Ukraine vẫn tin Nga sợ... trừng phạt?

Chuyên gia Ukraine cho rằng kịch bản đối đầu trực diện Ukraine-Nga ít khả năng xảy ra do mối đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Nga có sợ...trừng phạt?

Trang Deutsche Welle (DW) của Đức mới đây có bài viết nhận định Nga không thực sự rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine. Theo bài viết, sau khi Nga thông báo kết thúc cuộc tập trận, nhiều đơn vị quân đội Nga vẫn tiếp tục hiện diện trong khu vực.

Theo DW, các cuộc chuyển quân của Nga đã làm cho Ukraine và nhiều nước phương Tây khác lo lắng.

Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Kiev hôm 6/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Selenskyj cho biết ước tính lực lượng quân sự Nga đang triển khai dọc biên giới Ukraine vào khoảng 75.000 người. Một ngày trước đó, Washington cho biết hiện tại số quân của Nga trong khu vực này khoảng 80.000 người.

Nga vừa tổ chức cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 trên Quảng trường Đỏ

Nga vừa tổ chức cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 trên Quảng trường Đỏ

Cùng ngày 6/5, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết đến nay Nga mới chỉ rút một phần nhỏ lực lượng quân đội khỏi khu vực, trong khi “hàng chục nghìn người” vẫn ở lại.

Tờ báo Đức cho biết, tới giữa tháng 4 vừa qua, Nga đã tập trung lực lượng quân sự hùng hậu nhất tại các khu vực này kể từ năm 2014.

Theo ước tính của Kiev, lực lượng này dao động từ 90.000 đến hơn 100.000 người. Nga đã thông báo về một cuộc “kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu”của lực lượng quân đội trên toàn lãnh thổ, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov lần đầu tiên thông báo quân số tham gia cuộc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu trên cả nước là hơn 300.000 người.

Ở biên giới Ukraine, ngoài lực lượng quân sự có sẵn từ trước, Nga đã điều thêm nhiều sư đoàn bộ binh và sư đoàn lính dù cùng các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự đến tăng cường.

Cũng theo Tổng tham mưu trưởng Gerasimov hồi cuối tháng 4, hầu hết lực lượng quân sự được tăng cường tới biên giới với Ukraine đã được điều động trở lại, chỉ có các trang thiết bị quân sự là đang được vận chuyển dần dần khỏi khu vực, chậm nhất đến ngày 8/5 hoặc ngày 12/5 sẽ xong.

Ngoại lệ là một bộ phận vũ khí, trang thiết bị của Tập đoàn quân 41 được điều động từ Quân khu trung tâm đến khu vực Voronezh sẽ được giữ lại cho tới cuộc tập trận Nga-Belarus vào tháng 9 tới.

Các cuộc tập trận quy mô lớn của Nga luôn khiến phương Tây đứng ngồi không yên

DW dẫn lời nhà báo và chuyên gia quân sự Pawel Felgenhauer cho rằng Nga đang tạo ra nền tảng cho một “cuộc tấn công vào mạn sườn” và một cuộc bao vây nhanh đối với quân đội Ukraine. Tuy nhiên, theo chuyên gia Felgenhauer, quyết định về một hành động quân sự chưa được đưa ra.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Mykola Sunhurowskyj từ Trung tâm nghiên cứu Razumkov ở Kiev được DW dẫn lời đánh giá lực lượng quân đội Nga như là một phương tiện gây áp lực làm cho Ukraine và phương Tây luôn căng thẳng.

Tuy nhiên, chuyên gia Sunhurowskyj tin rằng Ukraine sẽ đối phó với cuộc xung đột cục bộ tốt hơn nhiều so với đối đầu trực diện với Nga. Ông Sunhurowskyj cũng cho rằng kịch bản đối đầu trực diện giữa Ukraine và Nga ít khả năng xảy ra hơn do mối đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Thực tế và ảo tưởng

Nhận định về động thái của Nga thời gian qua, tờ The Straits Times cho rằng việc điều động số lượng lớn binh lính đến khu vực biên giới Ukraine là một cuộc đối đầu chính trị chứ không mang tính quân sự đơn thuần nhằm kiểm chứng giới hạn đoàn kết của phương Tây. Kết quả là Nga rất hài lòng với câu trả lời nhận được.

