Ukraine đang thành nơi thử nghiệm công nghệ vũ khí mới của phương Tây

Mặc dù cuộc xung đột tại Ukraine phụ thuộc phần lớn vào tên lửa và pháo binh, nhưng những tiến bộ mới về công nghệ và quá trình đào tạo binh sỹ sử dụng các loại vũ khí mới đang bắt đầu làm thay đổi cách thức chiến đấu và tình hình trên thực địa.

Nơi thử nghiệm vũ khí mới

Cách đây 3 tháng khi quân đội Ukraine nỗ lực đẩy lùi các lực lượng Nga ở miền Nam, trung tâm chỉ huy ở Kiev đã âm thầm triển khai một loại vũ khí mới ra chiến trường. Đó không phải là bệ phóng tên lửa, đại bác hay các loại vũ khí hạng nặng khác của đồng minh phương Tây mà là hệ thống thông tin theo thời gian thực, có tên gọi Delta.

Chiếc xuồng không người lái dạt vào gần Sevastopol hồi tháng 9. Ảnh: The Drive

Chiếc xuồng không người lái dạt vào gần Sevastopol hồi tháng 9. Ảnh: The Drive

Đây là một hệ thống chia sẻ thông tin trực tuyến mà quân đội, các quan chức dân sự có thể sử dụng để theo dõi và chia sẻ thông tin cần thiết về các lực lượng Nga. Delta không chỉ là một hệ thống cảnh báo sớm, mà còn có chức năng kết hợp các bản đồ và cung cấp hình ảnh về khí tài quân sự của đối phương, cho biết có bao nhiêu binh sỹ đang di chuyển cũng như vũ khí mà họ mang theo. Dữ liệu từ Delta kết hợp với thông tin tình báo từ phương Tây, vệ tinh giám sát, UAV sẽ giúp quân đội Ukraine xác định cần phải tấn công ở vị trí nào và tấn công như thế nào.

Phần mềm Delta, do Bộ Quốc phòng Ukraine phối hợp với các đối tác NATO phát triển. Nó được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2017 và chủ yếu dùng trong các cuộc tập trận. Hệ thống này chưa từng được triển khai trong thực chiến trước khi xung đột Nga-Ukaine nổ ra.

Một số thông tin cho biết, các binh sỹ Ukraine đã sử dụng phần mềm Delta cùng nhiều vũ khí tiến tiến do phương Tây cung cấp trong quá trình thực hiện cuộc phản công tại Kherson. Họ nhanh chóng tiến vào thành phố Kherson sau khi Nga rút về tả ngạn sông Dnieper để bảo toàn lực lượng và củng cố tuyến phòng thủ.

Delta chỉ là một trong những ví dụ điển hình về việc Ukraine đã trở thành nơi thử nghiệm các hệ thống thông tin và những vũ khí tối tân mà nhiều quan chức chính trị phương Tây và các chỉ huy quân sự phương Tây dự đoán có thể định hình các cuộc chiến tranh trong tương lai.

Trận chiến tại Ukraine, chủ yếu vẫn là cuộc chiến tiêu hao, với việc Nga và Ukraine liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo binh không ngừng nghỉ và nhiều chiến thuật từ thời Thế chiến 2. Cả hai bên phần lớn dựa vào vũ khí thời Liên Xô.

Nhưng ngay cả khi một cuộc xung đột truyền thống đang diễn ra, những tiến bộ mới về công nghệ và quá trình huấn luyện, đào tạo binh sỹ, đang bắt đầu làm thay đổi cục diện chiến trường. Ngoài Delta, có rất nhiều loại vũ khí khác được sử dụng như vũ khí chống UAV SkyWiper, xuồng điều khiển từ xa và phiên bản nâng cấp của hệ thống phòng không do Đức chế tạo mà quân đội Đức chưa từng sử dụng.

Ông Mykhailo Fedorov (31 tuổi), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi số Ukraine cho biết: “Chiến trường Ukraine là nơi thử nghiệm tốt nhất, vì chúng tôi có cơ hội áp dụng tất cả lý thuyết vào thực tiễn và tạo ra sự thay đổi mang tích cách mạng trong công nghệ quân sự và chiến tranh hiện đại”.

Ông Fedorov cũng nhấn mạnh sự phụ thuộc ngày càng gia tăng vào máy bay không người lái và xuồng cảm tử mà nhiều chuyên gia quân sự cho rằng chưa có cuộc xung đột nào mà các thiết bị không người lái lại được triển khai với tần suất lớn như vậy.

“Hai tuần qua, chúng tôi đã bị thuyết phục rằng trong các cuộc chiến tương lai, máy bay không người lái sẽ được sử dụng tối đa và con người được huy động ở mức tối thiểu”.

Kể từ mùa Hè năm 2021, Ukraine và các đồng minh được cho là đã thử nghiệm những chiếc xuồng cảm tử mang theo chất nổ ở Biển Đen. Đỉnh điểm là cuộc tấn công vào tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga ngoài khơi bờ biển Sevastopol vào tháng 10 vừa qua.

