UBND tỉnh cho ý kiến về Đề án Phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo

Ngày 23/4, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, chủ trì họp cho ý kiến về Đề án Tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long – Vịnh Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô đến năm 2030 (Đề án). Cùng dự có đại diện một số sở, ngành, địa phương liên quan. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Đề án được nghiên cứu trên quan điểm phát triển du lịch dựa trên các hệ sinh thái, hài hòa với tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách du lịch, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm du lịch biển đảo của khu vực, nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước, quốc tế.

UBND tỉnh cho ý kiến về Đề án Phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo.

UBND tỉnh cho ý kiến về Đề án Phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo.

Theo đó, các sản phẩm du lịch biển, đảo hướng đến những giá trị mới, được thiết lập trên cơ sở tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản của các giá trị văn hóa truyền thống… Trọng tâm kết nối giữa Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long với khu vực biển đảo Vân Đồn, Cô Tô, Cát Bà (Hải Phòng), góp phần giảm tải cho vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Đồng thời, tạo giá trị gia tăng ngày càng cao trong tổng thể phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, kinh tế du lịch nói riêng.

Đề án cũng đưa ra mức dự báo trong thu hút khách du lịch quốc tế: Đến năm 2025, TP Hạ Long đón 6,2 triệu lượt khách; TP Cẩm Phả đón 50.000 lượt khách, huyện Vân Đồn đón 70.000 lượt khách; huyện Cô Tô đón 20.000 lượt khách.

Các địa phương tham gia bàn họp, đóng góp ý kiến trực tuyến.

Bên cạnh đó, Đề án cũng đặt ra chỉ tiêu: Tổng thu từ khách du lịch, đóng góp của du lịch trong tổng sản phẩm GRDP địa phương; lao động tham gia ngành Du lịch. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông; chú trọng nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng ngư dân ở các làng chài; phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao...

Ngoài ra, Đề án đưa ra định hướng về không gian và sản phẩm, hạ tầng phát triển sản phẩm, thị trường… Trong đó tập trung nhóm thị trường cao cấp, đối tượng khách thương mại, du lịch MICE kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng; một số thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ…

Giám đốc Sở Du lịch Phạm Ngọc Thủy trình bày Đề án.

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị liên quan đã tập trung phân tích, đóng góp ý kiến để làm rõ, hoàn thiện đề án, như: Nghiên cứu, đầu tư một số loại hình du lịch trải nghiệm tại địa phương; đưa chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng cao vào khai thác; tính toán các loại phí, lệ phí; tác động đến môi trường…

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu yêu cầu, Đề án cần làm rõ một số nội dung về chất lượng và tính độc đáo của sản phẩm du lịch, mở rộng một số loại hình du lịch trải nghiệm; khảo sát các địa điểm tham quan, di tích lịch sử, tâm linh; nghiên cứu tuyến du lịch đồng bộ cả ở Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Từ đó, xây dựng bản đồ du lịch biển hoàn thiện cho khu vực này.

Đề án cần bổ sung cụ thể việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ du lịch; các chính sách thu hút; mô hình quản lý liên vùng di sản gắn với quản lý nhà nước; hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; cụ thể đối tượng, đơn vị và thời gian thực hiện…

Hoàng Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202004/ubnd-tinh-cho-y-kien-ve-de-an-phat-trien-san-pham-du-lich-bien-dao-2480244/