Ukraine cần Mỹ giúp gì để đối phó 120.000 lính Nga?

Bất chấp phủ nhận từ phía Nga, Ukraine luôn khẳng định Moscow chuẩn bị có hành động leo thang mới, đồng thời yêu cầu Mỹ chuyển giao thêm vũ khí.

Trong bối cảnh lực lượng Nga được triển dọc biên giới Ukraine "đông đảo nhất trong một thập kỷ", Nhà Trắng đang cân nhắc đề nghị của chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky về việc chuyển giao thêm vũ khí cho Kiev, theo Politico.

Ukraine muốn gì từ Mỹ?

Những tuần qua, Nga triển khai gần 120.000 quân tới các khu vực gần biên giới Ukraine. Không dừng lại ở đó, Nga cảnh báo các quốc gia hạn chế đưa tàu tới Biển Đen, đồng thời triển khai máy bay tại vùng trời gần các nước Đông Âu.

Moscow mới đây cũng trục xuất một loạt nhân viên ngoại giao Mỹ, đáp trả lệnh trừng phạt của Washington.

Giới chức Ukraine ngày càng lo ngại việc Nga tăng cường binh lực ở biên giới. Moscow tiến hành một cách công khai và có phần cố ý khoa trương, nhưng đây không chỉ đơn thuần là thông điệp gửi tới phương Tây.

Trước công luận cũng như sau hậu trường, Kiev nhiều lần đề nghị Washington chuyển giao thêm vũ khí để cải thiện khả năng tự vệ trong trường hợp Mocsow nổ súng trước.

Trong danh sách khí tài Kiev gửi tới Washington có tên lửa Patriot - vũ khí đang được Mỹ triển khai ở Ba Lan, nhưng giờ Ukraine muốn Nhà Trắng đưa hệ thống này tới lãnh thổ của mình.

 Ukraine muốn Mỹ triển khai tên lửa Patriot tới nước này. Ảnh: AP.

Ukraine muốn Mỹ triển khai tên lửa Patriot tới nước này. Ảnh: AP.

"Ukraine đang đối đầu Nga, không chỉ vì chúng tôi, mà còn vì phương Tây. Và hãy xem Mỹ đặt tên lửa Patriot ở đâu? Nơi gần nhất là Ba Lan. Vũ khí đó nên được đặt ở đây", ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng tổng thống Ukraine, trả lời Time hồi tuần trước.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba hôm 20/4 cho biết tình hình đang leo thang nhanh chóng, và Moscow sẽ sẵn sàng khởi động "một giai đoạn hung hăng mới" trong vài tuần tới.

"Giờ là lúc Ukraine và các quốc gia đứng về phía luật pháp quốc tế và chủ quyền ở châu Âu hành động", Ngoại trưởng Kuleba nói.

Theo Wall Street Journal, Washington đang cân nhắc gửi thêm vũ khí cho Kiev, bao gồm các hệ thống hỏa lực chống tăng, chống hạm và phòng không.

Trong cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tuần qua, ngoài việc chuyển giao thêm vũ khí, Ngoại trưởng Kuleba một lần nữa đặt vấn đề khả năng Ukraine được trao quy chế "đồng minh quan trọng không thuộc NATO", trong trường hợp đơn xin gia nhập NATO của Kiev bị từ chối.

Quy chế "đồng minh quan trọng không thuộc NATO" sẽ giúp một nước có được quan hệ đối tác chiến lược với quân đội Mỹ, cùng những đặc quyền quốc phòng.

Dù quy chế này kém xa những gì Ukraine mong đợi so với mục tiêu gia nhập NATO, ít nhất nó cũng sẽ gửi tới Moscow thông điệp rằng Washington dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Kiev.

Mỹ mù mờ trước ý định thực sự của Nga

Tới nay, chính quyền Tổng thống Biden vẫn tránh nguy cơ va chạm quân sự trực tiếp với Nga. Tuần trước, Mỹ đã hủy kế hoạch triển khai hai tàu khu trục tới Biển Đen, sau khi Nga phát đi thông điệp cảnh báo.

Cho đến lúc này, giới chức Mỹ coi động thái tăng cường hiện diện quân sự của Nga chỉ nhằm thị uy hơn là dấu hiệu Moscow có ý định tấn công Kiev.

Dẫu vậy, Nga đang cố ý phô diễn sức mạnh với thông điệp rõ ràng rằng nước này đủ khả năng động binh nếu muốn. Mục đích cuối cùng phía sau động thái leo thang này vẫn còn là điều chưa rõ.

