Ukraine muốn Israel cung cấp tên lửa đạn đạo LORA 'mạnh vượt trội ATACMS'

Tên lửa đạn đạo LORA do Israel sản xuất sẽ giúp nâng cao sức mạnh Quân đội Ukraine nếu Tel Aviv đồng ý chuyển giao.

Khi vẫn gặp khó khăn với việc đề xuất Mỹ cung cấp MGM-140 ATACMS, Ukraine đang muốn Israel chuyển giao cho họ tên lửa đạn đạo LORA "mạnh vượt trội" như một giải pháp thay thế.

Khi vẫn gặp khó khăn với việc đề xuất Mỹ cung cấp MGM-140 ATACMS, Ukraine đang muốn Israel chuyển giao cho họ tên lửa đạn đạo LORA "mạnh vượt trội" như một giải pháp thay thế.

Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Ukraine, tên lửa LORA sở hữu nhiều tính năng kỹ chiến thuật rất ưu việt, thậm chí vượt trội cả vũ khí do Mỹ sản xuất, do vậy họ rất mong Israel sẽ chấp nhận viện trợ, hoặc bán loại vũ khí này trong tương lai gần.

Về thứ vũ khí đang được nhắc tới, LORA ( LOng Range Attack) là một loại tên lửa đạn đạo chiến thuật tiên tiến do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (IAI) nghiên cứu chế tạo, chính thức đi vào phục vụ từ năm 2007.

Điểm đặc sắc và có thể nói là "độc nhất vô nhị" của tên lửa LORA nằm ở chỗ nó có quỹ đạo được lập trình rất linh hoạt với khả năng tự điều chỉnh đường bay nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng không của đối phương.

Thông số kỹ chiến thuật cơ bản của tên lửa LORA bao gồm chiều dài 4,7 - 5,2 m (tùy phiên bản); đường kính thân 0,62 m; trọng lượng phóng 1.600 - 1.800 kg; mang theo đầu đạn nặng 440 - 600 kg (tùy nhiệm vụ).

Tổ hợp tên lửa đạo đạo chiến thuật LORA sử dụng ống phóng kiêm ống bảo quản dạng container kín, lắp trên khung gầm xe tải việt dã với 4 đạn sẵn sàng phóng trên mỗi xe, bệ phóng cũng có thể đưa lên tàu hộ vệ.

Thời gian chuyển trạng thái từ hành quân sang sẵn sàng chiến đấu của tổ hợp LORA chỉ mất 10 phút, thao tác tái nạp đơn giản nhờ một xe hỗ trợ chuyên dụng đi kèm.

Tầm bắn của tên lửa LORA cũng có thể tùy chỉnh phụ thuộc vào trọng lượng đầu đạn mà nó mang theo, trong đó cự ly tối đa vươn tới được là 400 km, tức là vượt xa biến thể ATACMS tiên tiến nhất (300 km).

Nhờ sử dụng phương thức dẫn đường quán tính có tham chiếu hệ thống định vị toàn cầu GPS kết hợp với dầu dò quang điện giai đoạn cuối mà độ sai lệch (CEP) của tên lửa LORA chỉ khoảng 10 m.

Tốc độ của tên lửa LORA chưa được nhà sản xuất công bố rõ ràng, tuy nhiên một số chuyên gia quân sự ước tính rằng nó có thể đạt tới vận tốc Mach 3,5 - Mach 4, không thực sự cao nhưng là cần thiết để thực hiện thao tác vận động phức tạp.

Điểm độc đáo nữa của LORA đó là nó không phải một tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn đúng nghĩa mà được "lai ghép" với tên lửa hành trình, nó có khả năng cơ động cao hơn nhiều khi đặt cạnh đạn 9M723 trang bị cho tổ hợp Iskander-M của Nga.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật LORA có thể thực hiện đường bay rất linh hoạt với những cú ngoặt gấp ở tốc độ cao, khiến cho hệ thống phòng không đối phương chẳng thể nội suy điểm chạm để đánh chặn.

Tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất đối với Ukraine hiện nay đó là Israel không muốn cung cấp vũ khí sát thương cho Kyiv, bởi lo ngại gây leo thang căng thẳng với Nga.

Hiện tại Tel Aviv mới chỉ đồng ý chuyển giao cho Kyiv những khí tài tác chiến điện tử nhằm chống lại máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 do Iran sản xuất, hơn nữa họ còn phải cung cấp dưới danh nghĩa bán hàng cho một nước thứ ba.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ukraine-muon-israel-cung-cap-ten-lua-dan-dao-lora-manh-vuot-troi-atacms-post519366.antd