Úc và New Zealand trước sự ảnh hưởng của Trung Quốc

Joshua Kurlantzick chuyên gia của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính sách của Hoa Kỳ - đã có bài xã luận cảnh báo về các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc đã đi sâu vào hệ thống chính trị của Úc và New Zealand.

Cụ thể: Cơ quan tình báo Úc, ASIO, trong báo cáo thường niên gửi đến Quốc hội Úc năm 2017 cho biết: Một số chính phủ nước ngoài đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng trong xã hội Úc, đặt ra “mối đe dọa cho chủ quyền; công minh của các thiết chế và quyền công dân của chúng ta”. Đặc biệt, ASIO tin rằng: Các doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh và mong muốn quảng bá các quan điểm thân Trung đã tài trợ hàng triệu USD cho hai đảng chính trị lớn nhất. Năm 2015, hãng Fairfax Media mô tả “sự can thiệp của Trung Quốc vào nền chính trị Úc thông qua các khoản tài trợ khổng lồ bằng tiền mặt”.

Tuy nhiên, các chính trị giá của Úc vẫn tiếp tục nhận hàng trăm nghìn USD từ các nhà tài trợ thân Trung. Một phân tích mới đây của Trường Đại học Luật Melbourne cho thấy trong giai đoạn 2000-2016, khoảng 80% tiền tài trợ chính trị nước ngoài đóng góp cho các đảng chính trị của Úc có nguồn gốc Trung Quốc.

Không chỉ vậy, báo cáo về lực lượng an ninh Trung Quốc tham gia vào chiến dịch giám sát tự do ngôn luận công dân của họ tại Úc đã được đưa ra. Cơ quan tình báo ASIO và viên chức nội các Thủ tướng Malcolm Turnbull đã bắt đầu đặt vấn đề có hay không có mối đe dọa giám sát sinh viên và những thủ thuật mà các Bắc Kinh sử dụng để theo dõi việc dạy học về Trung Quốc trong các giảng đường. Lãnh đạo của cơ quan tình báo, ông Duncan Lewis, tường trình trước Quốc hội Úc vào tháng 10 rằng: Chính quyền Canberra cần “hết sức tỉnh táo trước khả năng có sự can thiệp của nước ngoài vào hệ thống đại học của chúng ta”.

Tại New Zealand, GS Anne-Marie Brady đến từ Trường Đại học Canterbury đã công bố báo cáo trình bày nhiều thủ đoạn mà Bắc Kinh sử dụng để gây ảnh hưởng đến chính trị nước này. Bà Brady cho rằng: Bắc Kinh đã ra sức hành động để đưa những cá nhân thân Trung vào vị trí lãnh đạo các hội đoàn người Hoa và điều phối tiền tài trợ cho các đảng chính trị của đất nước. Những chiến lược này đã có kết quả trong việc thuyết phục Wellington chấp nhận cái gọi là chính sách “không gây bất ngờ” cho Trung Quốc”. Trong khi đó, tờ Financial Times và Newsroom còn đặt dấu hỏi với lý lịch ông Dương Kiện (Yang Jian), một thành viên Đảng Dân tộc từng là nhân viên tình báo quân sự Trung Quốc. Ông Dương được cho là đã thúc đẩy Đảng Dân tộc - lãnh đạo Chính phủ New Zealand từ năm 2008 đến năm nay đã thiết lập các mối liên kết gần gũi hơn với Bắc Kinh.

Tháng 10/2017, tờ Financial Times cũng cho rằng: Cục Mặt trận thống nhất - cơ quan của Chính phủ Trung Quốc chuyên xử lý các sự vụ tại nước ngoài - đã luôn tìm mọi cách tập hợp hoặc tấn công những cá nhân, tập thể có tên tuổi ở nước ngoài. Dưới thời ông Tập Cận Bình, các Đại sứ quán Trung Quốc trên khắp thế giới đã được gia tăng nhiệm vụ theo dõi, giám sát các sinh viên, gia tăng các nguồn lực cho việc ảnh hưởng đến các nhà báo, nhà hoạt động văn hóa và các hiệp hội Hoa kiều. Năm 2009, Bắc Kinh công bố đầu tư 6,5 tỉ USD cho việc nâng cấp mạng lưới truyền thông nhà nước (một con số khổng lo so với Mỹ chỉ dành ra mỗi năm không quá 700 triệu USD cho các kênh truyền thông quốc tế được chính phủ tài trợ).

