Ukraine, Mỹ tạo bước ngoặt chống Nord Stream-2?

Ngoại trưởng Ukraine và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ thống nhất hành động chung nhằm chống lại dự án Nord Stream-2.

Hôm 12/11, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đã tới thăm Thủ đô Kiev và có cuộc họp với Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin.

Trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Ukraine, Ngoại trưởng Klimkin nhấn mạnh rằng, cả hai nước đều đồng thuận sẽ có hành động chung nhằm chống lại việc thực hiện dự án Nord Stream-2 của Nga và Đức chạy dưới biển Baltic.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry

Hai bên cũng đồng ý rằng, dự án này đang phá hoại an ninh và ổn định năng lượng của châu Âu.

Bộ trưởng Mỹ cũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và trao đổi về vấn đề này.

Tổng thống Ukraine đã ghi nhận việc thực hiện thành công một số dự án chung của hai nước trong ngành công nghiệp điện hạt nhân cũng như việc Mỹ sẽ là nguồn cung cấp than cho Ukraine.

Trang điện tử của Tổng thống Poroshenko đăng tải thông tin về cuộc gặp đồng thời nhấn mạnh tới sự ủng hộ của phía Mỹ đối với quan điểm của Ukraine về dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 của Nga.

Ông Poroshenko nhấn mạnh rằng, Ukraine quan tâm tới việc thu hút các công nghệ hiện đại và áp dụng các kinh nghiệm tiên tiến để khai thác lượng dự trữ khí đốt của Ukraine.

"Chúng tôi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục chống lại dự án Nord Stream-2 cũng như đa dạng hóa các nguồn năng lượng đặc biệt bằng cách mở rộng nguồn cung cấp khí đốt hóa lỏng từ Mỹ" - tuyên bố nêu rõ.

Tổng thống Poroshenko khẳng định rằng, tầm quan trọng của việc hợp tác giữa Ukraine và Mỹ là nhằm tăng cường an ninh năng lượng của Ukraine.

Ukraine lâu nay phản đối dự án Nord Stream-2 bởi nó khiến Moscow ngừng sử dụng dịch vụ quá cảnh khí đốt qua Ukraine, từ đó làm mất đi nguồn thu từ thuế và phí dịch vụ của quốc gia này, ảnh hưởng lớn đến ngân sách.

Ukraine đã lấy lý do rằng việc xây dựng dự án Nord Stream-2 sẽ khiến nguồn thu của họ bị suy giảm trầm trọng để tìm cách ngăn chặn dự án. Tuy nhiên, phía Nga đã khẳng định, dự án vẫn được tiến hành và Nga không có nghĩa vụ phải lo lắng cho sự thụt giảm ngân sách của quốc gia khác.

Ukraine cũng đã lấy lý do rằng, nếu tiếp tục mua thêm khí đốt của Nga bằng đường ống dẫn dưới biển, điều này đồng nghĩa với việc châu Âu tiếp tục phụ thuộc năng lượng vào Nga, từ đó dễ dàng bị Moscow gây ảnh hưởng về mặt chính trị. Đường ống này sẽ như một chiếc roi năng lượng khiến Moscow có thể điều khiển các chính sách chính trị của châu Âu.

Mỹ cũng đồng thuận với quan điểm này và trước khi tiến hành thực hiện thỏa thuận bán khí hóa lỏng cho EU thì Washington đã có được thỏa thuận cung cấp khí hóa lỏng cho Ukraine, cũng như tiến hành khai thác các mỏ năng lượng của nước này.

Điều đáng nói là nền kinh tế của Ukraine không mạnh mẽ như nền kinh tế các nước châu Âu nhưng vẫn lựa chọn giải pháp năng lượng đắt đỏ của Mỹ. Việc bỏ nhiều tiền hơn để mua năng lượng liệu có giúp người dân Ukraine sống sót qua mùa đông dài rét mướt so với những năm trước sử dụng lượng khí đốt giá rẻ mà Kiev đã mua của Nga?

Cùng với Ukraine, Ba Lan là một trong những quốc gia cực lực phản đối dự án này.

Để tránh chia rẽ trong châu Âu và thúc đẩy dự án, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hối thúc phía Nga tiếp tục cung cấp một lượng khí quá cảnh nhất định cho Ukraine.

Moscow đã chấp nhận điều kiện này song Ukraine và Nga chưa bước vào một cuộc đàm phán thực chất về việc liệu Nga sẽ cung cấp bao nhiêu khí đốt quá cảnh Ukraine sang châu Âu và hợp đồng sẽ kéo dài đến khi nào.

Giữa lúc đó, dự án Nord Stream-2 vẫn đang được xây dựng đúng tiến độ. Dự kiến, đầu năm 2019, đường ống sẽ đi vào chạy thử.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ukraine-my-tao-buoc-ngoat-chong-nord-stream-2-3369110/