Ukraine sắp mất hết hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga?

Ukraine không còn được trung chuyển dầu khí sang Thổ Nhĩ Kỳ, tương lai có thể là ngừng trung chuyển dầu khí sang châu Âu.

Nga đang cung cấp khoảng 13 tỉ mét khối khí một năm cho Thổ Nhĩ Kỳ qua Ukraine và Bulgaria.

Nhưng Moscow mới đây phát đi thông báo cho thấy họ sẽ ngừng việc trung chuyển khí đốt qua 2 quốc gia này sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga ngừng trung chuyển khí đốt Ukraine, Bulgaria đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga ngừng trung chuyển khí đốt Ukraine, Bulgaria đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Quốc gia phát đi tín hiệu này đầu tiên là Bulgaria.

Hôm 12/3, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Temothyzhka Petkova cho biết, nước này đã nhận được thư chính thức từ công ty Gazprom Export của Nga, thông báo kế hoạch ngừng vận chuyển khí đốt dọc Hành lang xuyên Balkan từ tháng 1/2020.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình tư nhân Bulgaria bTV. Bộ trưởng Petkova khẳng định, Sofia có quyền kiện lên Tòa trọng tài để đòi Gazprom bồi thường các khoản chi phí quá cảnh, mà nước này sẽ nhận được theo hợp đồng cho đến năm 2030.

Bulgaria có thể không nói đùa nếu Moscow tiếp tục không chọn Sofia để trung chuyển khí đốt theo đường ngược lại: từ Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Âu.

Chưa thấy có tín hiệu từ Ukraine về việc này nhưng không sớm thì muộn thì Kiev cũng buộc phải thừa nhận đã mất hợp đồng trung chuyển khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều này là dường như chắc chắn sẽ xảy ra. Moscow trước đây chọn Ukraine và Bulgaria để trung chuyển khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đến nay khi đã có đường ống chạy thẳng từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ mang tên "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" (Turkish Stream) thì họ không cần đến các tuyến ống trung chuyển nữa.

Hiện nay, nhánh một của Turkish Stream đã hoàn thành. Nhánh hai của dự án là trung chuyển khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ sang các nước Nam Âu. Từ Thổ Nhĩ Kỳ, qua Azerbaijan, Bulgaria sẽ là quốc gia trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu.

Trong khi đó, Ukraine ít có lợi thế chắc chắn như Bulgaria.

Ukraine có thể tiếp tục được trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu nhưng các cam kết cho hợp đồng này còn rất mờ mịt.

Ngay cả người đứng đầu Tập đoàn khí đốt Ukraine Naftogaz, ông Andrei Kobolev cũng thừa nhận điều này.

“Ukraine có thể mất quy chế nước trung chuyển khí đốt của Nga do các hành động của Berlin, Moscow và "một phần của giới cầm quyền chính trị Ukraine"" - ông Kobolev nhận định.

Theo vị này, Tập đoàn khí đốt Naftogaz đang thực hiện "những nỗ lực tối đa" để bảo toàn việc trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine sau năm 2019 nhưng không có gì là chắc chắn về hợp đồng này.

Ngoài việc chịu sức ép chính trị, hợp đồng trung chuyển khí đốt từ Ukraine sang châu Âu phụ thuộc cả vào bản thân hệ thống đường ống trung chuyển của Ukraine (GTS).

Ông Kobolev cho biết, cách tiếp cận để khôi phục lại hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) cần phải "cân bằng và có trách nhiệm".

Hệ thống trung chuyển khí đốt qua Ukraine đến châu Âu.

Vào tháng 1/2019, tại Brussels đã diễn ra cuôc gặp ba bên giữa Nga, Ukraine và Ủy ban châu Âu, thảo luận các vấn đề vận chuyển khí đốt sau năm 2019, khi hợp đồng hiện tại giữa Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom và Naftogaz của Ukraine hết hạn.

Ủy ban châu Âu đã đề nghị các bên ký hợp đồng trong hơn 10 năm nhưng không thể đạt được thỏa thuận cụ thể.

Chính quyền Nga đã nhiều lần nói rằng quá cảnh khí đốt qua lãnh thổ Ukraine sẽ được tiếp tục nếu có lợi ích kinh tế. Thủ tướng Nga Medvedev giải thích, Nga sẵn sàng tiếp tục vận chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine sau năm 2019, nhưng trong một số điều kiện nhất định.

Trước hết, cần phải giải quyết khúc mắc giữa các công ty liên quan.

Ngoài ra, các thông số kinh tế và thương mại quan trọng của giao dịch, cũng như môi trường chính trị ổn định.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, quá cảnh khí đốt qua lãnh thổ Ukraine đắt hơn nhiều so với các tuyến quá cảnh khác.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ukraine-sap-mat-het-hop-dong-trung-chuyen-khi-dot-nga-3376203/