'Ðục nước, béo cò'

Sau gần cả tuần mưa trút xuống tầm tã, nước từ đầu nguồn đổ về như thác lũ khiến khung cảnh thôn Năng tan hoang, xơ xác. Nhiều diện tích lúa, ngô, rau màu ngập nước; đàn lợn, gà, ngan, ngỗng bị nước cuốn trôi theo chuồng trại. Một số gia đình mất cả nhà cửa, tài sản. Ðồ ăn, thức uống vơi cạn, không ít hộ lâm vào cảnh thiếu đói, mòn mỏi trông chờ sự trợ giúp của chính quyền, đoàn thể và các tổ chức thiện nguyện.

Văn hóa và Đạo đức

"Lá lành đùm lá rách", bà con chòm xóm chung quanh cùng nhau đùm bọc, cưu mang, giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Rải rác từng đoàn cứu trợ, từ thiện trong tỉnh, rồi từ các địa phương lần lượt vượt chặng đường xa xôi tới tận nơi thăm hỏi, động viên, trao quà nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát của người dân. Thế nhưng, trong cơn hoạn nạn, đây đó vẫn xuất hiện những cá nhân lợi dụng hoàn cảnh để "đục nước, béo cò"!

Hôm ấy, sáng bảnh mắt, bà Mại lọ mọ trở dậy, mò mẫm trong bóng tối lờ mờ, quẩy đôi quang gánh mang theo hai thúng bí đao ra chợ đầu thôn để bán. Giống như bà, một vài chị nhặt nhạnh những mớ rau, củ khoai còn sót lại ngoài ruộng mang ra đây với hy vọng kiếm được ít tiền nhỏ nhoi để chi tiêu qua ngày. Ảnh hưởng của trận mưa bão vừa qua quả là nặng nề tai hại. Không ít vườn trái cây của các hộ dân bị mưa gió dập vùi rơi rụng đầy gốc. Những luống rau xanh mơn mởn chưa thu hái dập nát tơi tả. May mắn cho gia đình bà Mại hôm đó huy động cả nhà đội mưa kịp chạy ra ruộng cắt được lứa bí xanh hơi non mang về cất giấu. Do trời mưa to, nước tràn vào nhà cho nên mẻ bí xếp dưới gầm giường ngấm nước kém tươi.

Tới chợ, bà Mại đã thấy cánh con buôn từ ngoài thị xã hăm hở mò về thu gom rau dưa, gà vịt. Ðổi lại, họ mang đến các loại nhu yếu phẩm bán lại cho người dân. Nhóm tay buôn loanh quanh khắp lượt, săm soi gảy gót, chê bai từng món đồ của bà con mang đến. Ðống bí xanh của bà Mại bị người đàn bà phốp pháp, tóc búi tó, dùng mũi giày đá qua, đá lại, dài giọng nguýt nguẩy: "Bí gì mà non choèn choẹt, lại còn ủng nước thế này?". Bà Mại níu tay người phụ nữ năn nỉ: "Bác thông cảm, tại trời mưa, bí em hái hơi non chút thôi!". Cò kè hồi lâu, người phụ nữ ép giá bằng được xuống non nửa mới chịu mua số bí đao cho bà Mại. Cầm món tiền ít ỏi trên tay, bà Mại không khỏi buồn.

Ngó sang quầy gà vịt, bà ngán ngẩm hơn vì người đàn ông đi buôn cùng nhóm với người phụ nữ phốp pháp nọ gắt gỏng ghìm giá quá thấp khi nhấc cả lồng gà ướt nhẹp vì đói khát của một ông lão nom hốc hác khắc khổ, ngó nghiêng dè bỉu rồi trả giá rẻ mạt. Chủ nhân của chiếc lồng gà khản giọng nói, nhưng không lay chuyển được người đàn ông nọ. Tan buổi chợ, bà Mại thở dài bỏ ra số tiền lèo tèo kiếm được để mua dăm gói mì tôm, vài cân gạo, muối với giá đắt đỏ của chính những con buôn mang tới bán kiếm lời.

Ở vùng quê này, bấy lâu nay, cứ mỗi lần gặp thiên tai khắc nghiệt, những người dân trong thôn vốn nghèo khổ lại gặp không ít trắc trở từ chính cánh đi buôn ngoài thị xã. Biết người dân trong cơn bĩ cực, họ vẫn tìm mọi cách "bắt bí" để mua rẻ nông sản, gia cầm, cố tình "ăn chặn" từng đồng tiền nhỏ nhoi của người dân. Vào lúc ngặt nghèo khốn khó sau thiên tai, trong khi phần lớn người dân thiếu thốn "chạy ăn từng bữa" thì không hiểu sao vẫn có một bộ phận con buôn lại có thể nhẫn tâm đến như vậy, kiếm tìm lợi nhuận trên nỗi khổ của mọi người, liệu có nên chăng?

MAI THANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/41255702-%C3%B0uc-nuoc-beo-co.html