UBND tỉnh họp chuyên đề tháng 6-2021: Thảo luận, cho ý kiến về một số đề án, chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9-6, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức phiên họp chuyên đề tháng 6-2021, nghe và cho ý kiến về một số đề án, chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.

Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến vào Dự thảo Đề án sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; Dự thảo Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020, Dự thảo Đề án sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 đưa ra 11 nội dung hỗ trợ như: Hỗ trợ du nhập, khảo nghiệm các giống cây trồng mới; hỗ trợ sản xuất rau an toàn và hoa; hỗ trợ sản xuất cây ăn quả tập trung; hỗ trợ phát triển rừng trồng thâm canh, tập trung; hỗ trợ duy tu bảo dưỡng hệ thống đê cấp IV, cấp V, đê chưa phân cấp trên địa bàn tỉnh… Mỗi nội dung hỗ trợ đều quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ cụ thể.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường trình bày Dự thảo Đề án sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.

Đối với Dự thảo Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu chung là phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; phát triển các chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Giám đốc Sở Tư pháp Bùi Đình Sơn phát biểu tại phiên họp.

Dự thảo đề án xác định 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: Gạo; rau, quả; mía đường; cây thức ăn chăn nuôi; cây ngô; cây gai xanh; thịt và trứng gia cầm; thịt lợn; bò thịt, bò sữa và các sản phẩm từ sữa; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; tre, luồng và các sản phẩm từ tre, luồng; tôm; sản phẩm hải sản khai thác xa bờ và ngao nuôi. Trên cơ sở đó đưa ra 4 nhóm giải pháp thực hiện gồm: Nhóm giải pháp đầu vào; nhóm giải pháp đầu ra cho sản phẩm; giải pháp về bảo vệ môi trường và nhóm giải pháp về nguồn vốn, cơ chế chính sách; đồng thời giao nhiệm vụ cho các ngành chức năng đảm nhiệm triển khai thực hiện các phần việc liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu tại phiên họp.

Qua nghiên cứu dự thảo đề án cũng như ý kiến góp ý của các đại biểu, kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo của các đề án. Đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đơn vị chủ trì soạn thảo đề án, làm rõ những chính sách của Trung ương, của tỉnh liên quan đến vấn đề phát triển nông nghiệp mà Thanh Hóa đang triển khai thực hiện; làm rõ những cơ chế, chính sách sẽ không triển khai thực hiện, từ đó có cái nhìn toàn diện về phát triển nông nghiệp, nông thôn Thanh Hóa. Đây cũng chính là những cứ liệu quan trọng để xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chưa thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ duy tu bảo dưỡng hệ thống đê cấp IV, cấp V, đê chưa phân cấp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này; nghiên cứu lại nội dung hỗ trợ phát triển sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chỉ hỗ trợ ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong đóng mới hầm bảo quản sản phẩm khai thác hải sản cho các tàu đánh bắt, hậu cần đánh bắt xa bờ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.

Đối với Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu làm rõ tiêu chí để xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; nghiên cứu, xem xét bổ sung cây dược liệu và trâu thịt trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực cùng với 13 sản phẩm trong dự thảo đề án.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp hoàn thiện các tờ trình, đề án trên báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Phiên họp cũng đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030; Đề án thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Giám đốc Sở Xây dựng Đào Vũ Việt trình bày tóm tắt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.

Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 đưa ra quan điểm là phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa phải phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình phát triển đô thị của tỉnh và phù hợp với Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển nhà ở phải bảo đảm đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… Trên cơ sở đó, Chương trình đưa ra định hướng phát triển nhà ở chung, định hướng phát triển cho từng khu vực và mục tiêu phát triển cho từ giai đoạn cụ thể. Trong đó mục tiêu giai đoạn 2021-2025, diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 19,6 triệu m2 sàn; tỷ lệ nhà ở kiên cố đến năm 2025 đạt 95,6%; giai đoạn 2026-2030, diện tích nhà ở tăng 22,9 triệu m2 sàn; tỷ lệ nhà ở kiên cố đến năm 2030 đạt 96,6%...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại phiên họp.

Đối với Đề án thu hút đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nêu rõ: Các dự án đầu tư theo hình thức PPP chỉ thực hiện ở 5 lĩnh vực, gồm: Giao thông - vận tải; lưới điện, nhà máy điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; y tế và lĩnh vực hạ tầng công nghệ thông tin.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại phiên họp.

Về mục tiêu, trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu thu hút và triển khai thực hiện 31 dự án theo hình thức PPP với tổng vốn đầu tư khoảng từ 58.520 tỷ đồng trở lên (bao gồm các dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn). Trong đó ưu tiên các lĩnh vực giao thông; thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; y tế, giáo dục, công nghệ thông tin…

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cơ bản thống nhất nội dung, quan điểm, mục tiêu, định hướng của Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Tuy nhiên, về giải pháp cần phải sắp xếp phù hợp, trong đó giải pháp về quy hoạch phải được ưu tiên hàng đầu, tiếp đến là các giải pháp như quản lý Nhà nước về nhà ở; quản lý đất đai; cơ chế, chính sách; tài chính. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng hoàn thiện tờ trình về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét cho ý kiến.

Đối với Đề án thu hút đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất nội dung đề án và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát hoàn thiện tờ trình, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Đề án sắp xếp các trường mầm non, tiểu học THCS và THPT có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.

Ở nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cơ bản thống nhất dự thảo đề án, đồng thời giao Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát hoàn thiện đề án trình ký theo quy định.

Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/ubnd-tinh-hop-chuyen-de-thang-6-2021-t-hao-luan-cho-y-kien-ve-mot-so-de-an-chuong-trinh-chinh-sach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi/137997.htm