Úc là một trong các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ. Bất kỳ sự chuyển hướng nào của Canberra ra khỏi Washington đều có thể làm rung chuyển châu Á-Thái Bình Dương. Cả Úc và New Zealand đều là thành viên của mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo có tên Five Eyes (gồm hai nước này với Mỹ, Canada và Anh). Bất kỳ sự thâm nhập nào của Bắc Kinh vào cơ quan cấp cao của chính phủ một trong năm nước thành viên Five Eyes đều gây lo lắng cho các thành viên còn lại.

Gia tăng ảnh hưởng lên Úc và New Zealand cũng khiến tác động của hai nước này không còn mạnh mẽ đối với các diễn biến ngày càng nghiêm trọng tại Đông Nam Á, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo New Zealand đã không đụng chạm đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Úc từ chối tham gia các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải do Hoa Kỳ dẫn đầu. Nếu như có thêm nhiều người dân Úc, New Zealand và các nước khác tin vào các truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra thì câu chuyện về chính sách của Trung Quốc ở các quốc gia này có thể được uốn nắn lại.

Trong một trường hợp đáng chú ý, cựu nghị sĩ hàng đầu của Đảng Lao động, ông Sam Dastyari nói với báo chí Trung Quốc rằng: Úc không nên dính líu cào các hoạt động ở Biển Đông. Dastyari là người có nhà tài trợ quan trọng, thân thiết với Trung Quốc - người đã thanh toán các hóa đơn pháp lý của Dastyari trong quá khứ. Nhà tài trợ này từng đe dọa sẽ rút lại khoản tài trợ 400 nghìn USD cho Đảng Lao động của ông ta. Đầu tuần tháng 12, Dastyari đã từ chức giữa lúc cuộc tranh cãi về ông này dâng lên. Theo Washington Post, Bộ trưởng Y tế Úc, ông Peter Dutton, đã tố cáo Dastyari là “điệp viên hai mang của Trung Quốc”. Các nhóm Hoa kiều ở Úc cũng gây áp lực liên quan đến vấn đề Biển Đông. Năm 2016, Tờ Sydney Morning Herald đưa tin: Trước khi ông Malcolm Turnbull lên đường đi thăm Trung Quốc “có khoảng 60 nhà lãnh đạo cộng đồng Hoa kiều ở Úc đã họp ở Sydney và khuyến cáo ông này không nên thảo luận vấn đề Biển Đông ở Bắc Kinh”.

Trong cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew đầu năm 2017, Trung Quốc đã giành được thiện cảm của 64% dân Úc, tăng từ mức 57% hai năm về trước. Cuộc thăm dò trong năm 2017 do Trường Đại học Massey và trang mạng tin tức Stuff của New Zealand tiến hành cho thấy, nếu phải chọn xây dựng quan hệ song phương gần gũi hơn với Hoa Kỳ, Anh hoặc Trung Quốc, thì đa số người nước này sẽ chọn Trung quốc.

Hiện nay, Úc đã bắt đầu thể hiện sự lo ngại ngày càng rõ rệt. Bên cạnh việc cơ quan tình báo tăng cường điều tra, chính quyền đã bắt đầu áp dụng quy trình thận trọng hơn để rà soát nguồn vốn đầu tư. Liên minh chính trị đang cầm quyền của Úc sẽ thông qua các điều luật cấm tài trợ từ nước ngoài cho các đảng chính trị và các nhóm hoạt động trong nước và buộc bất kỳ người nào làm đại diện cho quyền lợi của nước ngoài tại Úc đều phải đăng ký hoạt động, tương tự như đạo luật đăng ký người đại diện nước ngoài tại Hoa Kỳ.

New Zealand tỏ ra chậm chạp hơn trong việc đưa ra phản ứng rõ ràng. Thủ tướng Jacinda Arden được tường thuật đã từ chối bình luận về khả năng cơ quan tình báo quốc gia sẽ tiến hành điều tra ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở nước này.

Nguyễn Kim

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/uc-va-new-zealand-truoc-su-anh-huong-cua-trung-quoc-79420.html