UBND xã có được đơn phương hủy hợp đồng giao thầu?

Liên quan đến sự việc UBND xã Xuy Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) đơn phương hủy hợp đồng giao thầu với công dân, các chuyên gia pháp lý cho rằng, UBND xã đang có sự nhầm lẫn về mặt quyền hạn, bởi việc này thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân dân.

Vừa qua, ông Nguyễn Đức Phú (SN 1973, trú thị trấn Đại Nghĩa, Mỹ Đức, Hà Nội) có đơn thư phản ánh về việc, năm 1976, gia đình ông nhận được giấy báo tử thông báo ông Nguyễn Văn Chí (bác ruột ông Phú) hy sinh tại chiến trường phía Nam nhưng chưa tìm được hài cốt. Để tưởng nhớ, gia đình ông Phú lập 1 bia đá làm chỗ thờ phụng, thắp hương tại đồng Làng Đông, xã Xuy Xá, Mỹ Đức. Việc hương khói, thờ phụng đã diễn ra hơn 40 năm qua.

 UBND xã Xuy Xá

UBND xã Xuy Xá

Tuy nhiên, do đây là khu vực trũng quanh năm ngập nước, cỏ mọc um tùm nên ông Nguyễn Đức Phú có đơn trình bày nguyện vọng lên UBND xã Xuy Xá mong muốn được tôn tạo bảo vệ mộ và bia tưởng niệm.

Căn cứ vào đơn xin chuyển Hợp đồng của gia đình bà Nguyễn Thị Nhinh – Trần Văn Khắc (người đang nhận thầu khoán), ngày 11/3/2019 UBND xã đã ký kết Hợp đồng giao thầu ruộng số 02/2019/HĐKT-UBND giao 360m2 tại xứ đồng Làng Đông là nơi được quy hoạch làm khu để mộ của nhân dân sau cải cát. Hợp đồng nêu rõ ông Phú được quyền “đào đắp, xây tường bảo vệ cây trồng và các ngôi mộ trên diện tích được giao…”.

Sau khi được chấp thuận, gia đình ông Phú đào đắp, tôn tạo khu đất. Tuy nhiên, đến ngày 11/4/2019, UBND xã Xuy Xá ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gia đình ông Phú với lý do “tự ý xây dựng bờ bao, lấn chiếm…”, số tiền phạt là 3.000.000 đồng. Tiếp đó, ngày 21/5, UBND xã phát giấy mời gia đình ông Phú ngày 22/5 lên trụ sở UBND xã nhận quyết định thu hồi, hủy bỏ Hợp đồng đã ký. UBND xã cũng thông báo trên loa truyền thanh của xã nêu rõ Hợp đồng được ký là trái thẩm quyền, do đại diện chính quyền (ông Đỗ Tiến Phước – Phó chủ tịch UBND xã) ký không đúng theo quy định.

Trước sự việc trên, gia đình ông Nguyễn Đức Phú cho rằng, quyết định thu hồi, hủy bỏ Hợp đồng đã ký giữa UBND xã với gia đình ông chưa thuyết phục.

Trao đổi với PV, Luật sư Tạ Văn Phú – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, lý do UBND xã ra quyết định xử phạt VPHC do gia đình ông Phú “tự ý xây dựng bờ bao, lấn chiếm đất công” là “hết sức vô lý”. Bởi việc đào đắp, tôn tạo, xây dựng bờ rào được thực hiện trên cơ sở hợp đồng với UBND xã.

Luật sư Phú phân tích thêm, hợp đồng giao thầu ruộng ký giữa UBND xã Xuy Xá và ông Nguyễn Đức Phú là hợp đồng thuê khoán tài sản được quy định tại Bộ luật Dân sự. Cụ thể, Điều 483 BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê”.

Như vậy, soi chiếu với hợp đồng số 02/2019/HĐKT-UBND, toàn bộ nội dung đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Bộ luật Dân sự. Cụ thể, về chủ thể ký kết: UBND là cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc giao thầu ruộng theo quy định của pháp luật; ông Phú là người được bà Nhinh – người nhận thầu khoán trước đó chuyển quyền nhận giao thầu. Về nội dung: UBND xã và ông Phú đã có sự thỏa thuận với nhau, theo đó, UBND xã cho ông Phú thuê 360m2 diện tích đất ruộng tại xứ đồng làng Đông; còn ông Phú trả tiền thuê cho UBND xã bằng 50kg thóc/năm.

Về đối tượng: Đối tượng của hợp đồng về việc giao thầu ruộng chính là đất đai – một trong các đối tượng của hợp đồng thuê khoán quy định tại điều 484 BLDS. Việc khai thác tài sản thuê khoán: Theo quy định tại mục 4 của Hợp đồng, ông Phú được quyền: “Đào đắp, xây tường bảo vệ cây trồng và các ngôi mộ trên diện tích được giao”. Theo luật sư Tạ Văn Phú, nội dung này là hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 490 BLDS: “Bên thuê khoán có thể tự mình sửa chữa, cải tạo tài sản thuê khoán, nếu có thỏa thuận và phải bảo toàn giá trị tài sản thuê khoán”.

Từ những lập luận trên, LS Tạ Văn Phú cho rằng, việc UBND xã Xuy Xá tự ý ra quyết định thu hồi, hủy bỏ hợp đồng là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Bởi lẽ, hợp đồng giao thầu khoán là một dạng của Hợp đồng song vụ theo quy định của BLDS 2015, nghĩa là mỗi bên đều có quyền và nghĩa vụ với nhau. Hợp đồng được ký trên cơ sở thỏa thuận, tuân thủ theo các nguyên tắc của pháp luật, mà khi giao kết mỗi bên đều phát sinh quyền, nghĩa vụ ảnh hưởng tới bên còn lại. Nếu có phát sinh tranh chấp,… phải tiến hành hòa giải, thương lượng. Trường hợp không thể hòa giải thương lượng thì có thể yêu cầu Tòa án cấp có thẩm quyền phân xử.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 489, bên cho thuê khoán có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng chỉ khi bên thuê khoán khai thác công dụng tài sản thuê khoán không đúng mục đích. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông Phú đảm bảo việc khai thác công dụng là đúng mục đích, tuân thủ nội dung của Hợp đồng, không làm ảnh hưởng đến diện tích đất của tập thể và các hộ dân liền kề, không làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường khu vực đúng như quy định trong Hợp đồng.

Quan hệ giữa ông Phú và UBND xã phát sinh từ Hợp đồng là quan hệ dân sự - một bên là pháp nhân (UBND xã) và cá nhân (ông Phú). Cả hai hoàn toàn bình đẳng trong quan hệ pháp luật, được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ quyền, lợi ích phát sinh. Do vậy, nếu là quan hệ dân sự thì tất cả các vấn đề phát sinh phải điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Dân sự. Không thể sử dụng mệnh lệnh hành chính trong quan hệ hành chính, công vụ để áp đặt, điều chỉnh”, LS Phú nêu quan điểm.

Liên quan đến những nội dung nêu trên, trao đổi với PV, ông Phạm Văn Thú, Phó Chánh Thanh tra huyện Mỹ Đức cho biết: “Khi ông Nguyễn Đức Phú có đơn gửi Thanh tra huyện, chúng tôi sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền và tiến hành xác minh theo quy định”. Khi có kết quả sẽ thông tin đến cơ quan đại chúng.

D. Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ubnd-xa-co-duoc-don-phuong-huy-hop-dong-giao-thau-345317.html