Các quan chức quân sự Ukraine từ chối công bố thông tin chi tiết về vụ tấn công. Nhưng một số thông tin cho rằng, Mỹ và Đức đã cung cấp cho Ukraine những phương tiện tương tự trong năm nay. Ông Shaurav Gairola – nhà phân tích vũ khí của Công ty Tình báo quốc phòng Janes lưu ý, cuộc tấn công này cho thấy những phương tiện nhỏ và tương đối rẻ tiền đang trở thành mối đe dọa lớn đối với tàu chiến.

“Cuộc tấn công đã đẩy xung đột đến một ranh giới nhấtt định. Nó tạo ra sự thay đổi trong học thuyết chiến tranh hải quân và mở ra một chiến thuật mới trong chiến tranh tương lai”, chuyên gia này lưu ý.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, việc sử dụng những chiếc xuồng điều khiển từ xa có thể đóng một vai trò quan trọng, cho phép chúng ta hình dung một cuộc chiến tranh trên biển trong tương lai sẽ diễn ra như thế nào.

Định hình chiến tranh tương lai

Việc Nga tăng cường sử dụng máy bay không người lái đã khiến phương Tây nỗ lực cung cấp công nghệ mới cho Ukraine để đối phó với chúng. Cuối năm 2021, quân đội Ukraine đã bắt đầu sử dụng thiết bị gây nhiễu UAV mới phát triển có tên gọi SkyWipers để ngăn chặn phe ly khai ở khu vực Donbass.

SkyWipers, có thể chuyển hướng hoặc vô hiệu hóa máy bay không người lái bằng cách chặn tín hiệu liên lạc của chúng. Thiết bị này do Litva chế tạo và mới có mặt trên thị trường khoảng hai năm trước khi chúng được chuyển giao cho Ukraine thông qua chương trình hỗ trợ an ninh của NATO.

Gần 9 tháng kể từ khi xung đột nổ ra, SkyWipers vẫn là thiết bị mà Ukraine muốn bổ sung thêm vào kho dự trữ vũ khí còn Nga muốn thu giữ để nghiên cứu và tìm cách đối phó. Vẫn chưa rõ Ukraine có bao nhiêu hệ thống SkyWipers. New York Times dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Litva cho biết, nước này đã chuyển giap cho Kiev 50 hệ thống SkyWipers vào tháng 8 vừa qua, sau khi các quan chức Ukraine cho đây là “một trong những ưu tiên hàng đầu”.

Cựu Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite cho biết, ngành công nghiệp quốc phòng của Litva đã thực hiện bước chuyển hướng có tính toán kỹ lưỡng, đó là tăng cường sản xuấ thiết bị công nghệ cao trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2019 để hiện đại hóa kho dự trữ chủ yếu là súng trường Kalashnikov và các loại vũ khí khác có từ thời Liên Xô.

Phát biểu với báo chí, bà Bà Grybauskaite nói rằng: “Chúng tôi đang học cách thức chiến đấu và cách sử dụng các vũ khí mới của NATO trên chiến trường Ukraine. Đây giống như là một nơi để huấn luyện, đào tạo”.

Hệ thống phòng không siêu hạng IRIS-T của Đức. Ảnh: Kiev Post.

Thời gian gần đây, phương Tây đã tăng cường viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, trong đó có các bệ phóng, tên lửa dẫn đường tầm trung, chẳng hạn như hệ thống phòng không IRIS-T nâng cấp để giúp Kiev đối phó các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.

Hệ thống IRIS-T mà Đức cung cấp cho Ukraine là phiên bản cải tiến của hệ thống phòng không cũ được công bố vào năm 2015. Quân đội Đức vẫn chưa sử dụng phiên bản mới này. Rafael Loss, chuyên gia vũ khí tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, nhận định, hệ thống phòng không được nâng cấp có thể “không phải là vũ khí thay đổi cuộc chơi”, nhưng việc quân đội Ukraine sử dụng hệ thống này trên chiến trường cho thấy họ đã có sự thay đổi về năng lực tác chiến và dần thích nghi với tiêu chuẩn của NATO.

Những cuộc thử nghiệm vũ khí ở Ukraine đang giúp các các nhà hoạch định quốc phòng ở Mỹ cùng đồng minh quyết định cách thức đầu tư và chi tiêu cho quân sự trong hai thập kỷ mới. Ngay cả những nhiệm vụ thông thường của quân đội Ukraine, như cung cấp nhiên liệu cho các phương tiện mang tên lửa ở gần lãnh thổ của đối phương cũng khiến giới chức Mỹ phải thảo luận về cách thức chế tạo các thiết bị không phụ thuộc vào tuyến đường tiếp tế. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang phát triển chiến lược dài hạn về cách thức phối hợp và liên lạc giữa quân đội các nước đồng minh – từng được cho là thách thức lớn trong các cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan.

Tư lệnh Không quân Pháp, Tướng Philippe Lavigne nhận định, cuộc xung đột Nga-Ukraine cho thấy các cuộc chiến tranh tương lai có thể diễn ra nhanh chóng và các bên không chỉ cạnh tranh ưu thế trên mặt đất, trên bầu trời, trên biển mà còn cả không gian mạng./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/ukraine-dang-thanh-noi-thu-nghiem-cong-nghe-vu-khi-moi-cua-phuong-tay-post984640.vov