UBTVQH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, sáng 12/9, UBTVQH đã nghe báo cáo và cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tại Phiên họp lần thứ 26 của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã báo cáo dự thảo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), sau khi tiếp thu ý kiến của UBTVQH và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, trao đổi thống nhất với Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban đã xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH.

Cụ thể, về mô hình hệ thống cơ sở GDĐH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ ràng, mạch lạc mô hình, hệ thống cơ sở GDĐH; phân biệt và giải thích rõ các khái niệm đại học, trường đại học, học viện; làm rõ địa vị pháp lý của các loại hình trường.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã quy định rõ khái niệm, tên gọi các cơ sở GDĐH, bổ sung việc giải thích một số thuật ngữ; phân biệt rõ loại hình cơ sở GDĐH theo sở hữu và theo chức năng, trên cơ sở đó quy định chính sách phù hợp với từng loại hình trường.

Về khái niệm học viện, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh, đây chỉ là tên gọi của một số cơ sở GDĐH đã được hình thành và tồn tại trong thực tiễn. Về bản chất, không có sự khác biệt giữa học viện và trường đại học từ mô hình, cơ cấu tổ chức cho tới chức năng, sứ mệnh và do vậy, các cơ sở này vẫn áp dụng chung một định chế, khuôn khổ pháp lý giống như trường đại học. Việc đổi tên để thống nhất tên gọi là trường đại học đối với các cơ sở GDĐH này thực sự không cần thiết vì có thể gây xáo trộn về tâm lý, phát sinh những chi phí xã hội không đáng có mà không làm thay đổi bản chất. Ở các quốc gia trên thế giới, tên gọi của cơ sở GDĐH cũng rất phong phú, không có sự thống nhất hay đồng nhất. Vì vậy, dự thảo Luật quy định học viện chỉ là tên gọi và được chế định chung với trường đại học.

Về mô hình hệ thống cơ sở GDĐH, tiếp thu ý kiến đại biểu, trên cơ sở thực tiễn của hệ thống cơ sở GDĐH Việt Nam hiện nay, để bảo đảm tính ổn định, kế thừa các quy định của Luật hiện hành cũng như tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc mở rộng và phát triển của các nhà trường tiệm cận với xu hướng chung của thế giới, tạo điều kiện quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, Thường trực Ủy ban và Ban soạn thảo đã thống nhất quy định tại Dự thảo hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có trường đại học và đại học.

Về tự chủ Đại học, theo ông Phan Thanh Bình, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ nội dung, mức độ, lộ trình, điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ trên tất cả các mặt về học thuật, tài chính, tổ chức và nhân sự gắn với trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị đại học phù hợp với điều kiện, năng lực của từng cơ sở GDĐH; tăng cường kiểm định và công khai chất lượng đào tạo; sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để tạo thống nhất, đồng bộ trong triển khai tự chủ đại học một cách thực chất.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ là quyền được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản và các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở GDĐH. Đồng thời, chỉnh sửa nội dung Điều 32 về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH theo hướng nêu rõ các điều kiện để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản cũng như chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ.

Đề cập đến nội dung về tài chính và tài sản, ông Phan Thanh Bình cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc đầu tư cho GDĐH; đổi mới phương thức đầu tư, đa dạng hóa nguồn thu; công khai, minh bạch về chi phí đào tạo, mức thu học phí và chính sách hỗ trợ cho người học; bảo đảm bình đẳng giữa khu vực công lập và tư thục; rà soát quy định về tài chính, tài sản và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản đồng bộ với pháp luật liên quan; thận trọng việc luật hóa cơ chế trường công lập tự chủ tài chính…

Tiếp thu ý kiến đại biểu, hoạt động đầu tư cho GDĐH được chỉnh lý, bổ sung theo hướng xác nhận trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư phát triển GDĐH; quy định phương thức phân bổ ngân sách thông qua các hình thức: chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu, đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả.

Về học phí và các khoản thu dịch vụ khác, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng học phí là khoản thu mà người học phải nộp cho cơ sở GDĐH để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo. Mức thu học phí được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí căn cứ theo chi phí đơn vị do cơ sở GDĐH công khai.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Về phát triển hệ thống đại học tư thục, ông Phan Thanh Bình cho hay, một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ chính sách xã hội hóa GDĐH để phát triển các trường tư thục; không đồng nhất giữa nhà trường với doanh nghiệp; không thương mại hóa giáo dục; làm rõ khái niệm cơ sở GDĐH tư thục không vì lợi nhuận và chính sách ưu tiên cho mô hình này. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ các khái niệm về trường tư thục, trường tư thục không vì lợi nhuận.

Nhằm tạo hành lang pháp lý cho phát triển các trường tư thục không vì lợi nhuận, dự thảo Luật quy định cơ sở GDĐH tư thục không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết: không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường. Nhà nước có chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Dự thảo Luật cũng hướng đến việc quy định rõ mô hình và cơ chế tài chính của cơ sở GDĐH tư thục vận dụng theo mô hình doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của GDĐH và không thương mại hóa.

Đề cập đến nội dung về quản lý nhà nước về GDĐH, theo ông Phan Thanh Bình, một số ý kiến đề nghị định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong điều kiện thực hiện tự chủ của trường đại học, tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản trị của cơ sở GDĐH; xem xét xóa bỏ cơ chế chủ quản đối với trường đại học; tái cấu trúc mạng lưới theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Quy định rõ về xếp hạng đại học; có cơ chế chuyển đổi mục đích hoạt động của các loại hình trường.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để tăng cường trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư phát triển GDĐH, Dự thảo Luật đã được điều chỉnh theo hướng đổi mới phương thức đầu tư, phân bổ ngân sách nhà nước cho GDĐH thông qua các hình thức đấu thầu, đặt hàng, tín dụng sinh viên; ưu tiên đầu tư ngân sách để phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực và quốc tế cũng như có cơ chế phù hợp để phát triển một số ngành, vùng đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Những nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH nêu trên cũng là những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau và đã được các thành viên UBTVQH tập trung đóng góp ý kiến trong thảo luận tại phiên họp.

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là dự án Luật được dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây, thời gian tới kỳ họp còn rất ngắn. Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp cũng như các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý để dự án Luật đạt yêu cầu chất lượng tốt nhất khi trình ra Quốc hội./.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/ubtvqh-thao-luan-ve-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-giao-duc-dai-hoc/346494.vgp