Ức trai tâm thượng quang khuê tảo

Hôm 14-9-2019, nhằm ngày 16-8 sau Tết Trung thu là ngày giỗ cụ Thừa chỉ Nguyễn Trãi, quan Nhập nội hành khiển (tương đương Tể tướng) dưới thời vua Lê Thái Tổ. Ngày này năm Nhâm Tuất 1442, Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và gia quyến gặp nạn trong vụ án Lệ Chi Viên. Đây là lần đầu tiên tôi về làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội dự lễ giỗ cụ.

Đền thờ vốn là Từ đường họ Nguyễn rất đẹp, nhìn ra hồ bán nguyệt, cất theo kiểu chữ CÔNG, tiền tế năm gian, ống muống dài ba gian, rộng một gian hai chái, nối với hậu cung ba gian. Trong từ đường còn rất nhiều hoành phi câu đối cổ đã được sơn thếp lại, khắc chữ rất đẹp. Các bức hoành phi ngợi ca, gồm: "Khai quốc nguyên huân", "Bình Ngô khai quốc", "Quang khuê tảo", "Bình dị cận dân", "Nho thần thạc vọng"; "Ái cập miêu duệ"… với lạc khoản cho thấy đa số là hậu duệ của Nguyễn Trãi, những người đỗ đạt cung tiến.

Ở hậu cung có bức tranh lụa khổ lớn vẽ chân dung cụ Nguyễn Trãi, là hình ảnh quen thuộc trên sách báo, được thờ ở đây từ hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, năm ngoái con cháu họ Nguyễn đã đúc tượng đồng cụ mạ vàng, nên tranh thờ để sang gian bên. Phải nói là được cúi đầu lễ Cụ tại nơi này, tôi rất xúc động…

Bức hoành phi có 3 chữ “Quang khuê tảo”.

Bức hoành phi có 3 chữ “Quang khuê tảo”.

Lễ giỗ Cụ tổ chức đơn giản, không có tế. Đoàn nào đến thì thắp hương, dâng lễ. Ông trưởng tộc nói bỏ lệ tế từ sau 1954 đến nay, do đó các cụ không có ai mặc... áo quốc phục. Các cụ phát biểu ý kiến không kỵ húy (kiêng tên) Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi như ở nhiều gia tộc khác.

Cỗ cúng do con cháu tự làm, tự biện, không giống các họ khác là mua cỗ. Cỗ theo truyền thống nên có thêm hai món thịt chó.

Về chữ nghĩa có mấy điều đáng quan tâm. Thứ nhất, cổng đền đề "Nguyễn Quận Từ" khiến khi đến phải hỏi lại cho chắc tôi mới dám vào. Nguyễn Trãi tước Hầu, chữ Quận ở đây có nghĩa gì? Một người con cháu trong họ nói rằng đời sau phong tặng Nguyễn Trãi tước Quận công. Nếu như vậy thì "Nguyễn Quận Từ" được hiểu là đền thờ vị Quận công họ Nguyễn.

Thứ hai, đầu cổng làng có đề bốn chữ "Quan quốc chi quang". Nếu "khai quốc" thì dễ hiểu, nhưng "quan quốc" (chữ "quan" trong quan hệ, liên quan, đóng - trái với khai là mở)… Không hiểu thâm ý của các cụ làng Nhị Khê thế nào, xin các bác cao minh chỉ giúp.

Thứ ba, khi tôi đăng những hình ảnh đền thờ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, với bức hoành phi "Quang khuê tảo" lên Facebook thì có bạn nói là các cụ viết nhầm, phải viết chữ TẢO là buổi sớm mới đúng. Trong khi đó, chữ TẢO trong từ đường lại là rong biển. Do có sự nhầm lẫn này nên chúng ta xem lại hai chữ KHUÊ TẢO nghĩa là gì cũng thú vị.

Người Việt không mấy ai không biết câu "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo", lời Lê Thánh Tông viết về Nguyễn Trãi. Lâu nay, câu này thường được hiểu là: Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê.