Theo The Straits Times, Nga muốn nhắc nhở phương Tây rằng sự ủng hộ của họ đối với Ukraine kéo theo những phí tổn khôn lường không chỉ liên quan đến việc duy trì nền kinh tế Ukraine mà còn về trách nhiệm bảo vệ sự tồn tại độc lập của Ukraine.

Còn về phía Nga, mục tiêu đặt ra được cho là xứng đáng với số tiền đáng kể đã bỏ ra để huy động khoảng 100.000 binh lính và trang thiết bị.

Ukraine tự tin hơn khi "bắt tay" Mỹ?

Thông qua đợt huy động lực lượng nhanh chóng đến khu vực biên giới Ukraine - trung tâm lục địa châu Âu, Nga còn kiểm chứng tiến trình ra quyết định của NATO.

Liệu liên minh này có sẵn sàng đánh phủ đầu Nga bằng cách triển khai lực lượng đang bố trí ở phía Tây của họ đến khu vực Đông Âu gần biên giới Nga khi Nga bắt đầu huy động binh lính hay không? Nếu có, Nga sẽ phải thận trọng.

Thế nhưng như tình hình hiện nay cho thấy, tất cả những gì mà các nhà lãnh đạo phương Tây làm khi đối mặt với đợt điều động binh lính lớn này của Nga là điện đàm để thảo luận về cách phản ứng. Do đó, cơ hội để Nga tự do hành động sẽ tăng lên theo cấp số nhân.

Theo The Straits Times, Nga đã sắp đặt cuộc đối đầu mang tính chính trị hơn là quân sự để kiểm chứng giới hạn đoàn kết của phương Tây. Và với phản ứng như hiện nay, Nga có lẽ cảm thấy tương đối hài lòng khi đã khiến phương Tây xáo trộn.

Ví dụ điển hình được nêu ra là việc Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ lo ngại về động thái của Nga, nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), đường ống dẫn khí ngầm dưới biển có quy mô lớn, giúp Nga vận chuyển khí đốt đến các cảng của Đức.

Ukraine chưa thể gia nhập NATO trong tương lai gần

Trong Thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội Nga ngày 21/4, đúng lúc cuộc đối đầu quân sự lên đến đỉnh điểm, Tổng thống Putin đã cảnh báo từ bây giờ, Nga sẽ đặt ra giới hạn đỏ của riêng mình khi đối phó với phương Tây:

“Bất kỳ nước nào có hành động khiêu khích đe dọa những lợi ích an ninh cốt lõi của chúng ta đều sẽ phải hối hận về hành động của họ hơn bất kỳ điều gì”.

Vấn đề khiến phương Tây lo ngại là việc ông Putin không nói rõ “giới hạn đỏ” là gì: “Chúng ta sẽ xác định trong từng trường hợp cụ thể”. Đây được coi là “sự mơ hồ” có chủ ý giúp Nga đạt được lợi thế chiến lược.

Trở lại với vấn đề Ukraine gia nhập NATO, Sputnik dẫn lời chuyên gia Konstantin Blokhin - nhà khoa học chính trị, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ - đã nêu ra hai trở ngại đối với việc Ukraine. Ông cho rằng Ukraine đã ảo tưởng khi tin vào khả năng nước này có thể trở thành thành viên của NATO, cũng như trong Liên minh châu Âu (EU).

Ông giải thích: "Ukraine khao khát đến đó, nhưng về mặt khách quan, phương Tây không cần nước này. Phương Tây chỉ cần Ukraine như một phần tử ‘kiềm chế’ Nga, không hơn không kém... Nếu Ukraine gia nhập NATO, đối với Mỹ và cả phương Tây, họ có nguy cơ sẽ bị kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga, trong khi Mỹ không hề muốn có một cuộc đối đầu trực diện với Nga về vấn đề Ukraine”.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/ukraine-van-tin-nga-so-trung-phat-3431958/