UEFA Nations League: Đỉnh cao bóng đá và sự thông minh của người Châu Âu

Bắt đầu từ 2018, Châu Âu có một giải đấu mới ở cấp độ ĐTQG mang tên UEFA Nations League. Với sân chơi này, những nét mới chưa từng có trong lịch sử của môn thể thao Vua sẽ được khai sinh và xứng đáng là hình mẫu để cả thế giới phải học hỏi.

UEFA Nations League - giải đấu đỉnh cao của Châu Âu. Ảnh: UEFA

Châu Âu luôn là lá cờ đầu của thế giới

Không phải ngẫu nhiên, Nations League ra đời. Khi manh nha hình thành, UEFA đã có sự chuẩn bị rất tốt về các nền tảng để khi công bố, giải đấu không vướng phải bất cứ trục trặc nào.

Vấn đề tài chính luôn được quan tâm hàng đầu và UEFA đã làm điều này rất tốt. Những trận đấu giữa các đội lớn như Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Đức... là đủ để đẩy thương hiệu của Nations League lên mức cao nhất. Hàng loạt nhà tài trợ đã “xếp hàng” để mong có được suất quảng cáo trong các trận đinh như thế.

Nhận thấy được lợi về mặt tài chính của Nations League, FIFA muốn áp dụng cho các liên đoàn thành viên khác nhưng bất thành, bởi không đâu có được lợi thế như Châu Âu. Trình độ các đội tương đồng, múi giờ không chênh lệch quá nhiều, di chuyển thuận lợi giữa các quốc gia là những yếu tố chỉ lục địa già mới đáp ứng được.

Thể thức khoa học, thông minh và tích cực

UEFA Nations League có 55 đội, chia thành 4 League A, B, C, D theo thứ tự từ mạnh đến yếu. Mỗi đội vô địch các League sẽ có 1 vé vào thẳng EURO 2020.

Dù có Nations League nhưng các đội vẫn phải đá vòng loại EURO và vòng loại World Cup bình thường. Điều này đặt ra lo ngại về thể lực của các cầu thủ liệu có bị bào mòn quá nhiều hay không, UEFA ngay lập tức có câu trả lời bằng lịch thi đấu.

Đầu tiên là việc xóa bỏ hẳn thể thức giao hữu bị áp bởi FIFA trước đây. Cùng một công tập trung, các đội có thể thi đấu nhiệt tình hơn khi mùa bóng ở giải VĐQG tạm dừng. Bên cạnh đó, lịch thi đấu của Nations League cách rất xa vòng loại World Cup hay vòng loại EURO, các cầu thủ có thể yên tâm và không sợ thời gian bị chồng chéo giữa CLB và ĐTQG.

Quay trở lại vấn đề phần thưởng của giải đấu, Nations League hiện giờ được xem là lối tắt đi tới các giải lớn của các “đại gia”. Nhưng cùng với đó, nó cũng là “cứu cánh” cho không ít ông lớn khi lỡ sảy chân.

Ví dụ với League A gồm 12 đội mạnh, người vô địch tất nhiên sẽ có vé đá EURO 2020 nhưng trong trường hợp đội này cũng vượt qua vòng loại, tấm vé sẽ được đẩy xuống cho các đội xếp sau. 12 đội thuộc League A hiện tại có tới 11 đại diện từng lọt vào EURO 2016 (Hà Lan bị loại). Vậy nếu áp dụng thể thức của Nations League vào năm 2016, Hà Lan nghiễm nhiên có vé mà “không cần làm gì”.

UEFA quá giỏi khi tạo ra được sức cạnh tranh cho Nations League và cũng đem tới “cứu cánh” cho các nền bóng đá lớn. Bởi, dù phong độ lên xuống ra sao nhưng mỗi trận đấu có sự xuất hiện của các cái tên này chắc chắn tạo được sức hút, cả về tên tuổi của giải đấu và nguồn lợi tài chính thu được.

Trong những năm không có EURO, Nations League cũng đóng vai trò quan trọng tại vòng loại World Cup. Gần nhất, cựu vương Italia cay đắng bị loại nhưng nếu giải đấu mới này được ra đời sớm hơn, nó có thể là chiếc phao cứu sinh cho Azzuri, nếu họ không thể đi tới Nga theo cách thông thường.

Tính cọ xát giữa các đội từng bị hoài nghi với thể thức của Nations League bởi khi đã phân ra 4 nhóm như vậy, chuyện các đội ở League D có thời gian để đá giao hữu với League A gần như không còn. Tuy nhiên, UEFA và FIFA rất mở trong vấn đề này bởi bóng đá không chỉ có ở Châu Âu. Khi các đội thuộc mỗi nhóm không phải đá Nations League, họ hoàn toàn có quyền đá giao hữu với các đội ở châu lục khác theo quy định của FIFA. Những cái tên lớn như Brazil, Argentina luôn chờ cơ hội được đá với các đội Châu Âu để nâng cao trình độ, vậy là tiện cả đôi đường.

Cuối cùng, Nations League ra đời giúp các đội thành viên tự vượt lên chính mình khi biết giờ đây, thực lực đang ở đâu. Với sự xếp nhóm của UEFA, các ĐTQG biết được ai là đối thủ mình nên cọ xát. Nếu cứ để một đội nhóm D như Gibraltar đá với Đức, “cỗ xe tăng” có thể “đánh tennis” ngày qua ngày. Nhưng khi phân loại sức mạnh rõ ràng, các đội nhóm dưới có thể cố gắng vượt qua những đối thủ cùng đẳng cấp để tự cải thiện chính mình và vươn lên các nhóm trên, mong một ngày đá sòng phẳng với các ông lớn.

Thoạt nhìn, thể thức và cách làm của Nations League có thể rắc rối nhưng tất cả đã được UEFA tính đến tận cùng. Không có gì là hoàn hảo và giải đấu này cũng vậy nhưng chí ít nó sẽ phục vụ tốt cho khán giả hơn khi giờ đây, mọi người sẽ có thêm một món ăn tinh thần hấp dẫn thay vì phải chờ tới EURO hay World Cup.

VIỆT HÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/bong-da-quoc-te/uefa-nations-league-dinh-cao-bong-da-va-su-thong-minh-cua-nguoi-chau-au-630799.ldo