Ukraine dọa NATO: Không giúp thì Ukraine sẽ...

Đại sứ Ukraine tại Đức nói sẽ tái khởi động chương trình hạt nhân một khi NATO từ chối Kiev gia nhập liên minh.

UNIAN của Ukraine hôm 15/4 dẫn lời Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk cảnh báo rằng đất nước của ông có thể chuyển sang phát triển vũ khí hạt nhân nếu bị liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương từ chối công nhận thành viên.

Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk.

Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk.

Đại sứ Melnyk nói rằng, việc Ukraine gia nhập NATO là cách duy nhất để ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự từ Nga.

"Theo dữ liệu của chúng tôi, gần 90.000 quân nhân (Nga), cũng như các hệ thống vũ trang của họ đã được kéo đến biên giới và đến khu vực Crimea và Donbass bị chiếm đóng. Việc triển khai này không chỉ là hoạt động cơ bắp... Chúng tôi đang đối phó với những kẻ đáng gờm nhất" - Đại sứ Ukraine nói trên đài phát thanh Đức Deutschlandfunk.

Ông Melnyk nói: "Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng [Tổng thống Nga Vladimir] Putin sẽ không tấn công chúng ta vào ngày mai hoặc ngày kia. Khả năng duy nhất cho điều này là Ukraine cuối cùng sẽ trở thành thành viên NATO. Nếu Ukraine là thành viên NATO vào năm 2014, chúng ta sẽ không bao giờ đi đến sự thôn tính và cuộc chiến khủng khiếp này ở phía đông".

Đại sứ Ukraine cũng không loại trừ việc nước này trở lại trạng thái hạt nhân.

"Ukraine không có lựa chọn nào khác: hoặc chúng tôi là một phần của một liên minh như NATO và đang làm phần việc của mình để làm cho châu Âu này mạnh hơn, hoặc chúng tôi có lựa chọn duy nhất - tự trang bị vũ khí và có thể suy nghĩ lại về tình trạng hạt nhân. Chúng ta có thể đảm bảo sự phòng thủ của chúng ta không?" - ông Melnyk nói thêm.

Năm 1994, Kiev đã từ bỏ quyền sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới từ thời Liên Xô, vốn được lưu trữ trên lãnh thổ Ukraine. Các đầu đạn hạt nhân đều được vận chuyển tới Nga. Đổi lại, Mỹ, Anh và Nga cam kết tôn trọng biên giới của Ukraine.

Ukraine đã tìm kiếm tư cách thành viên của liên minh quân sự phương Tây trong nhiều năm, nhưng điều này được coi là khó xảy ra trong tương lai gần bất chấp việc các nước phương Tây thường xuyên thể hiện sự quan tâm đặc biệt về vai trò của Ukraine trong vị trí tuyến đầu chống Nga.

Ukraine muốn đưa "thế giới có Nga" trở về thời kỳ đồ đá?

Căng thẳng ở biên giới Ukraine đã gia tăng từ đầu tháng 4. Giới chuyên gia quân sự phương Tây đang quan sát, theo dõi sát sao các cuộc diễn tập của quân đội Nga.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Ukraine đã ra tuyên bố phản đối việc Nga thông báo đóng cửa eo biển Kerch, nối liền Biển Đen và Biển Azov từ tuần sau cho đến tháng 10 để tập trận.

Hải quân Ukraine tuyên bố rằng, Cục An ninh Liên bang Nga đã tìm cách cản trở hoạt động của các tàu hải quân của Ukraine ở Biển Azov. Kiev chỉ trích đây là hành vi vi phạm các công ước và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đồng thời xâm phạm quyền chủ quyền của Ukraine với tư cách là một quốc gia ven biển.

Bộ Ngoại giao Ukraine mô tả Nga là kẻ gây hấn và kêu gọi các đối tác quốc tế gia tăng áp lực chính trị và ngoại giao để buộc Nga hủy bỏ quyết định liên quan và ngừng leo thang tình hình ở Biển Azov và Biển Đen. .

Theo trang tin Voennoye Obozreniye, cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều kêu gọi Nga rút quân khỏi biên giới phía tây của Ukraine.

Đồng thời, phương Tây cho rằng việc rút quân của Nga khỏi biên giới phía tây Ukraine phải được kiểm soát một cách chặt chẽ.

Tuy nhiên, phía Nga cũng cáo buộc ngược việc lực lượng NATO đang tập trung dày đặc ở phía Đông và buộc Moscow phải hành động.

Phát biểu trong một hội thảo ở Severomorsk, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết NATO đã tập trung lực lượng gần biên giới Nga với khoảng 40 nghìn quân và 15 nghìn đơn vị thiết bị quân sự bao gồm xe tăng, pháo phản lực bắn loạt (MLRS), máy bay chiến đấu và tàu chiến.

Bình luận về các tuyên bố của ông Sergei Shoigu, các quan chức NATO nói rằng NATO không có số lượng quân như vậy ở biên giới phía Đông, các lực lượng và phương tiện của họ không gây ra mối đe dọa cho Nga và mục tiêu của họ chỉ là phòng thủ.

Đáng nói, các hoạt động chuyển quân của NATO đến gần biên giới của Nga được lập luận là “hành động phòng thủ” nhưng nếu mọi hoạt động di chuyển quân sự nào của Nga trên lãnh thổ Nga thì NATO lại cho rằng đây là mối hiểm họa và ám chỉ Nga "đang ngấm ngầm tiếp cận các căn cứ quân sự của Mỹ và NATO".

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ukraine-doa-nato-khong-giup-thi-ukraine-se-3430733/