UBTVQH tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Sáng 16/8, tiếp theo chương trình Phiên họp thứ 13, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. * Xem trực tiếp phiên chất vấn.

* 8.00': Phát biểu khai mạc phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, căn cứ thực tiễn UBTVQH đã lựa chọn vấn đề công tác xây dựng, kiến trúc, giao thông đô thị... để lựa chọn chất vấn.

Để đảm bảo chất lượng phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội căn cứ vào nội dung phiên họp để chất vấn ngắn gọn, vào thẳng vấn đề, không hỏi để biết, làm rõ những nội dung liên quan. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên Chính phủ trả lời thẳng câu hỏi, không né tránh, nêu rõ giải pháp, lộ trình khắc phục giúp cho đồng bào, cử tri theo dõi, giám sát...

* Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các đại biểu tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Các đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội); Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn các vấn đề: Giải pháp xử lý nước thải, rác thải; bố trí nơi vui chơi giải trí; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; trách nhiệm của Bộ trong quản lý đô thị; trách nhiệm và cam kết của Bộ trưởng trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm đất công; nâng cao chất lượng sống tại các khu dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thiện thể chế về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; giải pháp ngăn chặn lãng phí trong đầu tư, xây dựng...

Về vấn đề quản lý quy hoạch đô thị, Bộ trưởng cho biết, quy hoạch xây dựng chung cũng như quy hoạch đô thị là quy hoạch tổng thể với những quy chuẩn, tiêu chuẩn chặt chẽ để bảo đảm cuộc sống cho con người trong cả hiện tại và tương lai. Quy hoạch đô thị vừa qua được quan tâm cả về xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên trong quy hoạch đô thị còn có những hạn chế, mà nổi bật là: Chất lượng lập quy hoạch (tầm nhìn chưa đảm bảo, chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi chưa tốt...); sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch (VD, quy hoạch hạ tầng khớp nối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết...); quy hoạch chưa tính tới nguồn lực, tiến độ thực hiện... dẫn tới tình trạng quy hoạch treo...Về tổ chức thực hiện quy hoạch, thường thực hiện chậm hoặc thực hiện không đồng bộ, chắp vá...

Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chưa tốt chức trách của mình; chưa công khai, minh bạch thông tin quy hoạch... Việc giám sát của cộng đồng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế... dẫn tới những hệ lụy cụ thể về phát triển đô thị như: Ùn tắc giao thông, xử dụng đất không hiệu quả, vi phạm cấp phép xây dựng, lấn chiếm đất đai...

Vấn đề đặt ra là có trục lợi hay không trong trục lợi quy hoạch, Bộ trưởng cho rằng về tổng thể chúng ta thực hiện tốt, nhưng trong một số trường hợp cụ thể có dấu hiệu của trục lợi.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong xây dựng thể chế, tính toán các tiêu chí phát triển trong xây dựng quy hoạch; thủ tục trình tự quy hoạch còn phức tạp, còn nặng về mục tiêu quản lý, thiếu tính khả thi...

Tới đây Bộ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định, thể chế về quy hoạch đảm bảo nâng cao chất lượng, chống lãng phí trong quy hoạch. Cụ thể, Bộ sẽ rà soát lại các phương pháp tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan để sửa đổi, loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết, trùng lặp, mâu thuẫn,... thí dụ trong cấp phép xây dựng, thẩm định dự án... Đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương trong tổ chức, theo dõi thực hiện quy hoạch đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, ngăn chặn lợi ích nhóm trục lợi quy hoạch; tăng cường sự giám sát của nhân dân trong xây dựng, thực hiện quy hoạch....

Về tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng thừa nhận đây là thực tế có thật. Dù thời gian qua đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Do vậy, cần tăng cường quản lý nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM...

Nguyên nhân là do việc cấp phép còn hạn chế, chủ đầu tư cố tình vi phạm giấy phép, cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra không kịp thời, xử lý vi phạm không dứt điểm...

Bộ trưởng thừa nhận trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng nêu các giải pháp về việc hoàn thiện các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng thanh tra xây dựng; hoàn thiện chế tài xử lý, đủ khả năng răn đe; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về xây dựng...

Về cam kết 'khi nào chấm dứt' tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng nói thật rằng đây là vấn đề khó, cần có sự phối hợp rất đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp các ngành, giữa trung ương với địa phương, Bộ sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nhất là tại một số công trình, dự án quy mô sử dụng đất lớn...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng trả lời về việc kiểm tra cụ thể, khắc phục những bất cập trong quy hoạch các khu dân cư vượt lũ tại đồng bằng sông Cửu Long; rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ tiêu, định mức trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị... cho phù hợp với thực tế, tránh lãng phí, thất thoát.

Về tình trạng lấn chiếm đất đai trong đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết có tình trạng sử dụng đất trong đô thị chưa hiệu quả, đặc biệt là tình trạng nôn nóng, mở rộng diện tích đô thị, dẫn tới tình trạng phân tán, sử dụng đất chưa hiệu quả dẫn tới tình trạng lấn chiếm... thời gian tới cần đổi mới cơ chế quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị.

Chia sẻ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh trách nhiệm quản lý đất đai của các tổ chức, cá nhân được giao quyền sử dụng đất đô thị. Cụ thể là, đất công ở đô thị đã giao cho xã, phường quản lý, song cơ sở quản lý chưa đúng quy định của pháp luật, cũng như chưa tập trung quản lý được đất phát sinh từ các bãi bồi ven sông,...

Đại biểu Kim Thúy tranh luận thêm với Bộ trưởng Xây dựng về vấn đề thu hồi đất công khi mở rộng đường để ngăn chặn tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo; giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng đô thị...