Giới chuyên gia và các cựu quan chức Mỹ có đánh giá bi quan hơn về khả năng xung đột quân sự.

"Điều chúng ta đang thấy là sự khởi đầu của một giai đoạn căng thẳng mới, và tôi có thể nói rằng giai đoạn ấy sắp xảy ra, sẽ có bước leo thang mới", tướng về hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, nhận định.

Ông Hodges nhấn mạnh số lượng quân nhân và quy mô hậu cần được Nga triển khai tới biên giới với Ukraine, cũng như việc điều hàng chục tàu chiến tới Biển Đen.

Moscow "sẽ không tiêu cả tỷ USD chỉ để kiểm tra chính quyền Biden", ông Hodges nói.

Lữ đoàn súng trường cơ giới của Nga tại căn cứ Pogonovo, thành phố Voronezh, cách không xa biên giới Ukraine hôm 10/4. Ảnh: Maxar

"Họ sẽ gây thêm sức ép để xác định Ukraine có vị trí ưu tiên như thế nào đối với tổng thống Mỹ", ông Hodges nhận định.

Các chuyên gia nhận định việc tăng cường hiện diện quân sự tại Crimea cùng các khu vực dọc biên giới Ukraine, trong đó có việc triển khai nhiều tiêm kích Su-34, Su-30, Su-27, Su-25 và Su-24 giúp Nga củng cố lợi thế chính trị, gây sức ép về phía Ukraine.

"Họ đã triển khai hỏa lực cần thiết giúp mang lại ưu thế không quân áp đảo trên chiến trường, có khả năng trực tiếp hỗ trợ các đơn vị chiến đấu trên mặt đất", Philip Breedlove, cựu tướng không quân của Mỹ, nhận định, theo Wall Street Journal.

Đánh giá tình hình quân sự của Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết Nga đang thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết, với mục đích tiến hành chiến dịch quân sự nhằm "bảo đảm nguồn cung cấp nước cho bán đảo Crimea".

Bộ Ngoại giao Ukraine đánh giá "khả năng cao" sẽ có một hành động quân sự tương tự những gì từng xảy ra tại Georgia năm 2008, lần này nhắm vào lực lượng Ukraine ở biên giới phía đông.

Báo cáo cũng dự đoán Nga sẽ triển khai lực lượng cần thiết để đối trọng với NATO ở Đông Âu.

Trong lúc này, giới chức quân sự Mỹ đang đặc biệt quan ngại việc Nga tăng cường lực lượng trên các vùng biển bao quanh Ukraine. Việc Nga điều động 15 tàu chiến từ biển Caspi tới Biển Đen cho thấy ý đồ củng cố sức mạnh hải quân tại khu vực.

Ngoại trưởng Ukraine Kuleba cho rằng việc Nga tái bố trí tàu chiến tới Biển Đen "không phải động thái bình thường", và diễn biến này không giống với các hoạt động diễn tập mà Moscow thông báo.

Mới đây, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ hoài nghi giải thích của Nga khi nói hoạt động tái bố trí hàng chục tàu chiến là một phần của diễn tập quân sự.

"Chúng tôi không nghĩ đó là mục đích (của việc tái bố trí tàu chiến). Chúng tôi cực kỳ quan ngại về việc tăng cường lực lượng và kêu gọi Nga minh bạch hơn về ý đồ của họ", ông Kirby cho biết.

Trong lúc nước sôi lửa bỏng hiện nay, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov lại đang không có mặt ở Washington. Đại sứ Antonov đã về nước từ tháng trước để tham vấn với Moscow. Từ đó đến nay, ông Antonov vẫn chưa quay lại Mỹ.

Trong tuyên bố mới đây, Đại sứ quán Nga chỉ trích các hoạt động quân sự của NATO ở Đông Âu, cũng như việc Mỹ chuyển giao vũ khí cho Ukraine, là động thái khiêu khích.

"Tất cả cho thấy chính các nước NATO đang làm xấu đi tình hình xung quanh Ukraine bằng những hành động khiêu khích của họ. Những hành động khiêu khích, như việc NATO tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực, đang nuôi dưỡng tâm lý phục thù ở Ukraine", tuyên bố của Đại sứ quán Nga cho biết.

"Đối với các cuộc diễn tập của Nga, những hoạt động này được tiến hành bên trong lãnh thổ Nga và không đe dọa bất cứ quốc gia nào", thông báo Đại sứ quán Nga khẳng định.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ukraine-can-my-giup-gi-de-doi-pho-120000-linh-nga-post1206854.html