Ukraine chặn âm mưu Trung Quốc thôn tính Motor Sich

Trung Quốc đòi Ukraine 3,6 tỷ dollars bồi thường cho nhà máy sản xuất động cơ trực thăng Motor Sich, bị chính quyền Kiev thu giữ 56% cổ phần.

Vụ tranh chấp tổ hợp chế tạo động cơ máy bay Motor Sich nổi tiếng giữa Ukraine và Trung Quốc vẫn chưa thể đi đến hồi kết, khi giới chức lãnh đạo Kiev tuyên bố rằng, chính quyền Kiev sẽ quốc hữu hóa tổ hợp chế tạo động cơ máy bay Motor Sich thay vì bán cho Trung Quốc.

“Doanh nghiệp sản xuất động cơ máy bay và tổ máy turbine khí Motor Sich có trụ sở tại thành phố Zaporozhye sẽ sớm được trả lại như một tài sản nhà nước” - điều này đã được tuyên bố bởi Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia (NSDC) của Ukraine là ông Oleksiy Danilov.

Vị quan chức Ukraine tuyên bố, điều này sẽ được thực hiện một cách hợp Hiến và hợp pháp. Tất cả những ai đã đầu tư vào Motor Sich sẽ nhận được khoản bồi thường thích đáng. Vấn đề này sẽ được giải quyết trên cơ sở cá nhân, đối với từng doanh nghiệp.

Ukraine thu giữ cổ phần của Motor Sich

Các động cơ quan trọng trong danh mục đầu tư của Motor Sich bao gồm Progress D-18T, cung cấp lực đẩy cho máy bay vận tải chiến lược Antonov An-124 Ruslan (Tên hiệu NATO: Condor) và An-225 Mriya (Tên hiệu NATO: Cossack); động cơ Ivchenko AI-25 cho máy bay huấn luyện, bao gồm AVIC Hongdu JL-8 của Trung Quốc và Progress D-436 trang bị cho An-148 và Beriev Be-200; động cơ đẩy hỗ trợ Progress D-27 cho máy bay An-70.

Trước đây, Nga là khách hàng truyền thống, mua khoảng 80% sản phẩm của doanh nghiệp động cơ máy bay Ukraine, nhưng vào tháng 3/2014, Kiev đã cấm việc cung cấp sản phẩm cho Nga. Mất thị trường tiêu thụ lớn nhất, các nhà máy của Motor Sich lâm vào tình cảnh khó khăn.

Tình hình này được người Trung Quốc lợi dụng, ký hợp đồng với Motor Sich mua động cơ máy bay với giá ưu đãi.

Năm 2016, các doanh nhân Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào công việc sản xuất. Beijing Skyrizon Aviation Industry (北京天骄航空产业投资有限公司, công ty con của Tập đoàn Công nghệ Beijing Xinwei Technology Group) ký thỏa thuận cho vay 100 triệu USD.

Ukraine đã tịch thu 56% cổ phần của công ty Motor Sich

Ukraine đã tịch thu 56% cổ phần của công ty Motor Sich

Hai năm sau, trong số các cổ đông của Motor Sich đã có 5 pháp nhân và một cá nhân Trung Quốc, chiếm khoảng 56% cổ phần doanh nghiệp. Tuy nhiên, đã có nguồn truyền thông tuyên bố rằng, đến năm 2017, Skyrizon đã nắm tới khoảng 80% cổ phần trong Motor Sich.

Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng công ty sẽ rơi vào tay Bắc Kinh, vốn đang tập trung phát triển khả năng sản xuất hàng loạt động cơ hàng không. Do đó, trong năm 2017, an ninh Ukraine đã chặn thỏa thuận này, sau khi có thông tin các nhà đầu tư sẽ xây dựng một nhà máy chế tạo ở Trung Quốc.

Một vụ án hình sự được khởi tố, chính quyền Kiev tuyên bố có những nghi ngờ về âm mưu và ý định di chuyển tài sản, cơ sở sản xuất của Motor Sich ra ngoài lãnh thổ Ukraine. Mùa xuân năm 2018, tòa án phán quyết thu giữ 56% cổ phần của công ty.

Theo đại diện của SBU, Trung Quốc đã lên kế hoạch thiết lập quyền kiểm soát các đơn đặt hàng quốc phòng của công ty Ukraine và chuyển giao những công nghệ quân sự quan trọng cho một doanh nghiệp khác.

Níu giữ không được, Trung Quốc khởi kiện Ukraine

Các nhà đầu tư từ Trung Quốc và những người có liên quan tái khẳng định họ đã mua cổ phần của Motor Sich, nhưng vào năm 2020, Văn phòng công tố Ukraine đã tịch thu cổ phần của họ mà không có lời giải thích.

Phía Bắc Kinh cho rằng, Kiev đã vi phạm các nghĩa vụ quốc tế được quy định trong thỏa thuận liên chính phủ Ukraine - Trung Quốc năm 1992. Do bị thu giữ cổ phần nên các nhà đầu tư Đại Lục không quản lý được tài sản và không được tham gia vào việc điều hành.

Rõ ràng là thất vọng với tiến độ của nó kể từ năm 2017, vào năm 2020, Skyrizon đã tranh thủ sự giúp đỡ của các doanh nghiệp địa phương, dưới hình thức thỏa thuận với công ty Ukraine Development Construction Holding (Tập đoàn DCH), có trụ sở tại Kharkiv (Kharkov).

