Uganda: Tranh luận chất lượng đào tạo cử nhân ngành Y

Các cơ quan y tế chuyên nghiệp của Uganda, không hài lòng vì chất lượng của các cử nhân mới ra trường, đang tranh luận ý tưởng tổ chức các kỳ thi ra trường cho các cử nhân y khoa muốn làm việc trong ngành y, trong một nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng SV hiện đang được các trường ĐH đào tạo theo kiểu thiên về số lượng hơn là chất lượng.

Việc thay đổi cách đánh giá trình độ cử nhân ngành y đang gây tranh cãi ở Uganda

Cần coi trọng chất lượng

“Bạn không thể tưởng tượng được trình độ tầm thường của một vài bác sĩ đã tốt nghiệp ĐH mà chúng tôi tiếp nhận từ các cơ sở GD ĐH ở quốc gia này”, bác sĩ Katumba Ssentongo Gubala, công tác tại Hội đồng hành nghề y khoa và nha khoa Uganda (UMDPC), cho biết, trong một cuộc phỏng vấn tại phòng làm việc của ông ở Mulago, Kampala.

“Đây là những nam, nữ bác sĩ vừa mới tốt nghiệp từ các trường y. Nhưng họ thiếu thậm chí cả kiến thức cơ bản cần thiết cho nghề này” - ông Gubala cũng cho biết, Hội đồng đang xây dựng một khung cơ sở về việc tổ chức các kỳ thi ra trường cho tất cả các cử nhân Y khoa và thạc sĩ phẫu thuật dự định hành nghề y ở Uganda.

“Chúng tôi (UMDPC) sẽ thiết kế một kỳ kiểm tra. Nó sẽ giống như một kỳ thi đảm bảo chất lượng. Chỉ những cử nhân nào vượt qua kỳ thi này mới được phép làm việc ở chỗ chúng tôi”, ông Gubala khẳng định.

“Chúng tôi không thể ngồi chờ và tiếp tục xem các cử nhân y khoa có trình độ tầm thường bước vào nghề của chúng tôi” - Gubala cho hay - “Chúng tôi là bác sĩ. Chúng tôi cứu mạng sống của mọi người. Chúng tôi phải có chuyên môn tốt hoặc xuất sắc”.

Cần biết, UMDPC không phải là cơ quan ngành y duy nhất quan tâm đến vấn đề chất lượng của các cử nhân y khoa ở quốc gia này. Samuel Opio, thư ký của Hiệp hội Y dược Uganda, cho biết hiệp hội này đã và đang yêu cầu các cử nhân dược phải thực hiện các bài kiểm tra tiền thực tập trước quá trình được tiếp nhận vào ngành, ban đầu là các thực tập sinh và sau này là các dược sỹ có giấy phép hành nghề.

“Chúng tôi muốn loại bỏ những SV yếu kém chưa đáp ứng đủ điều kiện đồng thời xây dựng một tiêu chuẩn chung cho việc hành nghề dược ở trong nước” Opio cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Hội đồng y tá và nữ hộ sinh, cơ quan chuyên phụ trách về nữ hộ sinh (UNMC), cũng không bỏ qua động thái này. Rebecca Nassuna, phụ trách chung của Hội đồng nói với University World News rằng, cơ quan này vừa hoàn thiện một dự thảo chiến lược về việc tổ chức và chấm điểm các kỳ thi ra trường vào tháng 5 năm nay cho những cử nhân muốn theo ngành y tá và hộ sinh.

Chuyển động từ thượng tầng

Tất nhiên, để chiến lược nói trên được áp dụng, hiện còn chờ sự đồng ý của Bộ y tế. Đáng mừng là động thái của các cơ quan y tế nói trên cũng nhận được sự ủng hộ của ngành y tế địa phương.

