàn”. Tuy nhiên, tình hình đang có các dấu hiệu khả quan, đáng hy vọng khi ông Zelensky và người đồng cấp Putin đang có những bước đi nhằm tháo gỡ tình hình ở miền đông Ukraine.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201910/ukraine-xuong-nuoc-rut-quan-nga-van-lam-cang-khien-nato-tuc-gian-0c82b72/