UBND tỉnh Bạc Liêu có câu trả lời bất ngờ về bản án nhiều 'sai sót' sau khi Pháp luật Plus phản ánh

Vừa qua, sau loạt bài Pháp luật Plus phản ánh, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành văn bản với chủ trương giao đất lại cho ông Ba, người trước đó bị TAND tỉnh này tuyên thua kiện trong vụ án có liên quan phần đất trên.

Bằng chứng thuyết phục

Như Pháp luật Plus đã có loạt bài phản ánh về vụ tranh chấp đất giữa ông Phạm Văn Ba (nguyên đơn - ngụ xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) và ông Nguyễn Văn Que (bị đơn - ngụ cùng địa phương), hiện vụ việc đang chờ TAND Tối cao đưa ra phán quyết vì ông Ba cũng như hàng loạt người dân đã đồng ký tên vào đơn kiến nghị cơ quan này Giám đốc thẩm bản án phúc thẩm số 15/2015/DSPT ngày 19/01/2015 của TAND tỉnh Bạc Liêu.

Trong khi chờ đợi kết quả giải quyết của cơ quan chuyên trách, thì mới đây ngày 15/7/2019, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành văn bản số 3093/UBND-NC về việc trả lời đơn của ông Nguyễn Văn Que xin lại đất đã cho Nhà nước mượn làm trường học vào năm 1983.

Ông Phạm Văn Ba trên phần đất tranh chấp giữa ông và ông Que.

Ông Phạm Văn Ba trên phần đất tranh chấp giữa ông và ông Que.

Cụ thể, trong văn bản nêu rõ nguồn gốc phần đất trên thuộc ấp Ninh Chài, xã Ninh Qưới A là của bà Phan Thị Kiểng khai phá, sử dụng từ trước năm 1975. Khoảng năm 1976, bà Nguyễn Thị Thử (con bà Kiểng) bán cho ông Lưu Sung ngang khoảng 9m, dài từ mé sông ra tới ruộng. Ông Lưu Sung sử dụng được 2 năm rồi bỏ đi và trả lại cho bà Thử. Đến năm 1978, bà Thử chuyển nhượng phần đất trên cho ông Phạm Văn Ba. Ông Ba quản lý sử dụng phần đất này cho đến năm 1983 thì chính quyền ấp Ninh Chài hỏi mượn phần đất để xây trường học. Năm 2010 trường học dời đi nơi khác, địa phương sử dụng làm Trụ sở ấp Ninh Chài. Đến năm 2015, ông Que làm đơn xin lại phần đất trên.

UBND tỉnh Bạc Liêu sau khi kiểm tra, xác minh, họp dân nhận thấy, phần đất chính quyền ấp Ninh Chài sử dụng để làm trường học vào năm 1983 không phải của ông Nguyễn Văn Que và ông Que cũng không cung cấp được giấy tờ chứng minh phần đất trên này của gia đình ông.

Từ những thông tin xác minh trên, UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng yêu cầu xin lại phần đất này của ông Que là không có căn cứ pháp luật để xem xét.

Các văn bản của UBND tỉnh thể hiện nguồn gốc đất có liên quan vụ tranh chấp là của ông Ba, không phải của ông Que.

Tiếp đó, ngày 1/8/2019, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng ban hành văn bản số 3423/UBND-NC gửi UBND huyện Hồng Dân, trong đó có ý kiến giao lại phần đất trên cho ông Ba. Cụ thể, văn bản nêu rõ: Trên cơ sở kết luận của Ban Chỉ đạo giải quyết các yêu cầu khiếu nại của công dân trên địa bàn tỉnh tại Thông báo số 208-TB/VPTU ngày 17/01/2019 của Văn phòng Tỉnh ủy, nội dung: “Ban Chỉ đạo thống nhất theo đề xuất của UBND tỉnh tại Báo cáo số 354/BC-UBND ngày 29/11/2018: Xem xét vận dụng chính sách trả lại đất cho ông Phạm Văn Ba”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu có ý kiến: “Giao UBND huyện Hồng Dân xem xét giao đất cho ông Phạm Văn Ba theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật”.

Nhận được thông tin trên, ngoài ông Ba thì đông đảo người dân địa phương rất đồng tình và ủng hộ.

Bản án phúc thẩm có nhiều sai sót?

Theo hồ sơ thể hiện, ngày 10/9/2014, TAND huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu Đã có bản án dân sự sơ thẩm số 45/2014/DS-ST (bản án sơ thẩm) về việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Ba và bị đơn là ông Que.

Bản án sơ thẩm thể hiện: Nguồn gốc phần đất tranh chấp tọa lạc tại ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân là của bà Lê Thị Kiểng cho con là bà Nguyễn Thị Thử.

