Ukraine muốn tái lập trận 'Trân Châu Cảng' mới với Nga?

Theo nhà khoa học chính trị Ukraine, Tiến sĩ Zinovy Svereda, chính quyền Kiev nên phát triển một chiến lược quân sự cho việc giải phóng Crimea và Donbass.

Ông Svereda cho rằng, định dạng Normandy hiện tại được cho là “chẳng dẫn tới đâu cả”, Đức và Pháp đã hơn một có “vị trí không rõ ràng trong các cuộc đàm phán”, do đó Mỹ và Anh nên tham gia vào cuộc đối thoại về Ukraine.

“Ngoài ra, dù muốn hay không, Ukraine cũng phải có chiến lược tấn công của riêng mình. Chúng tôi phải di chuyển, rời xa chiến lược phòng thủ và nhìn vào mắt đối tác của mình”, Nhà khoa học chính trị nói.

Lực lượng hải quân Nga tập trận trên Biển Đen. (Ảnh: RIA)

Lực lượng hải quân Nga tập trận trên Biển Đen. (Ảnh: RIA)

Theo ông Svereda, Kiev nên có chiến lược quân sự “giải phóng” Donbass và Crimea. Vì vậy, các biện pháp cụ thể, ông Svereda đề nghị “thổi bay” cầu Kerch và hạm đội Nga, đồng thời “bố trí một trận Trân Châu Cảng mới”.

Ông Svereda cho biết thêm, bằng cách này Ukraine sẽ có thể cạnh tranh với các nước tiên tiến trong việc bảo vệ lợi ích của mình và khi đó Anh và Mỹ sẽ coi nước này như một đối tác.

Đây không phải là tuyên bố đầy tham vọng đầu tiên của các chuyên gia và quân đội Ukraine. Trước đó, cựu Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia (NSDC) Ukraine Oleksandr Turchynov hôm 15/7/2019 tuyên bố rằng tên lửa hành trình “Neptune” chế tạo tại Ukraine đủ sức tiêu diệt các chiến hạm Nga thuộc bất kỳ lớp nào tại các hải cảng và căn cứ trên Biển Đen, biển Azov, cũng như “trong vòng vài phút” có thể thổi bay cây cầu Crimea.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Ukraine Mikhail Zhirokhov trong một cuộc phỏng vấn với ấn phẩm Delovaya Stolitsa cho rằng tên lửa chống hạm hành trình R-360 Neptune mới có thể tiếp cận tàu Nga ở Novorossiysk.

Theo chuyên gia quân sự Yuri Knutov, trong trường hợp Lực lượng vũ trang Ukraine tấn công Crimea, quân đội Nga sẽ đáp trả bằng đòn không chỉ với những kẻ sẽ xông vào bán đảo này, mà còn vào các căn cứ cũng như cơ quan đầu não của đối phương. Ông cảnh báo: “Căn cứ Lvov của Ukraine và những nơi khác sẽ bị phá hủy hoàn toàn”.

Được biết, bản thân ông Svereda trước đó đã đề nghị bán đất ở biên giới phía đông của Ukraine cho các công ty Mỹ để bảo vệ họ khỏi sự “xâm lược” của Nga.

Trước đó, vào cuối tháng 5, Tập đoàn công nghiệp Quốc phòng “Ukroboronprom” của Ukraine thông báo đã thử nghiệm thành công tổ hợp tên lửa chống hạm ven biển với tên lửa hành trình R-360 Neptune. Các cuộc phóng thử thành công tổ hợp tên lửa RK-360MTs với tên lửa chống hạm Hải Vương tinh có tầm bắn lên tới 300 km đã diễn ra tại trường bắn thuộc thành phố Odessa, Ukraine.

Theo một số dữ liệu, tên lửa R-360 được trang bị đầu đạn, cho phép tiêu diệt mục tiêu ở điều kiện cơ động khó khăn. Một động cơ phóng mới đã được cài đặt trên tên lửa giúp đầu đạn bắn ra mạnh hơn. Bánh lái mới và độ rộng của cánh tăng giúp khả năng điều khiển và cơ động của tên lửa được tăng lên đáng kể.

Truyền thông Ukraine cho biết, tổ hợp tên lửa Neptune sẽ sớm nhập biên quân đội nước này. Không chỉ Hải quân Ukraine, lực lượng lục quân cũng tỏ ra hứng thú với tên lửa Neptune. Năm 2019, tổ hợp chống hạm Neptune của Ukraine được công khai lần đầu tiên tại IDEX-2019. Tháng 4 cùng năm tổ hợp này thử nghiệm thành công lần đầu tiên.

Tổ hợp tên lửa Neptune được sử dụng để bảo vệ eo biển và lãnh hải, bảo vệ các tuyến biển ngoài khơi, căn cứ hải quân, cơ sở hạ tầng ven biển.... Toàn bộ tổ hợp R-360 Neptune bao gồm cơ cấu phóng USPU-360, thùng chứa tên lửa TPK-360, xe phát điện TZM-360 cùng với phương tiện vận tải TM-360. Tên lửa hành trình R-360 Neptune có đầu đạn nặng 150 kg, tầm bắn lên tới 280 km và tốc độ khoảng 900 km/giờ, độ cao bay trên đỉnh sóng từ 3 đến 10 m. Tổ hợp này cung cấp khả năng phóng đồng thời lên tới 24 tên lửa.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/ukraine-muon-tai-lap-tran-tran-chau-cang-moi-voi-nga-273051.html