Ukraine, dấu hiệu trước 'cơn bão' lớn

Đúng như cựu Phó Chủ tịch đảng Smena đối lập của Ba Lan, Konrad Rekas, trong cuộc phỏng vấn với Sputnik hồi đầu năm 2018 cho rằng, tình hình chính trị ở Ukraine trong năm 2018 sẽ không ổn định như mong đợi mà sự hỗn loạn ngày càng tăng lên, thậm chí nguy hiểm hơn là nhà nước có thể tan rã.

Sự thật cay đắng

Sau gần 4 năm, kể từ cuộc cách mạng Maidan, người ta bắt đầu nhận ra một sự thật cay đắng là bộ máy lãnh đạo mới của Ukraine không phải là lực lượng hàn gắn và đưa đất nước phát triển. Hiện tình trạng lộn xộn diễn ra ngày càng nhiều. Liên quan đến tình hình xung đột hiện nay giữa quân đội Kiev với lực lượng ly khai ở phía Đông Ukraine, có thể thấy rằng các thỏa thuận Minsk đã đi vào bế tắc kể từ nhiều tháng nay.

Các bên tham chiến đều đổ trách nhiệm cho nhau trong việc thường xuyên xảy ra những cuộc đụng độ, cũng như đổ trách nhiệm cho nhau là nguyên nhân gây ra đổ vỡ của giải pháp chính trị. Về mặt quân sự, không một bên nào cho thấy có khả năng vượt trội về tương quan lực lượng, sức mạnh trên thực địa.

Ukraine mong muốn và cần hỗ trợ của phương Tây, nhưng liệu sự giúp đỡ đó có giúp Kiev chấm dứt được xung đột? Sẽ là rất khó cho dù các nước phương Tây gần đây đã cam kết kéo dài hỗ trợ quân sự cho Ukraine đến năm 2019. Chỉ vì thỏa ước vọng “Ukraine là châu Âu” của lực lượng chính trị đương quyền mà người dân và đất nước Ukraine phải đánh đổi rất nhiều lợi ích thực tế để đổi lấy những lợi ích kỳ vọng từ phương trời xa. Kết quả là những chính trị gia Maidan đã đưa Ukraine trở thành “quốc gia nghèo nhất châu Âu”.

Trong bối cảnh đó, những mâu thuẫn chính trị nội bộ ngày một tăng cao. Tại sao một chính phủ hiện đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc lại cứ đẩy sự căng thẳng trong nội bộ lên cao?

Chiến sự vẫn diễn ra tại miền đông Ukraine. Ảnh AP.

Theo phân tích của những người am hiểu Ukraine, trước hết, điều đó tạo ra một lý do để nhận được sự trợ giúp quốc tế cho Ukraine. Thứ hai là nó làm sao nhãng những căng thẳng trong nước do cuộc cải cách kinh tế không được lòng dân gây ra. Nó cũng cho phép Tổng thống Poroshenko, người có chỉ số ủng hộ rơi xuống mức cực thấp có thể trụ lại như là một tổng thống thời chiến.

Kể từ sau cuộc “cách mạng Maidan 2014”, Ukraine đang ở đỉnh điểm của sự rối ren. Do vậy, nhận định trên hoàn toàn có cơ sở khi hiện tại những gì đang xảy ra ở Ukraine diễn ra đúng như những gì được báo trước.

Một chuyên gia đã ví von, cho dù không có trận động đất nào nhưng mọi thứ lại đang rung chuyển, trong đó có cả chiếc ghế của Tổng thống Poroshenko. Sự rối ren từ bên trong và áp lực từ bên ngoài đã tạo ra sự hỗn loạn ở Ukraine đang không ngừng tăng lên, dự cảm xấu chưa bao giờ lớn đến thế.

Bạo loạn Maidan đã dìm sâu Ukraine vào cuộc khủng hoảng cho đến nay. Ảnh: AP.

Giấc mơ xa vời

Những thông tin chẳng mấy tốt lành cứ liên tục “bủa vây” Ukraine đang chìm trong khốn khó. Chỉ cách đây hơn một tuần, những người ủng hộ cựu Tổng thống Gruzia, đồng thời là cựu Thống đốc vùng Odessa của Ukraine Saakashvili tổ chức tuần hành tại thủ đô Kiev kêu gọi ông Petro Poroshenko từ chức.

Cùng thời điểm này, ông Savchenko - cựu quân nhân quân đội Ukraine, đại biểu quốc hội vừa bị tước tư cách - cũng tuyên bố, quân đội Ukraine đang sẵn sàng.

Theo giới phân tích, hiện nay khả năng diễn ra một cuộc binh biến nhằm gạt bỏ giới chính trị Maidan đang nắm quyền tại Ukraine là rất cao. Bởi không có nhiều người tin vào thành quả của Maidan, khi trước kia nó được tuyên truyền để chống Nga và do Nga giật dây, nhưng trên thực tế, như bà Nadiya Savchenko thừa nhận: Cuộc “Cách mạng Cam” năm 2004 và EuroMaidan trong giai đoạn 2013-2014 đã được phương Tây “hỗ trợ đắc lực”.

Nếu sự thật là như vậy, câu hỏi là liệu có binh biến hòa bình không? Trước hết cần hiểu, tâm lý của quân đội Ukraine và người dân Ukraine không muốn nghèo khổ mãi và hầu hết quân nhân đều muốn sự hy sinh của họ là xứng đáng. Trong khi đó, quân đội từ lâu đã rất khó khăn.

Cả thế giới giật mình khi ngày 23-6-2017, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết có tới 500 binh sĩ nước này đã tự tử vì rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD) sau khi trở về từ vùng chiến sự.

Hình ảnh Quảng trường Maidan tháng 3-2017.

Có một thực tế là người dân Ukraine muốn hòa bình, muốn đất nước thanh bình, nhưng chính quyền Kiev lại kêu gọi phương Tây hỗ trợ phương tiện chiến tranh, khiến tình hình ngày một đi xuống. Bản thân nhiều nước phương Tây giờ đây cũng đã rời xa Ukraine, trong khi đó, đất nước Ukraine vốn chồng chất khó khăn vì chiến tranh, bởi chiến tranh, nhưng những quan chức chính quyền Ukraine khi được nắm quyền lại để nạn bè phái xâu xé, nạn tham nhũng hoành hành, chính vì vậy, theo dự báo của nhiều chuyên gia, khả năng diễn ra một cuộc “binh biến hòa bình” là rất cao...

Từ những sự kiện diễn ra gần đây ở cả trong đời sống chính trị lẫn đời sống xã hội Ukraine, có thể thấy chưa bao giờ người dân Ukraine lại thất vọng nhiều như vậy. Chính quyền Kiev không mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Chỉ vì khát vọng Tây tiến mà những chính trị gia Maidan đã có những lối hành xử kỳ quặc, đánh đổi những cái thiết thực nhất thành “vật thế chấp” cho những giấc mơ xa vời...

Hoa Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/ukraine-dau-hieu-truoc-con-bao-lon-484325/