Năm 1978, bà Thử chuyển nhượng phần đất trên cho ông Ba (có chiều ngang khoảng 9m, dài 60m) từ bờ sông ra tới ruộng với giá 30 đồng, hai bên không làm giấy tờ. Sau chuyển nhượng, ông Ba canh tác, sử dụng đến năm 1983 thì chính quyền địa phương mượn một phần đất trên của ông để xây dựng trường tiểu học.

Bản án sơ thẩm nhận định: “Lời trình bày của ông Ba là có căn cứ”, vì việc chuyển nhượng đất giữa ông Ba và bà Thử dù không lập thành văn bản nhưng có nhiều người biết và chứng kiến.

Bản án sơ thẩm cũng nêu rõ: “Lời trình bày của ông Que thì không có căn cứ”. Hội đồng xét xử lập luận, ông Que không có chứng cứ nào chứng minh đất trên là của bà Thử cho ông. “Hơn nữa, chính lời khai của ông có sự mâu thuẫn, trong khi ông xác định bà ngoại ông cho đất mẹ ông vào năm 1979 nhưng năm 1976 mẹ ông và ông lại cho chính quyền địa phương mượn đất cất trường học (bút lục: 149-150). Điều này cho thấy lời khai của ông Que là không thật”, bản án sơ thẩm chỉ ra.

Theo bản án sơ thẩm: “Trong quá trình sử dụng đất, ông Ba đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với Nhà nước theo quy định pháp luật như: làm lộ, kê khai, đăng ký xin cấp quyền sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích…”.

Về phần ông Que, bản án sơ thẩm nhận định, ông Que đưa ra một số nhân chứng “nhưng những người này xác định nguồn gốc đất là của bà Kiển, sau khi bà Kiển chết thì họ không biết ai canh tác, sử dụng đất này và quyền sử dụng đất là của ai”.

Từ những cơ sở nêu trên, bản án sơ thẩm quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Ba, buộc ông Que giao trả phần đất có diện tích 42,9m2 cho ông Ba (Phần đất mé sông nằm trong diện tích đất ông Ba sang nhượng của bà Thử, phần đất còn lại vừa được UBND tỉnh chỉ đạo giao trả cho ông Ba như nêu trên – PV.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Hồng Dân đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân sinh sống tại địa phương. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm số 15/2015/DS-PT (bản án phúc thẩm) ngày 19/01/2015 của TAND tỉnh Bạc Liêu đã khiến dư luận nơi đây bất bình.

Bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm có phán quyết trái nhau.

Theo đó, bản án phúc thẩm lập luận: “Chỉ duy nhất lời khai của bà Đạt xác định bà Thử đã chuyển nhượng cho ông Ba thì không đủ căn cứ để xác định bà Thử đã chuyển nhượng phần đất đang tranh chấp hiện nay cho ông Ba”.

Bản án phúc thẩm cũng cho rằng lời khai của những người làm chứng chỉ thấy ông Ba sử dụng đất đến nay 30 năm, lời khai không ổn định nên không có căn cứ để xác định phần đất đang tranh chấp do ông Ba chuyển nhượng của bà Thử.

Về việc ông Ba và ông Que cùng khai đã từng cho địa phương mượn đất cất trường học, bản án phúc thẩm nhận định lời khai của những nhân chứng không đủ căn cứ để chứng minh chính quyền địa phương mượn đất của ông Ba. Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm lại cho rằng lời khai nhân chứng của ông Ba cũng như ông Que có một điểm chung là chính quyền có mượn đất của bà Thử để cất trường học. (?!)

Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên chấp nhận kháng cáo của ông Que sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, buộc ông Ba giao trả lại cho ông Que phần đất tranh chấp.

Từ đây, nhiều người dân sống tại địa phương có hiểu biết về vụ việc đã kịch liệt phản đối quyết định của Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Bạc Liêu.

Đơn kiến nghị của tập thể người dân.

Ông Ba cũng như tập thể người dân sống tại địa phương sau đó đã có đơn kiến nghị gửi TAND Tối cao, VKSND Tối cao xem xét kháng nghị bản án phúc thẩm trên của TAND tỉnh Bạc Liêu theo trình tự thủ tục Giám đốc thẩm.

Ngày 8/8, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, đơn vị đã tiếp nhận thông tin và đã có báo cáo đề xuất Thường trực Tỉnh ủy về bản án phúc thẩm trên. Theo đó, dự kiến sẽ có văn bản kiến nghị TAND Tối cao xem xét lại bản án vì có nhiều điểm sai sót theo quy định pháp luật.

Kiến Dân - Bảo Hà

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/ubnd-tinh-bac-lieu-co-cau-tra-loi-bat-ngo-ve-ban-an-nhieu-sai-sot-sau-khi-phap-luat-plus-phan-anh-d104153.html