Ukraine giành lại quyền kiểm soát vùng ngoại ô chiến lược của Kiev

Điều này có thể giúp Ukraine ngăn cản lực lượng Nga bao vây thủ đô từ phía Tây Bắc. Trong khi đó, còi báo động không kích rền vang trên khắp đất nước.

Quân đội Ukraine tuyên bố đã đánh bật các lực lượng Nga ra khỏi Makariv, một thị trấn cách Kiev khoảng 60 km (37 dặm) về phía Tây.

Thị trấn quan trọng chiến lược này là nơi đã diễn ra một trận chiến ác liệt và hứng chịu thiệt hại đáng kể từ các cuộc pháo kích của Nga, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, đồng thời bổ sung thêm rằng, việc Ukraine thành công kiểm soát thị trấn này sẽ ngăn cản lực lượng Nga bao vây thủ đô từ phía Tây Bắc.

"Quốc kỳ Ukraine đã được kéo lên trên thành phố Makariv" khi quân Nga rút lui, Bộ này cho biết trong một bài đăng trên Facebook.

DW không thể xác minh tuyên bố của các lực lượng Ukraine.

Trong ngày, còi báo động không kích rền vang trên khắp Ukraine, trong khi dân thường sống gần sân bay Kiev được yêu cầu sơ tán.

Kyiv Independent, một hãng thông tấn Ukraine, đưa tin về các cuộc không kích diễn ra "ở hầu hết các khu vực" của Ukraine.

Hãng thông tấn Kyiv Independent đưa tin về các cuộc không kích ở hầu khắp các vùng của Ukraine. Ảnh: Al Jazeera

Hãng thông tấn Kyiv Independent đưa tin về các cuộc không kích ở hầu khắp các vùng của Ukraine. Ảnh: Al Jazeera

Còi báo động đã được kích hoạt tại các vùng Sumy, Mykolaiv, Ternopil, Poltava, Kirovohrad, Kharkiv, Zaporizhzhia, Lviv, Ivano-Frankivsk, Zakarpattya, Chernivtsi, Dnipropetrovsk, Rivne, Volyn, Cherkasy, Khmelnytsky, và Odessa, Kyiv Independent cho biết trên Twitter.

Thị trưởng của Boryspil, một thị trấn bên ngoài Kiev và là nơi có sân bay quốc tế chính của Ukraine, đã kêu gọi người dân thường ở đó sơ tán khỏi khu vực.

Việc dân thường được di tản sẽ giúp các lực lượng Ukraine hoạt động trong khu vực dễ dàng hơn, trong bối cảnh xung đột vũ trang đang diễn ra, Thị trưởng Volodymyr Borysenko cho biết.

“Một sự thỏa hiệp cho tất cả mọi người”

Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẵn sàng xem xét từ bỏ yêu cầu trở thành một thành viên đầy đủ của NATO để đổi lấy các đảm bảo an ninh.

"Đó là một sự thỏa hiệp cho tất cả mọi người: Cho phương Tây, vốn không biết phải làm gì với chúng tôi liên quan đến NATO; cho Ukraine, quốc gia muốn đảm bảo an ninh; và cho Nga, quốc gia không muốn NATO mở rộng thêm", ông Zelensky nói vào cuối ngày 21/3 trong một cuộc phỏng vấn với các kênh truyền hình Ukraine.

Ukraine nhận thức rõ rằng mình không thể được gia nhập NATO vào lúc này vì họ "không muốn chiến đấu với Nga", ông Zelenskyy nói và đặt câu hỏi: "Vậy thì sẽ có những đảm bảo an ninh nào cho Ukraine?"

Tổng thống Ukraine cũng kiên trì rằng ông cần nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin để hiểu liệu Nga có muốn ngừng chiến tranh hay không.

Hôm 21/3, ông Zelensky đã lặp lại một lần nữa rằng ông sẵn sàng gặp ông Putin "dưới bất kỳ hình thức nào" nhưng cũng sẽ không cúi đầu trước các tối hậu thư từ Nga và không đầu hàng.

Tổng thống Ukraine cũng ra dấu hiệu rằng Kiev sẵn sàng thảo luận về tình trạng của Crimea và khu vực Donbass ở miền Đông do phe ly khai thân Nga nắm giữ sau khi ngừng bắn.

Tuy nhiên, ông Zelensky khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào với Nga cũng đều phải được đưa ra trưng cầu dân ý trên toàn quốc để được công chúng chấp thuận.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi giới thiệu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky qua video tại Điện Capitol ở Washington, ngày 16/3/2022. Ảnh: Times of Israel

Trong nỗ lực tập hợp sự ủng hộ của quốc tế đối với Ukraine trong cuộc chiến chống lại sự gây hấn của Nga, Tổng thống Zelensky sẽ có một bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Nhật Bản vào ngày 23/3.

