UBS: Nhiều nền kinh tế bị 'đốn hạ' bởi Covid-19, Việt Nam là điểm sáng của châu Á

Chuyên gia kinh tế Edward Teather thuộc ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) nhận định rằng Việt Nam là một trong những điểm sáng hiếm hoi ở châu Á về triển vọng kinh tế dù phải chịu tổn thương do đại dịch Covid-19.

 Chuyên gia kinh tế của ngân hàng UBS đánh giá Việt Nam là điểm sáng kinh tế trong khu vực.

Chuyên gia kinh tế của ngân hàng UBS đánh giá Việt Nam là điểm sáng kinh tế trong khu vực.

“Doanh số bán lẻ, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam đều tăng mạnh trong tháng 6, tốt hơn so với hầu hết các nền kinh tế trong khu vực”, ông Teather, chuyên gia nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á, phát biểu trong chương trình “Squawk Box Asia” của CNBC ngày 7/7.

Trong quý II/2020, dịch bệnh hầu như “đốn hạ” hầu hết các nền kinh tế lớn toàn cầu thì GDP của Việt Nam vẫn tăng nhẹ ở mức 0,36%.

Theo ông Teather, Việt Nam được đánh giá đã thành công trong việc ngăn chặn Covid-19 dù có chung biên giới với Trung Quốc. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái "bình thường mới".

Cũng theo vị chuyên gia này, Việt Nam đang tăng trưởng và có vị thế tốt để tiếp tục nắm thêm thị phần toàn cầu trong lĩnh vực xuất khẩu.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu của UBS đánh giá Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các công ty muốn dịch chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang dẫn đến việc tăng thuế nhiều mặt hàng.

“Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), được phê chuẩn vào tháng trước, có thể thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam”, ông Teather nhận định.

Bloomberg dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2.8% trong năm nay, trong khi các nước trong khu vực đều tăng trưởng âm.

Ông dự đoán FDI vào Việt Nam ban đầu có thể bị cản trở vì các lệnh hạn chế đi lại nhưng sẽ được khơi thông vào năm 2021 khi lệnh cấm nhập cảnh được nới lỏng.

Ngoài ra, ông Teather cho rằng sự hỗ trợ của chính phủ cũng sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế.

“Tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi thực hiện thêm nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước Việt nam cũng cho biết muốn nâng tăng trưởng tín dụng hơn 10%”, ông Teather cho biết.

Theo vị chuyên gia của UBS, chính phủ Việt Nam đang có đà để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa.

Theo dự báo mới đây của Bloomberg, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm nay. Trong khi đó, con số của các nền kinh tế Đông Nam Á khác đều rất ảm đạm. Dự báo GDP Thái Lan sụt tới 6%, Singapore giảm 5,7%, Malaysia lao dốc 3,9%, Philippines và Indonesia hạ lần lượt 3,5% và 1%.

Trước đó, theo kết quả khảo sát do YouGov, công ty chuyên phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Anh, thực hiện đối với người dân các nước về năng lực xử lý của chính phủ đối với dịch Covid-19, Việt Nam đứng đầu thế giới về khả năng ứng phó đối với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Tính đến sáng 8/7, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 369 ca mắc Covid-19, trong đó 345 ca đã khỏi bệnh (93,5%), trong số 24 bệnh nhân đang điều trị, đã có 9 bệnh nhân âm tính (2 âm tính 1 lần, 7 âm tính 2 lần) và 15 bệnh nhân còn dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện Việt Nam chưa có ca tử vong nào do Covid-19 và 83 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng.

Thanh Tú

Theo CNBC

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ubs-nhieu-nen-kinh-te-bi-don-ha-boi-covid-19-viet-nam-la-diem-sang-cua-chau-a-20180504224240796.htm