Ukraine xây dựng học thuyết quân sự mới chống Nga

Ukraine tự tin rằng trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột từ thế lực bên ngoài vào lãnh thổ nước này, NATO sẵn sàng hỗ trợ.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đã ký sắc lệnh nêu rõ Nga là "kẻ thù quân sự" của Ukraine, đồng thời cáo buộc Moscow có "chính sách quân sự và đối ngoại hung hăng" có thể gây ra xung đột ở châu Âu, hãng RT (Nga) đưa tin.

Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky chuẩn bị một học thuyết quân sự mới nhằm quân sư hóa toàn dân để chống lại cuộc chiến với Nga

Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky chuẩn bị một học thuyết quân sự mới nhằm quân sư hóa toàn dân để chống lại cuộc chiến với Nga

Sắc lệnh vừa được công bố hôm 25/3 đã phác thảo kế hoạch của Kiev nhằm "lấy lại" bán đảo - vùng đất mà họ cáo buộc Nga đang "chiếm đóng bất hợp pháp", đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn bất kỳ sự leo thang nào có thể xảy ra.

“Ở cấp độ quốc gia, Nga hiện đang là một đối thủ quân sự của Ukraine”, tài liệu cho biết.

Bên cạnh đó, bản sắc lệnh mới cũng nêu việc trở thành thành viên có tư cách đầy đủ của NATO là một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại của Ukraine, lưu ý rằng điều Kiev mong muốn không phải là đạt được "sự ngang bằng về quân sự" với Moscow, mà là cơ hội được gia nhập khối liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Chiến lược mới được Tổng thống Zelensky phê duyệt cũng xác định một mục tiêu quan trọng khác của Kiev là chấm dứt "việc Nga tạm thời chiếm đóng một phần lãnh thổ của Ukraine."

"Ở cấp độ quốc gia, Nga vẫn là một đối thủ quân sự của Ukraine và nước này đang thực hiện hành vi xâm lược vũ trang chống lại Ukraine" - bản sắc lệnh cáo buộc Moscow chiếm Crimea, Sevastopol và Donetsk/Lugansk, đồng thời sử dụng các biện pháp "quân sự, chính trị, kinh tế, thông tin, tâm lý, không gian, mạng internet và các phương tiện khác" để đe dọa nền độc lập của Ukraine.

Trong chiến lược quân sự mới của Kiev, Tổng thống Volodymir Zelensky khẳng định nước này sẽ tập trung quân sự hóa toàn dân trong cuộc đối đầu với Moscow. Học thuyết mới giả định việc tiến hành một cuộc chiến tranh du kích tổng lực.

Tờ Strana.ua cho biết, chiến lược quân sự mới của Kiev trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Nga dựa trên một kịch bản mà theo đó xung đột giữa các nước bắt đầu bằng phản ứng trước hành động gây hấn hoặc đe dọa an ninh quân sự của Ukraine.

Theo chiến lược này, sự tham gia của quân đội và lực lượng đặc biệt sẽ bị trừng phạt nếu có “một cuộc xung đột vũ trang được kích động và hỗ trợ từ bên ngoài trong lãnh thổ Ukraine”. Điều này có nghĩa là Lực lượng vũ trang Ukraine có thể phát động một chiến dịch quân sự chống lại các vùng lãnh thổ không kiểm soát và nơi quân đội Nga đóng quân ở đó bất cứ lúc nào.

Đồng thời, xung đột quân sự kết thúc “với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế với những điều kiện có lợi cho Ukraine”.

Trong kịch bản xung đột này, Kiev cần phải đảm bảo chắc chắn sự hỗ trợ về chính trị, kinh tế và quân sự của cộng đồng các nước đối đầu với Nga. Ngược lại, Ukraine cũng phải thể hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp xảy ra đụng độ giữa các cường quốc hạt nhân, tức là trong trường hợp xảy ra xung đột giữa chính các nước NATO và Nga.

Thực tế, NATO thời gian qua đã có nhiều động thái thể hiện sự ủng hộ Ukraine về quân sự trong bối cảnh diễn ra cuộc đối đầu với Nga. Mọi sự chuẩn bị đều hướng đến kịch bản phía Nga có bất cứ động thái khiêu khích quân sự nào, hoặc đưa quân đội tới vùng Donbass.

Những tuần qua, Kiev đã dùng nhiều cách để hướng sự quan tâm của Nga đến khu vực ly khai ở nước này. Hôm 23/3, Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh cho phép Hội đồng An ninh và quốc phòng áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với 23 quan chức Nga và 3 thành viên người Pháp tại Nghị viện châu Âu (EP) - những người đã tới thăm bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập bất chấp sự phản đối của Kiev.

Ukraine đang nỗ lực gia nhập NATO cho một cuộc chiến quân sự chưa từng có với Nga.

Các biện pháp hạn chế bao gồm phong tỏa tài sản, chấm dứt hoạt động thương mại, không được rút tài sản tài chính khỏi Ukraine, đóng băng các trách nhiệm kinh tế và tài chính, hủy bỏ giấy phép cũng như các quyền khác. Ngoài các quan chức Pháp và Nga, danh sách trừng phạt còn bao gồm hơn 80 công ty và cơ quan truyền thông của Nga.

Moscow đã nhiều lần nhắc lại rằng họ không có ý định gây hấn với quốc gia nào, đồng thời nhấn mạnh sự quan tâm khi chứng kiến Kiev vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị. Giới lãnh đạo cấp cao của Nga cho rằng, vấn đề liên quan đến lãnh thổ Crimea đã được khép lại.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ukraine-xay-dung-hoc-thuyet-quan-su-moi-chong-nga-3429731/