Bài phát biểu trực tuyến của ông Zelensky, dự kiến kéo dài khoảng 10 phút, sẽ được trình chiếu trong một phòng họp của Chúng Nghị viện (Hạ viện) - cơ quan quyền lực hơn của Quốc hội Lưỡng viện của Nhật Bản mà Thủ tướng Fumio Kishida trực thuộc.

Trước đó, Tổng thống Ukraine đã có các bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Mỹ, cũng như Nghị viện Châu Âu và Quốc hội các nước Đức, Canada và Israel.

Nga rút khỏi đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật Bản

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, họ đã rút khỏi các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, do các lệnh trừng phạt mà Tokyo áp đặt nhằm phản đối Moscow về cuộc xung đột quân sự của Nga ở Ukraine.

"Trong điều kiện hiện tại, Nga không có ý định tiếp tục đàm phán với Nhật Bản về hiệp ước hòa bình", Bộ Ngoại giao cho biết và viện dẫn "lập trường công khai không thân thiện và nỗ lực của Nhật Bản nhằm gây tổn hại đến lợi ích của đất nước chúng tôi".

Tuần trước, Nhật Bản đã công bố kế hoạch thu hồi quy chế thương mại của Moscow và mở rộng việc đóng băng tài sản đối với các cá nhân Nga.

Nga và Nhật Bản vẫn chưa chính thức chấm dứt tình trạng thù địch từ Thế chiến 2 do tranh chấp quần đảo Nam Kuril/Lãnh thổ Phương bắc.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã phản ứng lại quyết định rút khỏi hiệp ước hòa bình của Nga.

"Tình huống mới nhất xảy ra do Nga gây hấn với Ukraine, và nỗ lực của Nga nhằm chuyển vấn đề sang quan hệ Nhật-Nga là vô cùng phi lý và hoàn toàn không thể chấp nhận được", ông Kishida nói trước Quốc hội.

Anh nhận định về việc Nga triển khai tên lửa siêu thanh

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, nếu tuyên bố của Nga về việc triển khai tên lửa siêu thanh ở Ukraine là sự thật, loại vũ khí này rất có thể là Kinzhal (Dao găm).

Đây là loại tên lửa đạn đạo phóng từ máy bay do Nga chế tạo, có tầm bắn hơn 2.000 km (1.250 dặm) và tốc độ nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh.

Tuyên bố của phía Nga rất có thể nhằm đánh lạc hướng về các vấn đề trên bộ của họ, Bộ này cho biết.

"Việc triển khai Kinzhal rất ít có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến kết quả chiến dịch của Nga ở Ukraine", Bộ này bổ sung.

Một số thông tin chi tiết về tổ hợp tên lửa hàng không Kinzhal của Nga. Nguồn: The Sun

Đại hội đồng Liên hợp quốc họp khẩn về xung đột Nga - Ukraine

Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) chuẩn bị mở một phiên họp khẩn đặc biệt vào ngày 23/3 để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, hiện đã sắp bước sang tuần thứ năm.

Trước đó, 22 quốc gia thành viên, bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Anh và Mỹ, đã gửi thư cho ông Abdulla Shahid, Chủ tịch UNGA - cơ quan LHQ gồm 193 thành viên, để triệu tập một cuộc họp khẩn.

Phiên họp khẩn đặc biệt lần thứ 11 của UNGA sẽ diễn ra vào lúc 10h sáng ngày 23/3/2022, tại Phòng họp Đại hội đồng, Trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, ông Abdulla Shahid cho biết trên Twitter.

Trong phiên họp gần nhất vào ngày 2/3, UNGA đã tổ chức bỏ phiếu để thông qua nghị quyết nhằm “tái khẳng định cam kết đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine bên trong biên giới được quốc tế công nhận” và phản đối hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine.

Nghị quyết này thúc giục một giải pháp hòa bình ngay lập tức giữa 2 quốc gia có chiến tranh.

Tổng cộng 35 quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan, đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết này. Có 141 phiếu ủng hộ và 5 phiếu chống.

Những quốc gia đã bỏ phiếu chống bao gồm Eritrea, Triều Tiên, Syria, Belarus và Nga.

Minh Đức (Theo DW, Al Jazeera, Hindustan Times)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ukraine-gianh-lai-quyen-kiem-soat-vung-ngoai-o-chien-luoc-cua-kiev-a547215.html