Bầu Đức, VFF và cái cớ bằng cấp

Lần đầu tiên Đại hội VFF khóa VIII có đưa ra tiêu chí các ứng viên vị trí chủ chốt phải tốt nghiệp ĐH đã dấy lên những nghi kỵ về việc một nhóm người muốn loại đối thủ ngay từ trong trứng nước.

VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp và không phải cứ bằng cấp cao thì làm tốt. Thực tế chứng minh trong ngôi nhà VFF từng có giáo sư, tiến sĩ nhưng hiệu quả công việc không rõ ràng và nói như cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực là “mặt bằng VFF thấp hơn mặt bằng xã hội”.

Cho nên việc chuẩn bị Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII, VFF bất ngờ bày thêm tiêu chí phải có bằng cử nhân thực chất không nhắm vào bầu Đức (ông chưa có bằng ĐH nhưng đã nói là không ngồi ở VFF nữa) dễ khiến người ta nghĩ ngay đến việc sớm thanh lọc các đối thủ của phe “chủ chiến”. Bởi ngay trong một số đề cử cho những chức danh chủ chốt cũng có người chưa có bằng cử nhân nhưng đã từng trải và chạy tốt.

Quan điểm của VFF bị chính người trong cuộc là bầu Đức phản đối ở hai cuộc họp Thường trực và Ban Chấp hành VFF: “Tôi xin hỏi các anh, bao nhiêu khóa vừa qua có bằng cấp hay không? Tôi xin lỗi, tổng thống còn chưa chắc có bằng cấp. Còn chúng ta làm bóng đá cần gì phải có bằng cấp, đúng không? Cái này tôi cho là quá.

Các quan chức VFF tính suất rồi đẻ ra tiêu chí bằng cấp để loại nhau. Ảnh: QUANG THẮNG

Các quan chức VFF tính suất rồi đẻ ra tiêu chí bằng cấp để loại nhau. Ảnh: QUANG THẮNG

Nếu điều này Bộ Nội vụ, Chính phủ hay luật của Quốc hội đặt ra thì tôi đồng ý ngay. Mình không nên đặt ra. VFF không nên ra điều kiện đó và không có quyền đặt ra. Cái này tôi đề nghị dẹp ngay. Tôi hỏi các anh, có phải một nhóm người nào đó muốn cài cái tiêu chí này vào để loại người khác ra hay không?”.

Tiếc là những câu hỏi của bầu Đức không có tiếng nói phản biện nào, dù ông bầu phố núi chưa có bằng ĐH đang chất vấn những nhân vật bằng cấp đầy mình.

Trong một phát biểu mới nhất, bầu Đức vẫn giữ nguyên quan điểm bỏ bóng đá ngay lập tức nếu ông Trần Anh Tú trúng cử ghế phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính do mình để lại: “Tôi đâu có điên trong cuộc chơi bóng đá lại để người ta cầm đầu thao túng hết mọi thứ. Bóng đá không phải là doanh nghiệp gia đình. Ông Tú ngồi tám cái ghế vừa đá bóng vừa thổi còi thì ai chơi nữa?

Tôi nói thẳng ra ông Tú tham vọng cực lớn, muốn tạo êkíp để nắm cả làng bóng trong tay. Người có tự trọng không làm điều đó. Còn muốn cống hiến cho bóng đá Việt Nam thì ông Tú xin rút khỏi VFF cũng là một kiểu cống hiến rồi! Bởi những điều vô lý không bao giờ tồn tại”.

Bầu Đức cũng chia sẻ về mối quan hệ với Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sau những rắc rối: “Tôi với anh Dũng là bạn rất thân, gọi là chí cốt cũng được! Tôi làm bóng đá, chịu gánh vác ở VFF là vì anh Dũng. Nhưng việc này tôi khác anh Dũng, vì không thể nhún nhường để người ta muốn làm gì thì làm. Cả làng này không ai biết làm bóng đá hay sao để trao hết mọi quyền hành vào tay một người? Tôi chấp nhận thà mất lòng Dũng để đấu tranh tới cùng chứ không thì anh em chết cả”.

Bầu Đức muốn bỏ bóng đá, bầu Thắng đề nghị đừng nhắc hai từ bóng đá với ông

Hai ông bầu tâm huyết nhất và được xem là có tâm lẫn có công với bóng đá nhất là bầu Đức và bầu Thắng đều tỏ rõ thái độ chán nản với bóng đá. Bầu Đức nói thẳng nếu những chiêu trò cài người theo êkíp, theo quyền lợi nhóm của VFF thành hiện thực thì chắc chắn ông sẽ bỏ bóng đá. Ông giải thích không thể tận tâm tận lực vì bóng đá nhưng lại để những người vụ lợi vì quyền lợi nhóm điều hành bóng đá. Riêng bầu Thắng, khi ông có lời đề nghị từ một thành viên ở Tổng cục TDTT theo tư cách cá nhân mời tham gia thì bầu Thắng thú thật: “Xin các anh đừng nhắc hai từ bóng đá với tôi nữa. Thú thật là sau hàng loạt sự kiện và sự cố vừa qua thì tôi hiểu rằng muốn làm bóng đá một cách tử tế cũng rất khó!”.

Có lẽ Bộ VH-TT&DL hay Tổng cục TDTT khi thấy các ông bầu có tâm huyết từng tạo ảnh hưởng lớn và tích cực với nền bóng đá nước nhà mà bây giờ sợ bóng đá như thế là do đâu.

NG.HUY

GIA HUY - NHƯ QUỲNH

Nguồn PLO: http://plo.vn/the-thao/bau-duc-vff-va-cai-co-bang-cap-760890.html