UBND phường Dịch Vọng đình chỉ công trình sai phạm trên...'giấy', liệu có 'ưu ái' cho chủ đầu tư?

Mặc dù đã bị đình chỉ và yêu cầu xử lý cưỡng chế công trình xây trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên căn nhà 4 tầng rộng hàng trăm m2 của ông Lê Quang Đoàn vẫn ngang nhiên được hoàn thiện.

Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng “ưu ái” cho vi phạm TTXD!

Như Pháp luật Plus đã đăng tải bài viết "Công trình không phép 4 tầng xây trên đất nông nghiệp, vì sao chính quyền không cưỡng chế?" - với nội dung liên quan đến công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội. Thông tin tới Pháp luật Plus, bà Phan Thị Bạn cho biết: “Trước đây khu đất đó là đất nông nghiệp của mẹ tôi. Diện tích lên tới gần 200m2. Trước có một công trình nhà mái bằng rồi có cơi nới bằng tôn lên được 2 tầng, hay 3 tầng gì đó. Mảnh đất này chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tức là vẫn là đất nông nghiệp, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Không hiểu vì lý do gì mà ông Lê Quang Đoàn – nguyên cán bộ bảo hiểm xã hội quận Cầu Giấy lại có thể xây dựng được một ngôi nhà 4 tầng và vẫn còn cọc chờ để xây dựng tiếp”.

Mặc dù các cơ quan chức năng quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã ban hành văn bản yêu cầu chính quyền địa phương cưỡng chế xử lý công trình xây trên đất nông nghiệp tại thửa đất tổ 22, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy). Tuy nhiên đến nay UBND phường Dịch Vọng đang “lảng tránh” việc xử lý công trình này.

Văn bản mà UBND phường Dịch Vọng báo cáo UBND quận Cầu Giấy.

Theo đó ngày 10/4/2018 UBND phường Dịch Vọng đã văn bản số 142/UBND do ông Nguyễn Việt Trung – Chủ tịch UBND phường gửi UBND quận Cầu Giấy và bà Phan Thị Bạn để báo cáo sự việc. Cụ thể:

“Ngày 6/2/2018, ngày 7/3/2018 UBND phường Dịch Vọng nhận được đơn của bà Phan Thị Bạn - Địa chỉ: Số 14 tổ 23 ngách 337/80 Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội về việc bà Lê Thị Thơ và bà Lê Thị Pha đang xây dựng nhà 5 tầng tại tổ 22 phường Dịch Vọng.

Đơn chuyển UBND quận Cầu Giấy của bà Phan Thị bạn nội dung: Đề nghị dừng việc xây dựng nhà 5 tầng và cấp giấy chứng nhận phần đất 5% tại tổ 22 phường Dịch Vọng vì đất này chưa có sự thống nhất về quyền lợi và lợi ích liên quan đến các chị em trong gia đình. Hiện tại công trình đang xây dựng chưa có sổ đỏ, chưa được cấp phép mà đã xây lên tầng 5.

Giao tổ TTXD phường, cán bộ Địa chính – xây dựng tiếp tục xử lý vi phạm trật tự xây dựng công trình, đình chỉ thi công xây dựng theo quy định, hướng dẫn các hộ gia đình hoàn thiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng theo quy định (trong trường hợp các hộ gia đình tự thỏa thuận được theo biên bản ngày 8/10/1995 hoặc có phán quyết của Tòa án nhân dân, cấp thẩm quyền)".

Tại biên bản họp giải quyết đơn kiến nghị của bà Phan Thị Bạn tổ chức vào ngày 13/3/2018 ông Nguyễn Việt Trung – Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng cũng đã kết luận: “Giao tổ TTXD phường, cán bộ Địa chính – xây dựng tiếp tục xử lý vi phạm trật tự xây dựng công trình, đình chỉ thi công xây dựng theo quy định, hướng dẫn các hộ gia đình hoàn thiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng theo quy định (trong trường hợp các hộ gia đình tự thỏa thuận được theo biên bản ngày 8/10/1995 hoặc có phán quyết của Tòa án nhân dân, cấp thẩm quyền)".

Từ tháng 2/2018 UBND phường Dịch Vọng đã nhận được đơn thư của bà Phan Thị Bạn liên quan đến việc xây dựng khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng. Mặc dù bằng nhiều văn bản như biên bản, báo cáo UBND quận Cầu Giấy về trường hợp này. Tuy nhiên đến nay công trình đã xây dựng 4 tầng trên đất 5% mà không cần giấy phép xây dựng.

Không những vậy Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng còn nhiều lần đề nghị “Hướng dẫn các hộ gia đình hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng…”. Tuy nhiên lại không dứt khoát trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng.

"Né" trách nhiệm giải quyết công trình vi phạm, đẩy ra Tòa

Để làm rõ vụ việc Phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thịnh - Tổ trưởng Tổ Thanh tra xây dựng phường Dịch Vọng. Ông Thịnh cho biết: “Công trình này không phải là xây mới là sửa chữa. Bời vì trước đây đã có một ngôi nhà 3 tầng cũ. Công trình không phải xây trên đất nông nghiệp mà là đất phần trăm. Đúng là công trình đã xây hết diện tích. Hiện tại đã quận Cầu Giấy đã có quyết định cưỡng chế. Công trình này của một ông làm bảo hiểm xã hội...”.

Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Việt Trung - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng được biết: "Vụ việc người ta đã đưa ra Tòa rồi. Vi phạm trật tự xây dựng cũng đợi Tòa phán quyết".

Phóng viên Pháp luật Plus đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND phường Dịch Vọng để được cung cấp thông tin và tài liệu liên quan đến việc cưỡng chế công trình sai phạm xây dựng trên đất 5%. Tuy nhiên ông Lê Đức Thịnh - Tổ trưởng tổ Thanh tra xây dựng đã không cung cấp những văn bản liên quan.

Tại buổi làm việc tại trụ sở Pháp luật Plus mới đây, ông Lê Quang Đoàn thừa nhận đang giải quyết với bà Phan Thị Bạn và đang tự hòa giải với nhau.

Bàn về công trình xây dựng không phép, ông Đoàn trần tình: Do thời điểm đó gia đình tôi bị giải phóng mặt bằng (thửa đất khác) để mở đường, nhận thức được tầm quan trọng gia đình tôi đã sớm bàn giao mặt bằng. Nhưng bàn giao xong gia đình tôi lại không có chỗ ở nên chúng tôi mới xin Quận và Phường cho cải tạo ngôi nhà cũ để ở và xây dựng hết phần đất. Trong quá trình xin cấp sổ đỏ thì bà Bạn có đơn nên hiện giờ chưa thể làm xong thủ tục.

Ông Lê Quang Đoàn cũng cho hay: Hiện tôi đã gửi Đơn khởi kiện bà Phan Thị Bạn ra Tòa.

Tại sao một công trình lên tới hơn 100 m2 xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý?. Mặc dù đã có quyết định cưỡng chế của UBND quận Cầu Giấy nhưng đến nay công trình này đã hoàn thiện và đi vào sử dụng.

Trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng; Phó chủ tịch UBND phường Dịch Vọng phụ trách đô thị ra sao khi để công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tồn tại. Tại sao UBND phường Dịch Vọng không xử lý triệt để vi phạm để công trình dần dần hoàn thiện một cách "ung dung" khiến dư luận bất bình?

Nếu đã có quyết định cưỡng chế tại sao chính quyền địa phương không cưỡng chế quyết liệt hay "vướng" phải mối quan hệ nào đó?

Nếu đã có quyết định cưỡng chế tại sao chính quyền địa phương không cưỡng chế quyết liệt hay "vướng" phải mối quan hệ nào đó?

Bằng nội dung bài viết này, Pháp luật Plus đề nghị UBND TP Hà Nội vào cuộc kiểm tra xử lý dứt điểm, đề nghị UBND quận Cầu Giấy xử lý triệt để và thông tin lại tới Pháp luật Plus bằng văn bản trong thời gian sớm nhất.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng: Sai phạm vẫn còn chồng chất

Đó là thừa nhận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng khi ông cho rằng việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn vẫn còn nhiều.

Trong năm vừa qua, dù các cấp chính quyền có cố gắng, có tập trung nhưng việc thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong khi những sai phạm cũ chưa được xử lý triệt để thì những phát sinh mới lại chưa được giải quyết sớm.

Vì vậy diễn biến còn phức tạp. “Chất lượng của cán bộ quản lý địa bàn, thái độ kiên quyết của chính quyền địa phương trong việc xử lý chưa đạt yêu cầu. Ý thức chấp hành của chủ đầu tư và bộ phận người dân chưa tốt, cố tình vi phạm” - ông Hùng thừa nhận và khẳng định: “Thành phố có quy định về xử lý vi phạm, công cụ pháp luật có đầy đủ, phải xem xét từng trường hợp, rút kinh nghiệm trong thực hiện pháp luật”.

Về vấn đề trách nhiệm, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, chỉ cần một bài báo phản ảnh thực trạng sai phạm thì UBND TP đã có chỉ đạo xuống các đơn vị, địa phương. Hoặc nghe được tin nhắn của nhân dân thì lãnh đạo thành phố đều có yêu cầu trực tiếp, thậm chí chuyển tin nhắn cho lãnh đạo địa phương xử lý.

Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt (Liên đoàn Luật sư Hà Nội): Địa bàn nào vi phạm nhiều thì cán bộ quản lý ở đó phải bị xử lý đầu tiên

Thực ra những quy định về xử lý vi phạm trong trật tự xây dựng và quản lý đô thị đã rất chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng tình trạng vi phạm diễn ra không thể không nói chính quyền địa phương buông lỏng quản lý hay cố tình làm ngơ hoặc bị mua chuộc; dẫn tới vi phạm chồng vi phạm là điều đương nhiên.

Theo tôi, muốn trật tự xây dựng đi vào nền nếp thì việc đầu tiên là xử lý cán bộ; địa bàn nào để xảy ra vi phạm nhiều, khiếu kiện nhiều thì cán bộ quản lý ở đó phải bị xử lý đầu tiên, như cách chức, chuyển công tác. Cứ làm nghiêm vậy, xây dựng đô thị sẽ đi vào nền nếp.

Tuấn Ngọc

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Trương Tam - Lý Tứ

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ubnd-phuong-dich-vong-dinh-chi-cong-trinh-sai-pham-trengiay-lieu-co-uu-ai-cho-chu-dau-tu-d80127.html