Trước hết, chữ trên bức hoành phi này do một vị Tri phủ, viễn tôn của Nguyễn Trãi viết nên khó có thể sai. Và cách hiểu cho đúng câu này đã được GS Bùi Văn Nguyên giải quyết từ lâu.

Đây là một câu trong bài thơ thất ngôn bát cú "Quân minh thần lương" nghĩa là "Vua sáng tôi hiền" của vua Lê Thánh Tông. Nguyên văn âm Hán Việt như sau:

QUÂN MINH THẦN LƯƠNG

Cao Đế anh hùng cái thế danh,
Văn Hoàng trí dũng phủ doanh thành.
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo,
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh.
Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển,
Nhị Thân phụ tử bội ân vinh.
Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự,
Bát bách Cơ Chu lạc trị bình.

Dịch nghĩa:

VUA SÁNG TÔI HIỀN

Đức Cao Đế (Lê Lợi) là bậc anh hùng, danh trùm thiên hạ,
Đức Văn Hoàng (Thái Tông) trí dũng, giữ yên nghiệp lớn
Lòng Ức Trai (Nguyễn Trãi) rạng tỏa văn chương.
Bụng Vũ Mục (Lê Khôi) chứa đầy binh giáp.
Mười anh em họ Trịnh (Trịnh Khả) đều vẻ vang phú quý,
Hai cha con họ Thân (Thân Nhân Trung) nhiều ân sủng vinh hoa.
Cháu hiếu Hồng Đức (Thánh Tông) kế thừa nghiệp lớn,
Vui hưởng trị bình như nhà Chu dài tám trăm năm.

Trong đó, hai câu ba, bốn đề cập đến Nguyễn Trãi và Lê Khôi muốn lấy ý là hai vị văn võ đối nhau.

Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo,
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh.

Khuê là sao Khuê chủ về văn học và Tảo là rong biển đẹp đẽ, chỉ văn chương, vẻ đẹp lấp lánh… Ngày xưa, người ta thường thêu hình rong biển để trang trí trên áo mũ, nên mới có liên tưởng này. Như vậy, "khuê tảo" là từ ghép chỉ văn chương, chữ nghĩa, đối với "giáp binh" nghĩa là võ công, chiến trận. Hai chữ kế cũng đối ý. "Tâm thượng" có nghĩa là "trong tâm/trong lòng", đối với hai chữ "hung trung" ở câu sau cũng có nghĩa là "trong lòng/trong dạ". Chữ "thượng" (trên) cũng đối rất chỉnh với chữ "trung" (giữa/ trong) ở câu dưới. Ta vẫn có thể viết: "trên sách còn ghi" hay "trong sách còn ghi", chữ "thượng" ở đây không có nghĩa là cao thấp như "thượng đẳng", "thượng phẩm"…

Có người nói rằng, khuê tảo là văn chương của bậc đế vương. Như vậy, Lê Thánh Tông muốn nói đến việc Nguyễn Trãi đã soạn thảo nhiều văn kiện binh vận, ngoại giao trên danh nghĩa Lê Lợi chăng? Những tác phẩm này được tập hợp trong "Quân trung từ mệnh tập" và nhất là tác phẩm đặc sắc nhất, chính là "Bình Ngô đại cáo", áng thiên cổ hùng văn, nhân danh Lê Lợi bố cáo cho thiên hạ biết về chiến thắng chống giặc Minh, giải phóng dân tộc.

Tóm lại "Ức trai tâm thượng quang khuê tảo" là "Tâm hồn/tấm lòng Ức Trai tỏa sáng trong văn chương", chứ không phải "sáng như sao Khuê", hay "sáng như sao Khuê buổi sớm". Chỉ là trùng âm (chữ TẢO) nên nhiều năm qua, lời ca ngợi dành cho quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, một bậc khai quốc nguyên huân của nhà Hậu Lê vẫn bị hiểu nhầm.
Nguyễn Phan Khiêm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/uc-trai-tam-thuong-quang-khue-tao-563197/