Ukraine biến thành vùng đệm, bị kẹp giữa hai làn đạn Nga-NATO

Tướng Bulgaria tuyên bố về chuyện Ukraine trở thành một vùng đệm, trong khi NATO đang ráo riết chuẩn bị chiến tranh với Nga.

NATO tập trận trong căng thẳng trên Biển Đen

Chuẩn tướng người Bulgaria Valentin Tsankov hôm 09/7 đã so sánh tình hình đang gia tăng căng thẳng trên Biển Đen với những gì xảy ra ở biên giới Xô-Đức trước Thế chiến II, đồng thời cảnh báo nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự giữa Nga và NATO.

Được biết, liên tiếp trong hai ngày 23 và 24 tháng 6 vừa qua, các tàu chiến NATO đã thay phiên nhau xâm nhập vào khu vực mà Nga tuyên bố là chủ quyền lãnh hải của Nga ở vùng biển gần mũi Fiolent (cape-Fiolent), phía đông nam bán đảo Crimea trên Biển Đen.

Hậu quả là các tàu biên phòng Nga đã nổ súng cảnh cáo nhiều lần, còn máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 Nga đã thả 4 quả bom OFAB-250 dọc đường đi của tàu khu trục Anh HMS Defender để buộc nó phải rời khỏi khu vực này.

Còn các chiến đấu cơ Su-34 và Su-30SM Nga đã bay liên tục nhiều giờ trên đầu tàu hộ tống HNLMS Evertsen của Hà Lan ở độ cao thấp và khoảng cách gần. Thậm chí chúng còn mang theo tên lửa chống hạm và tập mô phỏng các đòn đánh vào con tàu này, cùng với đó là hoạt động tác chiến điện tử khiến tất cả các hệ thống trên tàu bị ngừng hoạt động.

Trong cuộc phỏng vấn với cổng thông tin Dir, ông Valentin Tsankov lưu ý rằng, Biển Đen đã trở thành nơi tiếp xúc trực tiếp giữa lực lượng vũ trang các nước NATO và Nga. Các cuộc tập trận thường xuyên được tổ chức ở đó, cho phép các bên có được kinh nghiệm trong hoạt động quân sự thực tế.

Bình luận về cuộc tập trận “Gió biển-21” (Sea Breeze 2021) của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương, ông Tsankov thừa nhận rằng, đây là cuộc bểu dương lực lượng với quy mô “chưa từng có”.

Cuộc tập trận chung giữa Ukraine-Mỹ mang tên “Gió biển 2021” (Sea Breeze-2021), được tổ chức từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 10 tháng 7 trên Biển Đen ở phía nam Ukraine chỉ là một phần trong loạt cuộc tập trận có quy mô lớn nhất kể từ năm 1997.

Quan hệ Nga-NATO-Ukraine đang rất căng thẳng xoay quanh bán đảo Crimea trên Biển Đen

Quan hệ Nga-NATO-Ukraine đang rất căng thẳng xoay quanh bán đảo Crimea trên Biển Đen

Tổng cộng có 31 quốc gia thành viên sẽ tham gia các cuộc tập trận diễn ra trên Biển Đen, tại vùng biển khá rộng lớn ở miền nam Ukraine, với tổng số khoảng gần 40 tàu thuyền, hơn 30 máy bay và trực thăng, 3 nghìn nhân viên và 50 đơn vị vũ khí và thiết bị quân sự.

Ukraine sa vào cuộc chiến Nga-NATO

Bình luận về cuộc tập trận được cho là nhằm đối phó với các lực lượng Nga trên Biển Đen, ông Valentin Tsankov lưu ý sự thống trị của Nga trong khu vực. Vị tướng Bulgaria lưu ý rằng, cuộc tập trận Sea Breeze 21 đang diễn ra gần bờ biển Crimea và quân đội Ukraine cũng đang tham gia.

"Chính quyền Kiev vẫn coi Crimea là lãnh thổ của mình, nhưng trên thực tế nó đã thuộc về Moscow. Sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử trên bán đảo vào tháng 3/2014 về việc sáp nhập vào Nga thì theo luật định, tương ứng với luật pháp nước này, Crimea đã là một phần lãnh thổ của Nga".

Ông nói thêm, Nga phản đối các cuộc tập trận vì bảo vệ biên giới của mình và nhấn mạnh rằng bất cứ quốc gia nào khác cũng sẽ làm như vậy. Ông Tsankov gọi phần chủ chốt trong chiến lược của liên minh trên Biển Đen là "cuộc biểu tình không công nhận việc sáp nhập Crimea".

"Đây là quyết định chính trị của các nước thành viên NATO và việc thực thi nó được thể hiện qua sự hiện diện thường xuyên của chiến hạm nội khối và cũng được tăng cường tàu của các quốc gia không có quyền tiếp cận Biển Đen, đặc biệt là tàu của Mỹ" - vị tướng nói thêm.

Vì vậy, Washington đang cố gắng gây áp lực lên Nga, nhưng Moscow coi hành vi này của Mỹ là nguy cơ đe dọa mà họ cần phải đáp trả bằng cách tăng cường tiềm lực quân sự của mình.

Theo ý kiến của ông Tsankov, những hành động khiêu khích này là cách dễ nhất để khơi mào cuộc chiến. Vị tướng Bulgaria nhấn mạnh, tình hình hiện nay trong khu vực này rất giống những năm 1939-1941, khi Liên Xô và Đức có đường biên giới chung.

NATO đã từ chối trao cho Kiev Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP) (bước đầu tiên trên con đường trở thành thành viên NATO), mà chỉ cho phép nước này tham gia câu lạc bộ các nước “Đối tác Cơ hội Nâng cao” (EOP), bao gồm Australia, Jordan, Gruzia, Thụy Điển và Phần Lan, với danh nghĩa là "đối tác toàn cầu" của NATO.

Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý rằng, cái gọi là EOP được đưa ra như một phần của “Sáng kiến Khả năng Tương tác của Đối tác” trong Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2014 thực chất chỉ là sự lợi dụng các đối tác để tạo thuận lợi cho việc triển khai quân thường trực của liên minh gần biên giới các đối thủ như Nga hay Trung Quốc.

Chính quyền Kiev hiện nay (dù muốn hay không) cũng không còn giữ được vị thế trung lập của đất nước. Trên thực tế, Ukraine đang đóng vai trò là một vùng đệm giữa Nga với NATO. Nếu không có đối sách hợp lý, Kiev hoàn toàn có thể “chết kẹp giữa hai làn đạn”.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/ukraine-bien-thanh-vung-dem-bi-kep-giua-hai-lan-dan-nga-nato-3435236/