Theo thỏa thuận, DCH sẽ nhận được 25% cổ phần của Motor Sich do Trung Quốc bán lại, nếu Kiev cho phép việc mua lại được tiến hành. DCH và Skyrizon cho rằng việc mua lại không phải là để hỗ trợ quân đội Trung Quốc, mà là về việc tái hợp lực hỗ trợ Motor Sich, với nguồn vốn của Trung Quốc.

Gian hàng chung của Motor Sich và Beijing Skyrizon Aviation Industry

Vào tháng 8 năm 2020, Beijing Skyrizon và công ty Ukraine nộp đơn lên Ủy ban Chống độc quyền để mua lại cổ phần Motor Sich. DCH cũng đã thực hiện một chiến dịch truyền thông tích cực để hỗ trợ đối tác của mình. Nhưng chính quyền Kiev đã không cho phép điều này xảy ra, các cơ quan tư pháp đã phủ quyết thương vụ này.

Không còn cách nào khác, vào tháng 12 năm 2020, Skyrizon đã giải quyết mọi việc bằng cách chính thức yêu cầu Kiev cho phép vụ việc được đưa ra Tòa án trọng tài quốc tế.

Cuộc chiến xung quanh nhà máy Motor Sich của Ukraine bắt đầu vào giai đoạn gay cấn. Các nhà đầu tư Trung Quốc có cổ phần chi phối không muốn mất tiền. Họ ước tính thiệt hại từ hành động của Ukraine là 3,5 tỷ USD; sau đó, tiếp tục cộng thêm vào đó 100 triệu nữa.

Skyrizon yêu cầu Ukraine phải bồi thường tối thiểu 3,6 tỷ USD và thuê 3 công ty luật quốc tế nộp đơn kiện chính quyền Kiev lên trọng tài quốc tế và chính phủ Ukraine cũng được thông báo về việc này.

"Vào ngày 5 tháng 12 năm 2020, các nhà đầu tư Trung Quốc vào Motor Sich PJSC đã gửi chính phủ Ukraine kháng nghị trọng tài quốc tế, kiện Ukraine, theo thỏa thuận liên chính phủ Ukraine và CHND Trung Hoa về việc hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau các khoản đầu tư" – trên trang web của doanh nghiệp DCH đưa ra những dòng thông báo một cách khô khan.

Ukraine trừng phạt các công ty Trung Quốc

“Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” , tới ngày 29 tháng 01 năm 2021, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh áp đặt các hạn chế trừng phạt 3 năm đối với những nhà đầu tư Trung Quốc và các bên liên quan.

Bốn công ty được liệt kê trong phụ lục của nghị định gồm: Skyrizon Aircraft Holdings, Hong Kong Skyrizon Holdings, Beijing Skyrizon Aviation Industry Investment và Beijing Xinwei Technology Group. Tất cả đều có quan hệ với Beijing Skyrizon.

Trung Quốc đang đòi Ukraine bồi thường 3,6 tỷ USD trong vụ Motor Sich

Họ bị phong tỏa tài sản, hạn chế các hoạt động giao dịch, cấm rút vốn khỏi Ukraine, không được mua bán, hạn chế phát hành chứng khoán, v.v. Trong danh sách các cá nhân chỉ có một cái tên là công dân Trung Quốc Wang Jing, cổ đông chủ chốt của Beijing Skyrizon.

"Vấn đề (về Motor Sich) không phải ở Trung Quốc. Câu hỏi thậm chí không phải là làm thế nào mà cổ phần của Motor Sich lại được bán dưới thời cựu tổng thống Poroshenko. Vấn đề là chúng tôi không có quyền bán cổ phần chi phối trong doanh nghiệp quốc phòng chiến lược của Ukraine cho bất kỳ quốc gia nào, điều này sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi", ông Zelensky giải thích trong một cuộc phỏng vấn với HBO Axios.

Sau đó, Verkhovna Rada (quốc hội Ukraine) ban hành nghị quyết về việc quốc hữu hóa Motor Sich.

Vào ngày 31 tháng 1, Cơ quan An ninh Ukraine cho biết họ đang điều tra vụ việc và cả Tập đoàn Ukraine DCH vì đã tổ chức “các cuộc họp cổ đông bất hợp pháp".

Hiện nay, những tranh chấp tài chính quanh doanh nghiệp sản xuất động cơ máy bay và trực thăng đã leo thang thành xung đột ngoại giao giữa hai bên.

Bình luận về những động thái mới nhất của Ukraine, giới phân tích cho rằng những cáo buộc trên bắt nguồn từ sức ép từ phía Mỹ, khi Washington lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ có được những công nghệ hàng không bí mật của Kiev để phục vụ cho lợi ích quốc phòng của mình.

Tuy nhiên, không chỉ Mỹ mà ngay cả Nga cũng không muốn thấy việc Ukraine vì tiền mà để lọt những công nghệ động cơ máy bay Liên Xô cho Trung Quốc. Những uẩn khúc trong thương vụ này chúng ta sẽ tìm hiểu trong những kỳ sau.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ukraine-chan-am-muu-trung-quoc-thon-tinh-motor-sich-3429080/