Ukraine tự dâng Biển Azov cho riêng Nga?

Theo truyền thông Nga, việc Ukraine rút khỏi thỏa thuận với Nga tại Biển Azov có thể khiến Kiev không thể mời tàu phương Tây vào vùng biển này.

Mới đây, Giám đốc Vụ hai phụ trách về các nước CIS thuộc Bộ Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho rằng, việc Ukraine rút khỏi thỏa thuận với Nga về Biển Azov sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc di chuyển của tàu thuyền trên vùng biển này, từ đó có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Còn theo nhà ngoại giao Ukraine, ông Pavel Klimkin: "Bất kỳ thỏa thuận nào cũng có chứa điều khoản cho phép một trong các bên ký kết rút khỏi thỏa thuận đó, vì vậy nếu họ đưa ra quyết định như vậy, thì đó là việc của họ, nhưng điều này, tất nhiên sẽ dẫn đến hậu quả nhất định đối với cả Ukraine và Nga".

Hải quân Ukraine.

Ông nhắc lại rằng, theo các điều khoản chính của tài liệu, về mặt lịch sử Biển Azov là vùng biển nội địa của hai nước. Điều đó có nghĩa là phương thức di chuyển tàu thuyền đều phải tuân theo luật của hai quốc gia.

"Có một điều khoản quy định, rằng các tàu quân sự nước ngoài chỉ có thể đi qua eo biển tại Azov khi có được sự đồng ý của cả hai bên. Nếu không có thỏa thuận giữa Ukraine và Nga, thì không có tàu thuyền nước ngoài nào có thể vào đó", nhà ngoại giao giải thích.

Theo nhận định của một số chuyên gia, nếu Ukraine thực sự rút khỏi thỏa thuận Biển Azov với Nga thì điều đó không khác nào tự biến khu vực này thành vùng biển của riêng Nga.

Bởi theo ông Boris Babin, đại diện của Tổng thống Ukraine về Crimea cho biết, kể từ cuối tháng 5, tàu tuần tra của Hải quân Nga hoặc của an ninh Nga đã làm chậm trễ các chuyến tàu chở hàng quốc tế đến và đi từ các cảng Mariupol và Berdyansk, bởi việc kiểm tra thủy thủ đoàn và hàng hóa mất rất nhiều thời gian.

Trong khi đó tàu Hải quân Ukraine không thường xuyên có mặt ở Biển Azov, vì vậy các công ty vận tải biển và các cảng biển của Ukraine thiệt hại hàng ngàn USD mỗi ngày.

Biển Azov là biển nông nhất thế giới. Ukraine khai thác khu vực sâu nhất của biển Azov tại các cảng Berdyansk và Mariupol, nơi độ sâu từ 8 đến 10 mét, có thể đón nhận các tàu chở hàng trọng tải trung bình.

Sau khi Nga bắt đầu xây dựng cầu Crimea hồi tháng 4/2015, Nga buộc Ukraine phải dùng tàu vận tải hàng hóa cỡ nhỏ khi đi qua eo biển Kerch - nơi tiếp giáp giữa biển Azov và Biển Đen - sau đó chuyển tải trọng sang các tàu lớn hơn ở Biển Đen.

Điều đó khiến lượng trung chuyển hàng hóa tại cảng Mariupol ở Donetsk đã giảm tới 14%, giảm từ hơn 8,9 triệu tấn hàng hóa trong năm 2015 xuống chỉ còn 6,5 triệu tấn trong năm 2017.

Tại cảng Berdyansk ở Zaporizhzhia Oblast tình hình còn tồi tệ hơn, khi lượng trung chuyển tải hàng hóa tại cảng này giảm tới 30%, từ 4,5 triệu tấn hàng hóa trong năm 2015 xuống 2,4 triệu tấn trong năm 2017.

Dù là thiệt hại nhiều đến kinh tế, nhưng việc Ukraine muốn phương Tây và Mỹ trừng phạt chống lại các cảng Biển Đen của Nga có lẽ sẽ khó xảy ra. Điều này được chính Nghị sĩ Quốc hội Ukraine - Evgeny Murayev chỉ ra.

Theo ông Murayev, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea "không gây ra bất cứ thiệt hại cụ thể nào" cho nền kinh tế Nga.

Ngoài ra, ông Murayev cũng bày tỏ sự hối tiếc rằng, Mỹ đã không xem Ukraine là đối tác chính thức mà chỉ là công cụ để gây áp lực lên Nga.

"Chúng tôi được sử dụng như một công cụ để giải quyết các vấn đề địa chính trị của họ. Chúng tôi đang ở vị trí mà họ sử dụng để tạo thêm áp lực lên Nga. Điều đó không giải quyết được các vấn đề của chúng tôi nhưng lại phục vụ cho các lợi ích của họ", nghị sĩ Ukraine nói.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ukraine-tu-dang-bien-azov-cho-rieng-nga-3366175/