UBTVQH nhất trí bổ sung việc sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Qua thảo luận tại phiên họp, UBTVQH nhất trí bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trong chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi 18 Điều, bổ sung 03 Điều.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Quốc phòng – An ninh (UBQPAN) tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục hạn chế, bất cập trong thời gian qua.

Về bổ sung trường hợp được miễn thị thực, Thường trực UBQPAN cho rằng, nước ta có rất nhiều khu kinh tế ven biển trong đất liền, có diện tích rộng, trải dài theo chiều dọc của đất nước, cách xa sân bay và nhiều nơi có vị trí địa chính trị, địa quốc phòng an ninh, nếu tất cả đều miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về quốc phòng, an ninh, khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý hoạt động người nước ngoài.

UBTVQH cho ý kiến về Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (ảnh QH)

UBTVQH cho ý kiến về Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (ảnh QH)

Còn đối với các khu kinh tế cửa khẩu, do có vị trí giáp biên giới, gần cửa khẩu nên sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào khu vực này. Vì vậy, việc bổ sung quy định miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào các khu kinh tế ven biển kèm theo các điều kiện chặt chẽ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể là bảo đảm sự linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Do đó, Thường trực UBQPAN tán thành với dự thảo Luật về việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực có điều kiện đối với các khu kinh tế ven biển và giao Chính phủ quyết định.

Về bổ sung quy định đơn phương miễn thị thực, một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật về việc bổ sung điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân của một nước là: Có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam”, vì cho rằng với quy định này sẽ thắt chặt điều kiện đơn phương miễn thị thực, tiến tới thu hẹp dần và có thể dừng áp dụng đơn phương miễn thị thực để bảo đảm sự chủ động trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Thường trực UBQPAN thấy rằng, hiện nay Việt Nam đang đơn phương miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia và có 6 quốc gia đơn phương miễn thị thực có điều kiện cho công dân Việt Nam. Với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thì không nên thu hẹp diện các được đơn phương miễn thị thực, mà ngược lại cần thiết phải mở rộng diện các nước được đơn phương miễn thị thực.

Mở rộng diện các nước được miễn thị thực cũng là một trong những nội dung đã được Chính phủ quan tâm, đã giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ có liên quan nghiên cứu, đề xuất tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày. Hơn nữa, khi Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh thì công dân Việt Nam cũng sẽ được các nước tạo điều kiện thuận lợi hơn khi họ xuất cảnh ra nước ngoài.

Do đó, Thường trực Ủy ban QPAN đề nghị không bổ sung điều kiện bắt buộc nước khác phải có chính sách tạo điều kiện hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam trước, mà đề nghị giữ nguyên quy định về đơn phương miễn thị thực.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam./.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ubtvqh-nhat-tri-bo-sung-viec-sua-doi-luat-nhap-canh-xuat-canh-qua-canh-cu-tru-cua-nguoi-nuoc-ngoai-tai-viet-nam-163376.html