* Các đại biểu Phan Thanh Bình (Quảng Nam); Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre); Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) đặt câu hỏi về: Giải pháp phối hợp đồng bộ trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị tránh lãng phí khi đường vừa làm xong đã bị đào lên làm cống ngầm, hệ thống nước sạch, dẫn điện...; quy hoạch khu dân cư vùng bị thiên tai; giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn (cấp phép xây nhà cao tầng ở đầu ô); giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội;...

Về hướng dẫn xây dựng hệ thống hạ tầng, đảm bảo đồng bộ ở các đô thị, Bộ trưởng cho biết Bộ Xây dựng đã có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này. Ví dụ, khi làm đường phải làm hào kỹ thuật (điện, nước,...) hoặc quy định về khi thu hồi đất mở rộng đường phải thu hồi đất ven để đảm bảo chất lượng xây dựng.

Song trong quá trình tổ chức thực hiện còn khó, trước hết là khó về vốn đầu tư. Bên cạnh đó, còn tồn tại tình trạng quy hoạch của một số ngành chưa khớp nhau, ví dụ quy hoạch xây dựng chưa khớp với chiếu sáng,...; về chủ quan một số cơ quan quản lý chưa nghiêm túc, thực hiện chặt chẽ...

Về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ được Chính phủ giao xây dựng quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ đang nghiên cứu để báo cáo Chính phủ vào cuối năm nay. Bộ đang rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch các điểm dân cư; nghiên cứu các giải pháp về kỹ thuật xây dựng công trình để thích ứng với các tình trạng thời tiết cực đoan như: Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở miền Núi...

Về ùn tắc giao thông đô thị, Bộ trưởng thừa nhận nguyên nhân cấp phép xây dựng các khu đô thị, các chung cư cao tầng chưa hợp lý dẫn tới quá tải hạ tầng. Mặc dù các văn bản pháp luật về quy hoạch xây dựng đã quy định cụ thể, kỹ lưỡng (về mật độ, hệ số, chỉ giới sử dụng đất, chỉ tiêu xây dựng, cảnh quan, kiến trúc...) song chưa được thực hiện nghiêm trong xây dựng quy hoạch hoặc triển khai thiếu đồng bộ quy hoạch... Trước mắt, các địa phương phải tuân thủ nghiêm quy hoạch chi tiết trong phê duyệt đầu tư các dự án, có kế hoạch thực hiện đồng bộ hạ tầng khi xây dựng các khu dân cư...

Về phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho biết, hiện nay nguồn cung rất thiếu so với cầu. Vậy tại sao thấp? Bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều vì lợi nhuận thấp (luật quy định lợi nhuận dưới 10%) dù chúng ta đã có cơ chế khuyến khích; quỹ đất bố trí cho xây dựng nhà ở xã hội còn hạn chế; thiếu nguồn lực để xây dựng nhà ở xã hội; cơ chế cũng chưa phải là tốt... Bộ trưởng cho rằng, hướng tới phải thay đổi căn bản về tư duy, phương thức về phát triển nhà ở xã hội.

* Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ); Nguyễn Thanh Hồng (Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội); Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình); Thạch Phước Bình (Trà Vinh); Ngô Thị Minh (Ủy ban Giáo dục, Văn hóa, Thiếu niên và Nhi đồng) chất vấn về: Giải pháp chấn chỉnh tình trạng phát triển các khu đô thị mới không đúng quy định của pháp luật; quy hoạch phát triển hệ thống đô thị đồng bộ với quá trình xây dựng nông thôn mới; trách nhiệm của Bộ trưởng Xây dựng trong việc thực hiện chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp, y tế, trường học ra khỏi nội đô, cấp phép xây dựng chung cư cao tầng ở những địa điểm hạ tầng không đảm bảo gây ách tắc giao thông; xử lý các công trình xây dựng trái phép (VD, nhà 8B Lê Trực, Hà Nội); trách nhiệm của Bộ trong phối hợp với các bộ, địa phương trong xây dựng các khu đô thị mới; giải pháp kiến trúc trong ngăn chặn hỏa hoạn đô thị; trách nhiệm, giải pháp xử lý các chung cư cũ, xuống cấp; hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị; giải pháp xử lý chất thải các nhà máy nhiệt điện; giải pháp khắc phục bất cập trong quy trình phê duyệt các quy hoạch để bảo đảm đồng bộ, trách chồng chéo...

* Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được tổ chức dưới hình thức họp trực tuyến, và được truyền hình, phát thanh trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước theo dõi.

Theo chương trình, đầu giờ sáng, sau khi Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu dự họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về nhóm vấn đề:

Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị.

Trong quá trình Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư cùng tham gia trả lời chất vấn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan (nếu có).

Cuối giờ sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận nội dung chất vấn và kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đến nay cả nước đã có 16 đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh (vùng kinh tế xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn và vùng đặc thù) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt (tương đương 805 đồ án).

Quy hoạch phân khu khu vực đô thị đạt trung bình khoảng 75%; Quy hoạch chi tiết đạt trung bình khoảng 35%; tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99% (8926 xã).

Tính đến hết tháng 5/2017, dân số đô thị toàn quốc đạt khoảng 33 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 37,0%. (so với 23,7% năm 1999) ; mật độ dân số đô thị trung bình là 1.888 người/km2.

Tổng số đô thị cả nước là 805 đô thị, tăng thêm 8 đô thị loại V so với cuối năm 2016. Trong đó, có 2 đô thị loại đặc biệt, 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 44 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 633 đô thị loại V.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/truc-tiep-ubtvqh-tien-hanh-chat-van-bo-truong-bo-xay-dung/314013.vgp