Ukraine ra 'tối hậu thư' EU: Ép Mỹ, làm khó ông Zelensky

Hạ viện Mỹ đang cân nhắc cấp cho Ukraine khoản tiền 250 triệu USD để hỗ trợ quân sự nếu Kiev chứng minh họ còn là đồng minh của Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RT, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga), ông Yury Shvytkin đã cho rằng Ukraine đang rất trông chờ vào một khoản tiền viện trợ đến từ phía Mỹ.

"Hạ viện Mỹ đang xem xét kế hoạch cung cấp cho Kiev một khoản viện trợ lên đến 250 triệu USD. Đây là một khoản chi tiêu quân sự quy mô lớn và có tính chất gây hấn nhất định, đặc biệt với Nga" - ông Shvytkin cho biết.

"Phía Nga chắc chắn sẽ không có ai và không bao giờ có những hành động tấn công nhằm vào dân tộc Ukraine anh em. Nhưng tôi có cái nhìn tiêu cực vào việc Mỹ muốn thao túng các hành động của Ukraine qua các khoản tiền viện trợ kiểu này" - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga nhận định.

Khoản 250 triệu USD này được liệt kê trong ngân sách quốc phòng Mỹ tài khóa năm 2020 và đang được Hạ viện Mỹ xem xét phê duyệt, trong đó có 50 triệu USD cho vũ khí gây sát thương.

Quân đội Mỹ và Ukraine trong một cuộc huấn luyện chung

Quân đội Mỹ và Ukraine trong một cuộc huấn luyện chung

Theo thống kê trước đó, Ukraine dự kiến sẽ nhận được đến 400 triệu USD hỗ trợ quân sự trong năm 2020, tuy nhiên tính khả thi của kế hoạch này còn phụ thuộc vào sự đánh giá của Hạ viện.

Dự thảo ngân sách cũng nêu rõ số tiền trên còn được sử dụng vào các chương trình khác nhau, bao gồm đào tạo quân đội, hậu cần, phối hợp hành động chung (đa phần là các hoạt động tập trận). Ngoài ra, Hạ viện cũng nghiên cứu những bản kế hoạch chi tiết khác cho phép Washington cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho kinh tế Ukraine.

Như vậy, trong thời điểm Hạ viện Ukraine đang xem xét, Kiev đã đi thêm những bước tiếp theo. Ngoại trưởng Pavlo Klimkin tuyên bố gây sức ép cho liên minh châu Âu (EU). Nếu EU nới lỏng các động thái trừng phạt Nga, Kiev sẽ hủy thỏa thuận Minsk với Nga.

Thỏa thuận Minsk thực chất là hiệp ước ngừng bắn giữa chính quyền Kiev thân phương Tây và chính quyền tự trị (tự xưng) Donetsk và Lugansk (vùng Donbass) năm 2015. Thỏa thuận này cũng chấm dứt sự hiện diện của các binh sĩ giấu mặt nước ngoài được cho do Nga điều động vào hỗ trợ Donbass.

Thỏa thuận Minsk đảm bảo cho quá trình đàm phán, hòa giải chính trị của Kiev và Donbass trong những năm qua, dù thực sự ý chí của hai bên chưa có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, nếu hủy bỏ thỏa thuận này, Ukriane sẽ đứng trước nguy cơ nội chiến quy mô lớn.

Nếu Kiev muốn chiến tranh với Donbass để tỏ lòng bài trừ Nga tận gốc, họ sẽ cần phải liệt kê các kế hoạch quân sự, những hạng mục cần chi tiêu, các nguồn lực cần bổ sung... Hay nói cách khác là lên phương án kinh phí chiến tranh và đệ trình lên Mỹ để có được sự hỗ trợ cho khoản chiến phí ấy.

Ukraine sẵn sàng dùng một cuộc nội chiến để đổi lấy tín nhiệm từ chính quyền Washington

Ngoài ra, tuyên bố gây căng thẳng ấy được phát đi từ Ngoại trưởng Klimkin - quan chức thời Tổng thống Petro Poroshenko (còn đương nhiệm đến tháng 6). Khi ông Vladimir Zelensky nhậm chức, Tân Tổng thống sẽ cải tổ nội các và gần như chắc chắn sẽ thay thế Ngoại trưởng bằng một gương mặt mới.

Như vậy, "tối hậu thư" mà Kiev gửi tới EU lần này có thể là một động thái cuối cùng mà chính quyền được dựng lên từ cách mạng màu Maidan 2014 thực hiện: tiếp tục thể hiện quyết tâm thân Mỹ, hướng về phương Tây và bài Nga sâu sắc.

Cách làm này của chính quyền Poroshenko sẽ gây ra thế khó cho Tân Tổng thống Zelensky. Bản thân chính khách này theo đuổi quan điểm mềm dẻo và trung lập hơn giữa hai phe phương Tây - phương Đông. Ông ưu tiên tối đa cho việc ổn định và phát triển đất nước.

Động thái của Ngoại trưởng Klimkin có thể lay động Hạ viện Mỹ và khoản tiền 250 triệu USD có thể được thông qua, khi Ukraine vẫn đang tự chứng minh họ là tiền đồn chống Nga của Washington.

Tháng 6 này, Tổng thống Zelensky nhận chức, và cũng là thời điểm mà Nga áp đặt lệnh trừng phạt cấm vận toàn bộ năng lượng dầu và than vào Ukraine. Tân Tổng thống sẽ được "chào sân" bằng một tình thế cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là thảm họa với nền kinh tế nước này.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ukraine-ra-toi-hau-thu-eu-ep-my-lam-kho-ong-zelensky-3380177/