Bác sĩ Diana Atwine, thư ký thường trực của Bộ y tế cho biết, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng chất lượng là tối quan trọng và Bộ y tế đang trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn để tổ chức chỉ đạo các kỳ thi ra trường cho SV tốt nghiệp ĐH muốn tiếp tục làm việc trong ngành Y.

“Một số SV trúng tuyển vào trường với 3 điểm thi loại A nhưng khi tốt nghiệp lại chỉ được hạng trung bình. Đây là một vấn đề” - Giáo sư John Opuda-Asibo bức xúc nói.

Chất lượng đào tạo tại nhiều trường ĐH và các cơ sở GD đào tạo của quốc gia Đông Phi này đang còn yếu, với nhiều cơ sở chỉ ưu tiên số lượng tuyển sinh và lợi nhuận mà quên đi chất lượng đào tạo. Theo một đánh giá được thực hiện năm 2016 bởi Hội đồng hành nghề y khoa và nha khoa Đông Phi của các trường y thuộc Cộng đồng Đông Phi (EAC), hầu hết các trường thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản cho việc đào tạo nhân viên y tế. Nhiều cơ sở đào tạo thậm chí còn thiếu đội ngũ giáo viên, ngân quĩ và tài liệu đào tạo. Chương trình đào tạo chung cho ngành và cho từng môn học ở một số cơ sở cũng bị phát hiện là còn thiếu hoặc bỏ qua các kiến thức chủ chốt mà một nhân viên y tế cần biết.

Năm ngoái, sự kiện hội đồng y tá từ chối tuyển dụng 1.000 cử nhân ngành này do thiếu các giấy tờ học thuật phù hợp đã được truyền đi một cách rộng rãi trên các phương tiện truyền thông địa phương. Các y tá này đa số tốt nghiệp từ các trường ĐH tư thục. Hội đồng cho biết SV được nhận vào học chương trình cử nhân khoa học về ngành điều dưỡng ở các cơ sở GD ĐH nhưng kết quả hai môn thi chính đầu vào không đạt loại A. The UNMC yêu cầu các SV phải đạt ít nhất hai điểm thi loại A ở các môn thi chính thức đầu vào mới được phép đăng ký học chương trình đào tạo cử nhân liên quan đến nghề này.

Quan điểm đối lập

Cơ quan bảo vệ quyền lợi của SV y khoa ở Uganda, Hiệp hội Y khoa Uganda, là tổ chức lớn nhất phản đối động thái cải tổ đào tạo y khoa bằng cách sát hạch lại trình độ cử nhân. Robert Lubega, Chủ tịch của Hiệp hội nói vấn đề trọng tâm nên tập trung vào cải thiện chất lượng các trường ĐH và trao quyền cho các cơ sở đào tạo để học có thể tự trang bị tốt hơn cho quá trình đào tạo.

“Không thể nói cử nhân phải thi sát hạch ra trường. Điều đó thật nực cười. Các trường ĐH đã được chứng nhận đủ điều kiện đào tạo và được cho phép triển khai các chương trình của mình” - ông nêu rõ.

Tranh luận tương tự được đưa ra bởi bác sĩ Ekwaro Obuku, chủ tịch của Hiệp hội Y khoa Uganda, người đã nói với University World News rằng, nhà nước nên trang bị cho các trường ĐH của mình cơ sở hạ tầng cần thiết để cải tiến phương thức đào tạo.

Giáo sư John Opuda-Asibo, giám đốc điều hành của Hội đồng quốc gia về GD ĐH của Uganda (UNCHE), thừa nhận chất lượng GD ĐH là cần thiết nhưng cho rằng đào tạo - dù có chất lượng hay không - phụ thuộc nhiều hơn vào thái độ cụ thể của người học chứ không phải các trường. Ông nói, SV phải học tập tích cực hơn sau khi đạt được các yêu cầu tối thiểu và được tuyển vào ĐH.

Theo Hà Sơn -University World News

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/uganda-tranh-luan-chat-luong-dao-tao-cu-nhan-nganh-y-3947509-b.html