UBTƯ MTTQ Việt Nam kiểm tra, giám sát bầu cử tại Yên Bái

Đến nay Yên Bái đã có được danh sách chính thức mặc dù chưa tiến hành hiệp thương lần 3, và đã tiếp nhận đủ 8.661 hồ sơ ứng viên.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực và đoàn công tác thực hiện kiểm tra, giám sát tại Yên Bái.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực và đoàn công tác thực hiện kiểm tra, giám sát tại Yên Bái.

Nông thôn Yên Bái khá lên từ nông, lâm sản nhờ bàn tay cán bộ, đảng viên

Yên Bái đã có những đổi thay ấn tượng khi thu nhập bình quân đầu người tăng từ 27 triệu đồng lên 40 triệu đồng/năm (tăng 47% so với 5 năm trước), và đang quyết tâm vươn lên là tỉnh khá trong khu vực miền núi phía Bắc trong những năm tới.

Chỉ số hạnh phúc lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh này được Bộ Chính trị đồng ý vừa qua đã gây sự chú ý lớn trong dư luận. Từ chỗ chỉ có thể đăng ký xây dựng nông thôn mới cho một vài xã, và thậm chí chỉ là "bản nông thôn mới", nay Yên Bái đã có gần 70 xã đạt chuẩn và Trấn Yên đã trở thành huyện miền núi phía Bắc đầu tiên cán đích 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ một địa phương gần như không có vùng sản xuất hàng hóa nào thì nay đã hình thành và phát triển được vùng quế trên 70.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 4.000 ha, vùng chè 8.000 ha, vùng cây ăn quả gần 7.800 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 22.300 ha...

Yên Bái đã tạo nên kỳ tích xây dựng nông thôn mới, nằm trong nhóm 7/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đạt và vượt mục tiêu phấn đấu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao (Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên).

Đến thăm và kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử Quốc hội và HĐND sáng qua (20/3) tại xã Việt Thành (huyện Trấn Yên), các thành viên đoàn công tác do ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dẫn đầu, đã ngạc nhiên và phấn khởi khi chứng kiến những đổi thay khác biệt về đời sống, văn hóa, thu nhập sản xuất của người dân.

Trước khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, Việt Thành cũng như nhiều địa phương khác có rất nhiều khó khăn điển hình của xã miền núi. Nay xã đã có những vùng kinh tế quế (600 ha, nguồn kinh tế chủ lực), dâu tằm (200 ha), chăn nuôi gà tập trung (hàng chục vạn con)..., tất cả sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, chị Lê Thị Lụa, cho biết hiện thu nhập bình quân đầu người ở đây đã đạt 50 triệu đồng/năm, và cả xã có 870 hộ thì chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo. “Tất cả đến từ cố gắng, năng lực của cán bộ, đảng viên trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tận tay xốc vác cùng làm với người dân nhằm thay đổi cuộc sống”, chị Lụa nói.

Đồng chí nữ Bí thư kiêm Chủ tịch xã còn vui vẻ mời đoàn công tác đến thăm, thưởng thức hương vị quả chuối đặc sản được ướp khô. Loại chuối có tiếng "dâng Mẫu" ngon đặc biệt.

"Cán bộ nêu gương và mạnh dạn đi đầu mọi việc, tập trung vào nội dung thiết thực tác động rõ nét đến dời sống nhân dân. Chính vì vậy chuẩn bị cho ngày hội bầu cử tới đây, không chỉ Trấn Yên mà tất cả các huyện, thị toàn tỉnh đều rất nỗ lực từ rất sớm. Đã bắt đầu vào cuộc từ tháng 7/2020, đến nay huyện đã hoàn thành hiệp thương lần 2 đạt kết quả tốt mà không gặp vướng mắc, phát sinh, khiếu nại nào liên quan đến công tác bầu cử", lãnh đạo huyện Trấn Yên khẳng định với đoàn công tác UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Không có đơn vị nào phải bỏ phiếu kín

Từ tháng 7/2020 đến nay, Yên Bái đã tổ chức hơn 200 hội nghị quán triệt các văn bản của Trung ương và của tỉnh liên quan cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp.

Có thể thấy hàng loạt công việc phải triển khai rất khẩn trương tại một địa phương đang phát triển ở miền núi Tây Bắc có dân số hơn 800.000 người (thiểu số chiếm hơn 57%), 80 xã đặc biệt khó khăn và có 2 huyện thuộc diện 30A.

Yên Bái là 1 trong 5 tỉnh hoàn thành Đại hội Đảng cấp cơ sở Đại hội Đảng bộ tỉnh sớm nhất cả nước. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, Ban thường vụ Tỉnh ủy ngay từ giữa năm ngoái đã liên tục ban hành nhiều văn bản, nghị quyết liên quan đến bầu cử.

Lấy ý kiến cử tri, đánh giá, rà soát, đào tạo, lựa chọn ứng viên đã được Yên Bái tiến hành rất sớm, trong đó chú ý đặc biệt đến cơ cấu cán bộ nữ và dân tộc thiểu số. Mọi ứng viên đều được nhìn nhận lựa chọn từ xa, từ lâu qua năng lực làm việc, lối sống, đạo đức, thực sự gần dân, vì dân hay không...

Đến nay Yên Bái đã có được danh sách chính thức mặc dù chưa tiến hành hiệp thương lần 3, và đã tiếp nhận đủ 8.661 hồ sơ ứng viên. Tất cả các đơn vị trong tỉnh không gặp nổi cộm, phát sinh, khiếu nại nào, và đặc biệt là không phải bỏ phiếu kín để lựa chọn ứng viên với sự đồng thuật gần như tuyệt đối.

Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, kiểm tra kỹ lưỡng, kịp thời điều chỉnh, điều động nhân sự nghiêm túc, đúng tiến độ, và nhất là tổ chức thông tin tuyên truyền đến từng thôn bản, ngõ phố được coi là rất quan trọng để sớm nắm bắt ý kiến và có được đồng thuận của cử tri.

Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát Ngô Sách Thực đánh giá rất cao công tác chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử của tỉnh Yên Bái. Mặc dù ở tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng Yên Bái đã sớm vào cuộc chuẩn bị cho ngày hội bầu cử của toàn dân để bầu ra 6 đại biểu Quốc hội, 56 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 298 đại biểu HĐND cấp huyện, và 3.649 đại biểu HĐND cấp xã.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng lưu ý Yên Bái cần tiếp tục rà soát kỹ hồ sơ, không chủ quan các bước, tiếp tục nắm bắt nhanh nhạy ý kiến nhân dân và cử tri, quan tâm giải quyết những vấn đề cử tri nêu, tiếp tục phát huy thành công của các bước vừa qua, kịp thời điều chỉnh sớm mọi vấn đề liên quan để tỉnh Yên Bái cùng cả nước tạo nên thành công lớn cho ngày bầu cử.

Tùng Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ubtu-mttq-viet-nam-kiem-tra-giam-sat-bau-cu-tai-yen-bai-556813.html