UBTV Quốc hội nhất trí chi phí quản lý BHXH bằng 2,0% dự toán

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 15/5, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2016- 2018 và đề xuất chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2019- 2021.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Phiên họp

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung báo cáo của Chính phủ về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHTN) giai đoạn 2016- 2018 và đề xuất chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2019- 2021. Theo đó mức chi phí quản lý BHXH, BHTN bình quân giai đoạn 2019- 2021 bằng 2,0% tính trên dự toán thu, chi BHXH, BHTN. Cơ chế tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an, người lao động thực hiện chính sách BHTN của ngành Lao động- thương binh và xã hội bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ mức chi phí quản lý BHXH, BHTN bình quân giai đoạn 2019- 2021 bằng 2,0% tính trên dự toán thu, chi; nhất trí với chế độ tiền lương cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an, người lao động thực hiện chính sách BHTN của ngành Lao động- thương binh và xã hội bằng 1,8 lần so với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định. Trường hợp Nhà nước ban hành chế độ tiền lương mới theo lộ trình cải cách tiền lương thì thực hiện theo chế độ tiền lương mới. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục coi trọng công tác tuyên truyền việc thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT gắn với việc sắp xếp, bố trí cán bộ và giảm biên chế trong hệ thống; nâng cao và bảo đảm chất lượng hiện đại hóa công tác quản lý BHYT để giảm các chi phí khác.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

* Trước đó, sáng 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Thảo luận về nội dung này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với dự thảo báo cáo, tổng hợp ý kiến cử tri khá toàn diện, đầy đủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao cách làm mới trong việc cho ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thay vì chỉ đọc tại Phiên khai mạc Kỳ họp như trước đây. Chủ tịch Quốc hội nêu mong muốn của cử tri về việc đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri. Nhân dân phản ánh có nơi tiếp xúc cử tri nhưng chỉ mời cán bộ, thậm chí có nơi toàn mời cử tri là cán bộ hưu trí. Từ thực tế tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Cần Thơ đã có thay đổi rất lớn trong hoạt động này. Các buổi tiếp xúc cử tri tại đây có rất nhiều thành phần nhân dân tham dự. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, khi tiến hành các cuộc tiếp xúc cử tri, thành phần cử tri được mời phải là nhân dân, tránh tình trạng một buổi tiếp xúc cử tri thì phần lớn thời gian do cán bộ nói, nhân dân không còn nhiều thời gian để trình bày ý kiến, kiến nghị.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đầy đủ, toàn diện hơn, nhất là trong việc đánh giá về công tác giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, báo cáo cần phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 này là gì, phải gắn với nội dung chương trình mà Kỳ họp này sẽ giải quyết. Trong báo cáo có 6 nhóm vấn đề nhưng vẫn chưa thể hiện được một cách toàn diện. Bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là lao động việc làm, sinh viên thất nghiệp… đang bức xúc ở nhiều nơi, cử tri phản ánh nhưng chưa thấy đề cập trong báo cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, cần xem xét bổ sung các nội dung này.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với 6 nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đã được tổng hợp trong báo cáo. Đây là những vấn đề lớn nổi lên trong đời sống xã hội thời gian qua, được nhân dân và cử tri quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị MTTQ tiếp tục rà soát, để đánh giá kỹ thêm các nội dung để bảo đảm việc tổng hợp được bao quát, đầy đủ, đặc biệt là đối với những vấn đề mang tính thời sự, bức thiết đang nổi lên như vấn đề tinh giản bộ máy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tham nhũng, chính sách đối với người nghèo, đồng bào thiểu số, phòng chống biến đổi khí hậu…

PV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thoi-su/trong-nuoc/ubtv-quoc-hoi-nhat-tri-chi-phi-quan-ly-bhxh-bang-2-0-du-toan-36826