Ukraine thừa nhận sốc việc vào NATO

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimlin đã phải thừa nhận việc quốc gia này có thể tham gia vào EU hay NATO là điều viển vông trong thời gian ngắn.

Trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 8/1, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimlin cho biết, Ukraine chưa sẵn sàng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh Châu Âu (EU) trong vòng 5 năm tới do tình hình trong nước còn nhiều bất ổn.

Ngoại trưởng Ukraine cay đắng thừa nhận: "Với tình hình hiện tại, Ukraine sẽ không có mặt trong EU và NATO trong vòng 5 năm tới. Nếu ai đó cho rằng Kiev sắp gia nhập những liên minh này thì đừng tin họ, bởi đây là điều vô lý và dễ gây hiểu lầm".

Thời gian vừa qua, đã có nhiều Nghị sĩ và quan chức Ukraine bày tỏ việc phương Tây đang lừa dối Kiev. Cố vấn Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, Taras Kachka cho rằng EU không tạo điều kiện để Kiev có thể tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp của quốc gia này, đồng thời tố cáo EU chưa hề có động thái nào cho việc hỗ trợ Ukraine từng bước trở thành thành viên của liên minh này.

Ngoại trưởng Ukraine khẳng định ai nói về cơ hội gia nhập EU và NATO trong thời gian tới là lừa dối

Trong khi đó, Nghị sĩ Viktor Bondar nhấn mạnh về việc NATO không tạo điều kiện để Ukraine được tham gia vào khối quân sự này.

"Họ chỉ ra rằng chúng tôi còn rất nhiều bất ổn trong nước và không thể trở thành thành viên của NATO, tuy nhiên họ không thiện chí trong việc giúp Kiev giải quyết những bất ổn đó".

Những gì mà Ngoại trưởng Ukraine Klimlin thừa nhận có phần bi quan, nhưng là một thực tế mà Kiev đã phải đối mặt: Họ đang thua kém quá xa nền công nghiệp tự động hiện đại của EU, họ không có cùng chung hệ thống vũ khí với NATO, đồng thời trong nội bộ nước này đang ẩn chứa nguy cơ nội chiến. Còn ngoài biên giới, Ukraine đang đối đầu với một cuộc chiến với Nga.

Ukraine cần chấp nhận sự thật rằng họ còn thiếu quá nhiều điều kiện để gia nhập EU hay NATO. Và tất nhiên, sẽ không có "đường tắt" cho quá trình này. Ukraine buộc phải tự hoàn thiện nền tảng kinh tế cũng như ổn định xã hội để đạt được những mục tiêu đó.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Poroshenko nhiều năm qua đã luôn ôm mộng được tham gia vào hàng ngũ những người phương Tây tiên tiến này.

Tháng 12/2014, Quốc hội Ukraine đã sửa đổi 2 đạo luật cho phép nước này từ bỏ quy chế không liên kết, việc làm mở đường cho đàm phán để trở thành thành viên NATO.

Tính đến nay, Kiev liên tục thay đổi các điều của Hiến pháp, đồng thời gia nhập NATO và đối đầu với Nga là ưu tiên đối ngoại hàng đầu của quốc gia này.

Tổng thống Poroshenko và những người đứng đầu Kiev đã cho rằng tuyệt giao mọi hợp tác, liên quan với Nga là con đường ngắn nhất, dễ dàng nhất để chứng minh cho phương Tây thấy họ toàn tâm toàn ý đi theo đường lối của nhóm này.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (bên trái) trao đổi với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, song cánh cửa vào liên minh quân sự này còn cách xa Kiev

Tuy nhiên, Ukraine tuyệt giao khí đốt và năng lượng với Nga, họ phải mua ngược lại từ châu Âu và chịu chênh lệch giá cả. EU là con buôn, không phải nhà sản xuất như Nga, và Kiev là nạn nhân.

Kiev không được EU cho phép tham gia vào liên minh công nghiệp của khu vực này, nhưng EU cũng từ chối chuyển giao công nghệ cho Ukraine giúp quốc gia này sớm thay đổi diện mạo ngành công nghiệp. Trong khi đó, Mỹ cũng chưa thông qua các gói viện trợ cho Ukraine về vũ khí để sớm đưa quốc gia này tiệm cận với nề tảng quốc phòng của NATO.

Kiev đang chịu nhiều thiệt thòi và tham vọng được đứng chung hàng ngũ với những Mỹ, Anh, Pháp, Đức... ngày càng xa vời. Thậm chí, tâm lý của Ukraine đang nảy sinh một mâu thuẫn: phương Tây có thực sự thành thật với mình.

Trong khi đó, nhìn vào một Ukraine chưa cách mạng màu, một Ukraine hòa hợp và không liên kết trước đây, họ có nguyên vẹn các vùng lãnh thổ, họ không có nội chiến tự trị, và cũng không phải chịu những thiệt thòi về kinh tế như hiện tại.

Những sự thừa nhận phũ phàng của ông Klimlin cũng là một đòn đau với Tổng thống Petro Poroshenko khi những kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây là cứu cánh duy nhất cho uy tín chính trị của ông này trước cuộc bầu cử sắp tới.

Phải thấy rằng, nếu sự hứa hão của EU và NATO với Ukraine trước đây chỉ nằm ở mức mơ hồ, thì bây giờ đã thành sự thật. Song hành với đó, tâm lý của người dân Ukraine cũng sẽ diễn biến theo hướng: theo Nga hay theo Mỹ, bên nào thiệt, bên nào lợi?

Tự những cử tri và lá phiếu của họ sẽ phản ánh yếu tố đó, bất chấp các chính khách nước này có chiến dịch bầu cử và quan điểm chính trị như nào.

Trong thời gian tới, chưa chắc quan điểm bài Nga sẽ trở thành xu hướng chính trị được hưởng ứng ở Ukraine, sau khi những sự thừa nhận ngày càng được công khai rộng rãi.

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ukraine-thua-nhan-soc-viec-vao-nato-3372645/