Ukraine chỉ trích Nord Stream-2: Quên phận mình?

Tổng thống Zelensky chỉ trích Đan Mạch cấp phép cho Nord Stream-2 trong khi Ukraine đang giành giật hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga.

Mới đây, trong cuộc họp ngắn với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Kiev, ngày 31/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ sự phản đối với việc Đan Mạch cấp phép cho dự án khí đốt Nord Stream-2 dẫn năng lượng từ Nga sang châu Âu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg

"Việc xây dựng Nord Stream-2 không chỉ là vấn đề an ninh năng lượng, đây là vấn đề địa chính trị. Do đó, tôi sẽ nói thẳng thắn với ông rằng, nó củng cố cho nước Nga và làm suy yếu châu Âu" - Tổng thống Ukraine nói.

Đồng thời, ông Zelensky cũng cho rằng, quyết định của Đan Mạch để cấp phép cho dự án này sẽ làm ảnh hưởng đến cả Ukraine, đến hợp đồng trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu thông qua đường ống đặt trên lãnh thổ Ukraine.

Đường ống Nord Stream-2 sẽ không chỉ gia tăng lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu, mà còn có nghĩa là cùng với dự án Đường ống Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sẽ có thể bảo toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu mà không cần thiết phải thông qua lãnh thổ Ukraine.

Việc mất hợp đồng trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Ukraine. Năm 2017, nước này kiếm được khoảng 3 tỷ USD phí vận chuyển khí đốt của Nga.

Ông Zelensky cảnh báo, châu Âu sẽ bị suy yếu vì dự án này còn Ukraine thì đã chấp nhận với điều đó.

Tuy nhiên, phát biểu của ông Zelensky như vậy có vẻ mâu thuẫn khi ông chỉ trích khí đốt của Nga gây hại cho châu Âu nhưng Ukraine đã làm nhiệm vụ trung chuyển dòng năng lượng này trong nhiều năm nay.

Đến nay, khi Nga muốn xin cấp phép dự án Nord Stream-2, loại bỏ Nord Stream-2 ra khỏi các lệnh trừng phạt trong tương lai, thì Mỹ và nhiều nước châu Âu cùng với Ukraine đã đặt ra yêu cầu rằng: ngay cả khi Nord Stream-2 đi vào hoạt động thì Moscow cũng vẫn phải duy trì hợp đồng quá cảnh khí đốt qua Ukraine. Ban đầu Moscow coi đây là điều kiện vô lý bởi việc cấp phép một dự án năng lượng lại phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế hạn hẹp của một quốc gia khác. Song sau đó, Moscow đã chấp thuận điều kiện này.

Trong các cuộc gặp và làm việc với những lãnh đạo Đức và Pháp, vấn đề duy trì quá cảnh khí đốt Nga qua Ukraine đã thường xuyên được lãnh đạo Ukraine đề cập và nhắc lại nhiều lần. Tuy nhiên, đến nay, Kiev lại quay sang chỉ trích việc Nga bán khí đốt cho châu Âu mà không thông qua nước này.

Nếu Đan Mạch cấp phép, Nord Stream-2 sẽ hoàn thành trong 5 tuần.

Cơ quan Năng lượng của Đan Mạch cho biết họ "có nghĩa vụ cho phép xây dựng tuyến đường ống vận chuyển" theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Sẽ cần một tháng để giấy phép có hiệu lực, cơ quan này cho hay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hoan nghênh quyết định của Đan Mạch, cho rằng quyết định này là điều tốt cho châu Âu.

Khí đốt Nga bán cho châu Âu có giá rẻ hơn nhiều so với khí tự nhiên hóa lỏng mà Mỹ dự định mang đến lục địa già nhằm "đa dạng hóa nguồn cung" và đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu. Washington không những bán LNG với giá đắt hơn loại nhiên liệu này của Nga mà còn mất thêm phí vận chuyển đắt đỏ do phải đi xa hơn. Tuy nhiên, Mỹ luôn cho rằng, châu Âu mua khí đốt của Nga càng nhiều, sự phụ thuộc vào năng lượng của Moscow càng lớn và sẽ bị nước này sử dụng năng lượng như vũ khí để gây sức ép chính trị. Như vậy, nếu tiếp tục mua khí đốt Nga trong nhiều năm như hợp đồng cũ, châu Âu rõ ràng là có lợi thế rất nhiều.

Bên cạnh đó, hiện Nga đang bơm khoảng 87 tỷ mét khối khí đốt qua Ukraine sang châu Âu, trong năm 2018. Nhưng Nord Stream-2 chỉ mang được 55 tỷ mét khối khí nếu được hoạt động hết công suất. Như vậy, kể cả khi Nord Stream-2 được xây dựng thì Moscow vẫn phải dựa vào đường ống đặt trên đất Ukraine để đưa khí cho khách hàng ở châu Âu. Như vậy, Ukraine vẫn thu phí quá cảnh (dù thấp hơn), châu Âu vẫn mua được khí đốt giá rẻ và thật khó để chứng minh được nhưng lời của Tổng thống Zelensky là đúng đắn.

Một vấn đề khác đáng chú ý là Ukraine đã liên tục chỉ trích Nga sử dụng Nord Stream-2 có thể khiến Kiev mất đi nguồn thu chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong cơ cấu GDP của nước này nhưng Ukraine cũng đã chi rất nhiều tiền từ ngân sách để mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ.

Chưa kể, việc Nga buộc phải xây dựng Nord Stream-2 và Đường ống Thổ Nhĩ Kỳ là do cuộc cuộc cách mạng Cam ở Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung khí đốt của Nga sang EU. Moscow khẳng định và sau này chính Kiev cũng thừa nhận rằng họ đã lấy nguồn khí đốt từ Nga cho châu Âu để sử dụng ở nội địa Ukraine. Điều này khiến Gazprom buộc phải giảm lượng khí đốt. Nhưng việc ngừng giao khí đốt vào giữa tháng 1 giá lạnh đã khiến châu Âu lên án Nga.

Cuộc khủng hoảng khí đốt vào tháng 1/2009 nói trên chỉ được giải quyết khi Kiev chấp thuận một thỏa thuận với Nga sẽ trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu trong vòng 10 năm. Hợp đồng dự kiến hết hạn vào cuối năm 2019. Đến nay, các cuộc đàm phán để tiếp tục hợp đồng trung chuyển của Ukraine đã không có nhiều tiến bộ khiến châu Âu thúc đẩy dự án Nord Stream-2 để chuẩn bị cho năm 2020.

Trước quyết định của Đan Mạch cho phép Nga đặt đường ống Nord Stream-2 đi qua đảo Bornholm ở Baltic, phía Mỹ đã bày tỏ phẫn nộ, lo ngại rằng đường ống này sẽ thắt chặt sự kìm kẹp của Nga đối với nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu và giảm thị phần của nguồn khí tự nhiên hóa lỏng Mỹ.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ukraine-chi-trich-nord-stream-2-quen-phan-minh-3390611/