Ukraine thử nghiệm thành công tên lửa đe dọa Nga

Ukraine tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa hành trình cận âm 'Hải vương tinh' có thể đe dọa đến các lợi ích của Nga.

Ukraine đã thử nghiệm bay thành công loại tên lửa hành trình “Hải vương tinh”. Điều này được thông báo bởi cổng thông tin Defense Express dẫn lời nhà thiết kế Oleg Korostelev của Cục thiết kế Luch.

Tên lửa hành trình cận âm "Hải vương tinh" của Ukraine.

Tên lửa hành trình cận âm "Hải vương tinh" của Ukraine.

Ông này cho biết, đây là lần đầu tiên tên lửa “Hải vương tinh” thực hiện chuyến bay dọc theo một tuyến đường và độ cao xác định, vượt qua quảng đường hơn 250 km. Giai đoạn thử nghiệm tiếp theo sẽ là thử nghiệm các đặc tính chiến đấu của tên lửa.

Cựu thư ký của Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine Oleksandr Turchynov đã nói trong một cuộc trò chuyện với tờ LB.ua rằng, loại tên lửa hành trình “Hải vương tinh” do các nhà thiết kế Ukraine chế tạo, có thể phá hủy cây cầu qua eo biển Kerch trong vài phút. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh rằng, tên lửa có thể phá hủy các tàu chiến của hải quân Nga ở Biển Đen và Biển Azov.

“Hải vương tinh” là một tên lửa chống hạm tầm thấp cận âm, được thiết kế để tiêu diệt các tàu chiến có lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn và các mục tiêu mặt đất. Loại tên lửa này được thiết kế bởi Cục thiết kế Luch. Việc sản xuất hàng loạt tên lửa loại này sẽ được thực hiện bởi công ty nhà nước VIZAR.

Tên lửa được trang bị động cơ phản lực MS-400. Đây là loại động cơ được phát triển dựa trên hệ thống động cơ TRDD-50 được sử dụng trên tên lửa chống hạm Kh-35 của Liên Xô.

“Hải vương tinh” có thể được phóng từ tàu chiến, máy bay và bệ phóng mặt đất. Tầm bắn tối đa của tên lửa khoảng 300 km, khối lượng của đầu đạn phân mảnh khoảng 150 kg, tốc độ bay khoảng 0,8 đến 0,85 Mach. Các tên lửa Kh-35 và các loại tương tự không có các đặc tính như “Hải vương tinh”, không có các đặc tính kỹ thuật phi thường và không có khả năng tấn công tàu hoặc đội tàu chiến với hệ thống phòng không hiện đại.

Chuyên gia quân sự Ukraine Valentin Badrak cho biết, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang tạo ra các tên lửa có thể “tiếp cận Moscow”.

Ông Badrak nói thêm rằng, các tên lửa tầm xa mới có thể thay đổi các biện pháp đàm phán, bởi vì Kiev đang được trang bị một trăm hoặc hai trăm tên lửa loại này, có thể buộc Moscow làm theo điều kiện của mình. Ngoài ra, do quân đội Ukraine có vũ khí với bán kính tiêu diệt mục tiêu 1.500 km nên Ukraine sẽ có thể bảo vệ vị trí của mình ở Ukraine cũng như trong NATO và liên minh châu Âu.

Nên nhớ rằng, trong năm 2019, Ukraine đã phân bổ hơn 7 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, một khoản tiền vượt quá 5% GDP của đất nước. Chi tiêu quân sự của Kiev đang tăng lên hàng năm. Số tiền này được dành cho việc phát triển và mua vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại với độ chính xác cao và để cải thiện khả năng của không quân lực lượng vũ trang Ukraine.

Phía Nga cho rằng, tên lửa “Hải vương tinh” chỉ là một phiên bản hiện đại hóa của tên lửa chống hạm Kh-35 của Nga, được tạo ra từ thời Liên Xô.

Điều đáng chú ý là phòng thủ của cầu Crimea được xây dựng theo hệ thống A2/AD (chống tiếp cận/chống xâm nhập). Vì vậy, trên mặt đất, trên biển và trên không được bảo vệ bởi các hệ thống Pantsir, Tor, Buk-M2 và các hệ thống phòng không S-400 Triumph mới nhất. Vì vậy, tên lửa này khó tiếp cận với cầu Crimea.

Nguyễn Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ukraine-thu-nghiem-thanh-cong-ten-lua-de-doa-nga-3392406/