Ukraine: 'Bốn bước đi quyết đoán' giành lại Azov từ tay Nga

Giới cựu quan chức quân sự Ukraine mới đây đã nghĩ ra kế hoạch đầy tham vọng và cực đoan nhằm lấy lại biển Azov từ tay Nga.

Ukraine quyết mời NATO vào biển Azov

Thuyền trưởng cấp 1 Hải quân Ukraine, Phó Chủ tịch thứ nhất Liên minh sĩ quan Ukraine là ông Yevgeny Lupakov vừa tuyên bố rằng, Kiev cần tiến hành hành động cực đoan hơn để "đảm bảo an ninh" của Biển Azov, mà không cần dựa vào Liên minh châu Âu.

Để làm được điều này, ông đề nghị thực hiện một kế hoạch gồm bốn bước đi mạnh bạo có sức lan tỏa lớn, mà động thái đầu tiên trong số đó, theo lời ông là cần chấm dứt thỏa thuận với Nga về việc sử dụng chung Biển Azov, tức là biến Azov thành một vùng biển quốc tế.

Để thực hiện được điều này, trước hết, Ukraine phải chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước Nga-Ukraine về hợp tác tại biển Azov và eo biển Kerch, được Tổng thống Nga Vladimir Putin và cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma ký kết ngày 24/12/2003 và có hiệu lực từ ngày 23/4/2004.

Trong Hiệp ước, hai nước đã xác định tình trạng của biển Azov và eo biển Kerch, công nhận đây là vùng nước nội địa lịch sử của họ, có nghĩa là tất cả các hoạt động trên vùng biển này đều phải nhận được sự đồng thuận của cả hai bên. Điều này có nghĩa là các chiến hạm của NATO không thể tiến hành tập trận trên vùng biển Azov bởi vì Nga sẽ không bao giờ cho phép.

Do đó, Ukraine cần phải thoát ra khỏi Hiệp ước Nga-Ukraine về hợp tác tại biển Azov và eo biển Kerch.

Theo ông Yevgeny Lupakov, bước đi thứ hai sau khi hủy bỏ hiệp ước này là việc Kiev cần thiết phải xúc tiến phân định và thiết lập đường biên giới biển giữa hai nước, nhận về chủ quyền biển của Ukraine thì mới có thể tự quyết được các vấn đề trên biển Azov.

Ngay sau khi các luật này được thông qua, thì mọi thứ sẽ kết thúc, vùng biển không còn chung nữa, mỗi bên sẽ có phần biển của mình và Ukraine sẽ tiến hành bước đi thứ ba đưa ra tuyên bố về trách nhiệm tập trận của các đơn vị tên lửa và pháo binh Ukraine trong khu vực biển này.

Khi ba bước đi trên thực hiện thuận lợi thì bước đi thứ 4 của Kiev sẽ là mời tàu chiến NATO tiến hành các cuộc tập trận chung ở Biển Azov. “Và thế là hết. Sẽ không có vấn đề gì xảy ra nữa" - Lupakov nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn của tờ “Quan sát viên” (Obozrevatel).

Chiến hạm của hải quân Ukraine tren Biển Đen

Ukraine quyết tâm, EU ra sức ủng hộ

Tình hình vận chuyển hàng hải ở Biển Azov trở nên căng thẳng vào hồi đầu năm. Vào tháng 3, Ukraine đã bắt giữ tàu đánh cá Nord với mười ngư dân Nga trên tàu. Thuyền trưởng phải đối mặt với 5 năm tù giam vì "đến Crimea bất hợp pháp với mục đích gây tổn hại cho lợi ích quốc gia".

Tiếp theo, tàu Pogodin của Nga cũng bị Ukraine bắt giữ tại cảng Kherson vào tháng 8.

Moscow xem hành động của Kiev là "khủng bố hàng hải" và phản ứng bằng cách tăng cường kiểm tra biên giới trong phần của mình trên biển Azov. Trong công việc kiểm soát biên giới Crimea, FSB lưu ý rằng việc kiểm tra được thực hiện theo luật biển quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Lực lượng vũ trang Ukraine tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Azov. Do đó, một phần biển trong khu vực Berdyansk và làng Yalta trong vùng Donetsk đã bị đóng cửa trong thời gian bắn pháo từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 10.

Quân đội Ukraine còn tiến hành cuộc tập trận chiến thuật với tưởng định “đẩy lùi lực lượng tấn công đổ bộ giả định lên bờ biển Azov”.

Ngày 11 tháng 10, các nhân viên biên phòng của Ukraine tổ chức tuần tra biên phòng từ cảng Mariupol đến Biển Azov mời theo một nhóm phóng viên của phương tiện truyền thông Ukraine để thu thập tài liệu cho một báo cáo bằng video về cái gọi là hành động gây hấn của cơ quan biên phòng thuộc Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) đối với các tàu dân sự Ukraine ở Biển Azov, cũng như phong tỏa các cảng biển Ukraine ở biển Azov.

Tuy nhiên, vừa qua Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết kêu gọi các cơ quan chức năng của EU gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Liên bang Nga trong trường hợp “leo thang” tình hình ở Biển Azov.

Ngoài ra, các cơ quan hành pháp của EU cũng có những hành động gia tăng sức ép với Nga về cấn đề biển Azov. Họ được đề nghị xem xét khả năng đưa ra chức vụ "đặc phái viên về Crimea và Donbass", nhằm hỗ trợ chính quyền Ukraine “bảo vệ chủ quyền trước Nga”.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ukraine-bon-buoc-di-quyet-doan-gianh-lai-azov-tu-tay-nga-3368078/