Ukraine không thể lấy lại Crimea: Lời nói thật đau đớn?

Tuyên bố Ukraine không thể giành lại Crimea trong vòng 3-5 nữa của ông Georgy Tuk đã dội gáo nước lạnh vào quyết tâm của chính quyền Poroshenko.

Lời nói thật đau đớn

Ngày 25/11, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov tuyên bố trong 2 năm tới Kiev sẽ tiến hành các hoạt động đấu tranh chống xâm lược tại khu vực Donbass và kỳ vọng lực lượng Vệ binh Quốc gia đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này.

Ngay sau đó, tối 26/11, khi trả lời trên kênh 112 Ukraine, ông Georgy Tuk, Thứ trưởng Ukraine về các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã có một phát biểu sốc khi khẳng định, chính quyền tổng thống Poroshenko không thể lấy lại Crimea trong 3 hay 5 năm tới.

“Tình hình Crimea và Donbass là khác nhau về cơ bản và trong các thời hạn có thể nêu ra cũng rất khác nhau. Dù gây đau đớn nhưng tôi luôn là người ủng hộ việc nói sự thật. Tôi cho rằng, không thể lấy lại Crimea trong 3 hay 5 năm tới”, Sputnik dẫn lời ông Tuk nói.

Tuyên bố trên của vị Thứ trưởng dường như đã dội gáo nước lạnh vào những phát biểu đầy mạnh mẽ trước đó của giới chức Kiev trong việc giành lại chủ quyền ở Crimea.

Thứ trưởng Ukraine khẳng định nước này sẽ không thể giành lại Crimea trong vòng 3-5 năm nữa

Còn nhớ, ngày 14/1, trong một bài phỏng vấn, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã nói rằng, ông hy vọng Kiev vào cuối năm 2016 sẽ giành lại quyền kiểm soát đối với vùng đất miền đông “bị chiếm đóng”, cùng bán đảo Crimea.

“Luật pháp quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng nhằm đưa Crimea trở lại Ukraine”, ông Poroshenko khẳng định.

10 ngày sau, khi trả lời phỏng vấn hãng Unian của Ukraine (24/1), Tổng thống Poroshenko tiếp tục tuyên bố: “Chúng tôi khẳng định lập trường của mình, rằng Crimea là chủ đề hàng đầu trong nghị trình với các đối tác quốc tế của Kiev”.

Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk cũng không từ bỏ ý định đưa Crimea trở lại là một phần của lãnh thổ Ukraine.

Ngày 5/3, phát biểu trong một buổi lễ tại Poltava, ông Yatsenyuk nói: “Chúng ta cần một cuộc sống hòa bình. Đất nước cần hòa bình. Chúng ta sẽ đấu tranh vì nền hòa bình mà chúng ta mong đợi. Tôi hy vọng các đối tác phương Tây của chúng ta sẽ làm tất cả để giúp những đưa trẻ của chúng ta không phải chết trên mặt trận.”

Theo Thủ tướng Yatsenyuk, Kiev cũng cần khôi phục kiểm soát đối với Donetsk, Lugansk và giành lại Crimea, coi đây là “nhiệm vụ khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”.

Thậm chí, ông Lenur Islyamov, một trong những nhà lãnh đạo nhóm “Hội đồng Tatar ở Crimea” không được công nhận ở Crimea đã nêu ra 4 bước đi đồng thời khẳng định Ukraine có thể giành lại Crimea trong ba ngày nếu có được sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.

“Giải phóng Crimea sẽ là một bước quan trọng hướng tới sự tan rã của Nga”, ông Islyamov khẳng định.

Ukraine nên chấp nhận sự thật?

Thực tế từ tháng 3/2014, khi Nga tiến hành sát nhập Crimea vào lãnh thổ, chính quyền tổng thống Poroshenko đã tìm mọi cách để giành lại bán đảo này.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, ngoài những tuyên bố cứng rắn, giới chứ Kiev đã đẩy mạnh hành động nhằm khiêu khích Nga cũng như lôi kéo thêm sự ủng hộ của các nước phương Tây.

Hãng tin RT ngày 25/11 đưa tin, Ukraine đã quyết định đơn phương lập vùng cấm bay trên Biển Đen, sát không phận bán đảo Crimea để tổ chức tập trận phòng không trong hai ngày 1 và 2/12.

Ukraine nên chấp nhận sự thật và tự đứng trên đôi chân của mình

Sự việc trên đã khiến Moskva vô cùng bức xúc và tuyên bố sẽ dùng các biện pháp để bảo vệ an toàn hàng không.

Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, ông Oleksandr Turchynov, Chủ tịch Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine tuyên bố, quân đội nước này là tự do thực hiện các cuộc diễn tập quân sự ở bất kì địa điểm nào trong không phận của họ, gồm cả bán đảo Crimea.

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/11 đã ra thông cáo cho biết lực lượng an ninh Ukraine “đã bắt giữ trái phép và đưa hai binh sĩ Nga Maxim Odintsov và Alexander Baranov khỏi Crimea” và yêu cầu trả tự do hai người này ngay lập tức.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, việc làm trên của Ukraine là “hành động gây hấn”.

Không chỉ thế, chính quyền Poroshenko còn tìm kiếm mọi cách để xúc tiến quan hệ ngoại giao với tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump nhằm gây thêm áp lực cho điện Kremlin.

Tuy nhiên những bước đi hiện nay của Ukraine vẫn đang gặp bế tắc khi Nga khôn ngoan, thận trọng trong các hành động của mình và tỷ phú người Mỹ đầy toan tính dửng dưng với những đề nghị hợp tác từ Kiev.

Dồn sức nhiều vào việc giành lại Crimea, tuy nhiên chính quyền Poroshenko vẫn không thể giải quyết và ổn định được tình hình trong nước. Kinh tế Ukraine vẫn trì trệ, nạn tham nhũng chưa được giải quyết. Phương Tây dù hứa sẽ chi thêm 600 triệu euro cho nước này nhưng những ánh mắt nghi ngại, dò xét vẫn còn.

Hơn hết, tình hình chính trị tại Kiev vẫn hết sức phức tạp khi các nghị sỹ không ngừng công kích, thậm chí lao vào đánh nhau, gây rối trong quốc hội.

Rõ ràng tuyên bố của Thứ trưởng Ukraine về các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã nói lên tất cả tình hình nước này hiện tại. Dù nỗ lực tới đâu thì Kiev cũng khó lòng một sớm, một chiều giành lại được Crimea từ tay Nga.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ukraine-khong-the-lay-lai-crimea-loi-noi-that-dau-don-3323882/