UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo làm rõ việc Dự án khu thương mại làng nghề Bát Tràng bị dừng triển khai

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội giao trách nhiệm cho Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện Gia Lâm kiểm tra, xác minh, làm rõ việc Dự án khu thương mại làng nghề Bát Tràng bị dừng triển khai, trả lời công dân và thông tin cho báo chí trước ngày 20/5/2018.

Văn bản số 3158/VĐ-ĐT ngày 04/5/2018 của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội.

Văn bản số 3158/VĐ-ĐT ngày 04/5/2018 của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội.

Theo đó, tại văn bản số 3158/VĐ-ĐT ngày 04/5/2018 của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu rõ:

“UBND thành phố nhận được Văn bản số 68/CV-TCMT ngày 10/4/2018 của Tạp chí Mặt trận chuyển đơn của bà Vũ Thị Nhung, Chủ tịch HĐQT- Tồng Giám đốc Công ty CPĐT và Du lịch Quang Minh (địa chỉ Xóm 3, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) về việc dự án của Công ty bị dừng triển khai do Giấy phép xây dựng (UBND huyện Gia Lâm cấp) đã hết hạn, cộng với việc dự án bị ảnh hưởng bởi Dự án Bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng (hiện UBND Thành phố chưa phê duyệt quy hoạch); Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện Gia Lâm kiểm tra, xác minh, làm rõ đơn thư của công dân và thông tin báo chí phản ánh, trả lời công dân và thông tin cho Tạp chí Mặt trận trước ngày 20/5/2018.

Văn phòng UBND Thành phố thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố để Sở Quy hoạch – Kiến trúc và các đơn vị có liên quan biết, thực hiện”.

Cả dự án hiện nay đang bị đình trệ, khu trung tâm trở thành điểm trông giữ xe tạm thời. Ảnh: Kỳ Anh

Ngày 09/4/2018, Tạp chí Mặt trận đã có bài viết “Tiếng “kêu cứu” từ làng gốm Bát Tràng: Giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy làng nghề phát triển” phản ánh tình trạng, hơn 2 năm qua, từ khi Dự án Khu thương mại làng nghề Bát Tràng bị dừng triển khai, là từng ấy thời gian các hộ kinh doanh gốm sứ tại làng gốm cổ truyền Bát Tràng rơi vào cảnh sống thấp thỏm lo âu, tìm mọi cách xoay sở và mong mỏi ngày dự án được hoàn thành, bàn giao mặt bằng để kinh doanh.

Còn hiện tại, nhiều hạng mục của Dự án không được tiếp tục đầu tư, để phơi mưa phơi nắng rất lãng phí…

Trước đây, Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng (đơn vị chủ quản Hapro) lập dự án Khu thương mại làng nghề nhưng không triển khai được, dẫn đến việc đất bị bỏ hoang nhiều năm, môi trường trên khu vực đất ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Đến năm 2012, Công ty Sứ Bát Tràng ký Hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Quang Minh, chuyển cho Công ty Quang Minh tiếp tục thực hiện dự án và khai thác trên diện tích hơn l,3ha - vốn là Phân xưởng khuôn bao - mỹ nghệ thuộc Công ty Sứ Bát Tràng.

Dự án khu thương mại làng nghề Bát Tràng ra đời là để thu hút hàng trăm tiểu thương vào làm ăn, buôn bán, có mặt bằng ổn định để trưng bày các sản phẩm của làng nghề cùng với đó là giải quyết công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, làm lợi ngân sách cho Nhà nước, tạo sự ổn định cho xã hội.

Tuy nhiên đến năm 2016, thành phố Hà Nội quyết định đưa làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc vào Dự án quy hoạch bảo tồn, phát triển du lịch làng nghề, khiến hoạt động đầu tư xây dựng Dự án Khu thương mại làng nghề Bát Tràng bị đình trệ hoàn toàn.

Tại khu trung tâm, do bị ngưng xây dựng đã lâu, các đầu cọc chờ đã trở nên hoen gỉ và ngày càng xuống cấp. Ảnh: Kỳ Anh

Ghi nhận thực tế của các phóng viên cho thấy, là làng nghề gốm cổ truyền Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội - nơi đón hàng vạn lượt khách du lịch đến mỗi năm, nhưng Khu thương mại làng nghề đang trong tình trạng dở dang mấy năm nay, các tiểu thương chưa được bàn giao chỗ kinh doanh ổn định.

Hiện tại, Dự án gặp rất nhiều khó khăn, từ việc một số hộ dân chiếm đất trái phép, quá hạn định nhưng không chịu di dời khiến cho công tác giải phóng mặt bằng gặp trở ngại, việc triển khai dự án liên tục bị chậm, dừng tiến độ.

Với nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan như trên khiến dự án bị tạm dừng dẫn đến không chỉ chủ đầu tư mà nhiều tiểu thương cảm thấy hoang mang, lo lắng tột độ, nguy cơ hàng trăm lao động không có công ăn việc làm ổn định; không có nguồn sống, không có trợ cấp xã hội đã tạo bất bình, bức xúc trong dư luận

Các loại vật liệu xây dựng đang nằm phơi nắng, phơi mưa, và bắt đầu hoen gỉ mạnh. Ảnh: Kỳ Anh

Phan Anh Tuấn

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/kinh-te/ubnd-thanh-pho-ha-noi-chi-dao-lam-ro-viec-du-an-khu-thuong-mai-lang-nghe-bat-trang-bi-dung-trien-khai-12261.html