Ukraine - EU: Tưởng tính xa, hóa vì gần

Cuộc cấp cao lần thứ 21 Ukraine - EU vừa diễn ra với sáng kiến cuộc gặp với ông Putin là cơ hội thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh và tính chủ động về đối ngoại của tân tổng thống Ukraine Zelensky. Thực chất là gì? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Quan hệ Ukraine – EU: Tưởng tính xa, hóa vì gần.

Kết quả của cuộc cấp cao lần thứ 21 vừa qua giữa Ukraine và EU không đến nỗi nào đối với tân tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky nhưng không thể được coi là đậm đà và mới mẻ gì đối với mối quan hệ giữa hai đối tác này.

Đầu tiên và cuối cùng

Hai bên ký kết 5 thỏa thuận hợp tác với giá trị 120 triệu Euro nhằm hỗ trợ Ukraine trên các lĩnh vực như chống tham nhũng, phi tập trung hóa, xây dựng xã hội dân chủ, thúc đẩy thương mại tự do và phát triển vùng quanh biển Assow. EU cam kết với Ukraine là sẽ tiếp tục duy trì những biện pháp chính sách trừng phạt Nga.

Cuộc cấp cao này được gắn với đề xuất của ông Zelensky về gặp tổng thống Nga Vladimir Putin trong khuôn khổ một cuộc cấp cao theo hình thức mới là với sự tham gia của tổng thống Mỹ Donald Trump, thủ tướng Anh Theresa May, thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Đấy là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Ukraine và EU đối với ông Zelensky và là lần cuối cùng đối với những nhân vật lãnh đạo EU như chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Đặc phái viên về chính sách đối ngoại và an ninh chung Federika Mogherini. Chỉ mấy ngày nữa thôi, EU sẽ có bộ ba quyền lực mới thay thế ba người này. Họ kế nhiệm nhưng có "kế thừa" quan điểm của ba người này về Ukraine hay không thì lại là chuyện khác.

Đúng ra, sẽ có tác động lâu dài cho Ukraine nếu như cuộc cấp cao này được tổ chức sau khi EU có đội ngũ nhân sự lãnh đạo mới bởi những người mới này mới là đội quân trực tiếp vận hành mối quan hệ của EU với Ukraine trong thời gian 5 năm tới.

Sáng kiến gặp Putin

Việc ông Zelensky muốn gặp ông Putin không gây bất ngờ bởi trước đó người này đã không ít lần tung ra ý tưởng ấy. Cả việc ông Zelensky muốn mở rộng khuôn khổ diễn đàn đàm phán 4 bên ở thủ đô Minsk của Belarus bao gồm cho đến nay Nga, Đức, Pháp và Ukraine cho thêm cả Mỹ và Anh cũng đã được ông Zelensky khởi xướng từ thời còn vận động tranh cử tổng thống ở Ukraine.

Ý tưởng này có cái lý của nó. Khuôn khổ 4 bên kia đã hai lần đạt được thỏa thuận nhưng đều không được thực hiện và đến nay đã tự chứng tỏ là không thích hợp và không có đủ khả năng đưa lại giải pháp thỏa đáng cho mọi vấn đề liên quan đến Ukraine. Mỹ và Anh là hai nước đã cùng Nga năm 1994 cam kết tôn trọng và đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine để đổi lấy việc Ukraine đồng ý triệt thoái tất cả vũ khí hạt nhân đã được triển khai trên lãnh thổ Ukraine từ thời Liên Xô.

Ông Zelensky không chỉ chủ ý tiếp cận theo cách khác trước mà còn ràng buộc Mỹ và Anh vào cam kết kia để giúp Ukraine xử lý cả vấn đề Crimea lẫn chuyện ly khai lãnh thổ ở vùng miền đông Ukraine, cũng còn có thể thấy thực chất ở đó còn là gia tăng mức độ áp đảo Nga từ liên quan tay ba đấu Nga trong khuôn khổ diễn đàn Minsk lên thành liên quân 5 bên đấu một mình Nga trong khuôn khổ diễn đàn mới.

Mưu tính xa, nhắm đích gần

Ông Zelensky không giấu diếm việc dành ưu tiên chính sách hàng đầu cho việc chấm dứt cuộc nội chiến và ly khai ở Ukraine cũng như giành về Crimea chứ không phải dành cho việc thúc đẩy quan hệ với EU, NATO hay với Mỹ. Người này nhận thức rằng, vấn đề mấu chốt nhất ở đây là xử lý quan hệ với Nga và lựa chọn sách lược là vừa tìm cách đối thoại trực tiếp với ông Putin vừa dùng bên ngoài gia tăng áp lực đối với Nga.

Đấy là mưu tính xa của ông Zelensky. Nhưng cả cuộc gặp cấp cao này với EU lẫn đề nghị gặp ông Putin lại là mưu tính của ông Zelensky phục vụ cho mục tiêu gần là cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày 21/7 tới ở Ukraine. Tuy được hai phần ba cử tri Ukraine bầu làm tổng thống nhưng ông Zelensky lại không có phe cánh chính trị riêng trong quốc hội hiện tại. Ông Zelensky cần kiểm soát quốc hội để có thể yên ổn cầm quyền và cầm quyền thành công. Vì thế, việc thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh, chủ động và khả năng trên lĩnh vực đối ngoại sẽ giúp ông Zelensky tạo được cú hích quyết định cho phe cánh chính trị của mình trong cuộc vận động bầu cử quốc hội hiện tại.

Cho nên, kết quả cuộc gặp cấp cao với EU vừa qua không quan trọng bằng việc nó đã diễn ra, việc ông Putin có chấp nhận gặp hay không không quan trọng bằng việc cuộc gặp được ông Zelensky đề nghị. Cho nên, việc ông Trump và bà May cũng như cả ông Putin nữa có đồng ý tiến hành cuộc gặp mới không quan trọng bằng việc một sáng kiến mới về khuôn khổ diễn đàn mới được ông Zelensky tung ra.

Ông Trump chắc chắn sẽ không vì Ukraine mà tới tham dự. Bà May thì tại vị chỉ còn có mấy ngày nữa. Ông Putin thì sẽ phải sau cuộc bầu cử quốc hội ở Ukraine và sẽ còn dền dứ chán thì mới cho biết quyết định như thế nào về đề nghị của ông Zelensky. Ông Putin muốn cải thiện quan hệ của Nga với Mỹ và EU nhưng sẽ nhượng bộ Mỹ và EU trên phương diện khác chứ không sẵn sàng vì nhu cầu ấy mà nhượng bộ hai đối tác kia trong vấn đề Ukraine. Con bài Ukraine càng ngày càng thêm đắc dụng chứ không bị mất đi tính hữu dụng đối với Nga trong xử lý quan hệ của Nga với Mỹ, EU và NATO.

Cho nên, hiện có thể thấy là, mối quan hệ giữa Nga và EU chưa thể được cải thiện một cách cơ bản trong thời gian tới. Với tổng thống mới ở Ukraine và triển vọng chuyển biến trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và EU, nó có thể rồi sẽ được cải thiện, nhưng chưa biết đến khi nào.

Dịch Dung

Dịch Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ukraine-eu-tuong-tinh-xa-hoa-vi-gan-97301.html