UBTVQH xem xét, cho ý kiến một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về một số nội dung, chương trình của kỳ họp thứ 10 của Quốc hội (khai mạc ngày 20/10 tới), trong đó có công tác nhân sự.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội một số nội dung: Việc bãi nhiệm tư cách đại biểu đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Điều 40 của Luật Tổ chức Quốc hội; Trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự một số thành viên Chính phủ: Phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh; miễn nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng; bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Huỳnh Thành Đạt; bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long; việc trình Quốc hội xem xét, quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2025…

Cũng tại phiên họp, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, UBTVQH đã xem xét việc tăng số lượng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, việc quy định cấp bậc quân hàm cấp tướng tại Bệnh viện 108.

Toàn cảnh phiên họp

Trước đó, UBTVQH đã cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết về đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 30), dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.

Theo phương án 1, phân loại dự án theo Luật Đầu tư công để xác định đối tượng dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C). Các dự án đầu tư công dù quy mô nhỏ và không có cấu phần xây dựng cũng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Theo phương án 2, dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường, quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện. Như vậy, đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường thu hẹp hơn so với Luật Đầu tư công. Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một phần trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất dự án đầu tư.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết đa số ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện theo phương án 2 và Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí với phương án này.

Tán thành với phương án 1, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng không chỉ các dự án nhóm I, nhiều trường hợp các dự án nhóm II, nhóm III cũng có yếu tố tác động xấu đến môi trường nên cần đánh giá toàn diện. “Có dự án quy mô nhỏ nhưng liên quan đến rừng, nước thải, khí thải, xói mòn đất… cũng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Vì thế, việc đánh giá nên thực hiện theo Luật Đầu tư công”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải chỉ rõ.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ thông qua đánh giá sơ bộ sẽ loại được các công trình, dự án có ảnh hưởng đến môi trường, ngay từ khâu nghiên cứu tiền khả thi. Do đó, nên đánh giá sơ bộ tác động môi trường tất cả các dự án đầu tư công như Luật Đầu tư công quy định.

Kết luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các Ủy viên UBTVQH đối với Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Còn những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật như việc đánh giá tác động môi trường của các dự án cũng như việc cấp giấy phép môi trường, thẩm định môi trường thì cơ quan soạn thảo và thẩm tra có thể trình cả 2 phương án lên Quốc hội thảo luận, xem xét. Ngoài ra, vấn đề kiểm toán hoạt động môi trường thì bắt buộc phải kiểm toán đối với các dự án công, tài sản công một cách chặt chẽ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tiếp thu ý kiến của các Ủy viên UBTVQH để thoàn tiện dự án Luật trước khi trình lên Quốc hội đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 10 tới.

H. Phong

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ubtvqh-xem-xet-cho-y-kien-mot-so-noi-dung-trinh-quoc-hoi-tai-ky-hop-thu-10-n181452.html