UBND huyện Tiên Lữ xử lý sai phạm trên giấy!

Sau những phản ánh về việc tuyến đê sông Luộc trên địa bàn huyện Tiên Lữ tồn tại hàng chục bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép, vi phạm hành lang an toàn đê điều. Hơn 1 năm, những sai phạm đã được UBND huyện Tiên Lữ chỉ rõ nhưng kết quả xử lý chỉ nằm...trên giấy.

Bài liên quan

Tiên Lữ (Hưng Yên): Ngang nhiên lập bến bãi trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang an toàn đê điều!

Chi cục Quản lý đê điều Hưng Yên xử phạt hàng trăm triệu đồng nhiều bến bãi trái phép

Bến bãi trái phép trên đất nông nghiệp vi phạm hành lang thoát lũ tuyến đê sông Luộc vẫn đang hoạt động nhộn nhịp.

Tháng 5/2018, Nhà báo và Công luận đã có những phản ánh về tình trạng dọc tuyến đê sông Luộc chạy dọc theo các xã Thiện Phiến, Hải Triều, Đức Thắng, Thụy Lôi, Cương Chính, Minh Phượng thuộc địa bàn huyện Tiên Lữ tồn tại hàng chục điểm, bến bãi vật liệu xây dựng quy mô lớn vi phạm hành lang an toàn đê điều. Những bến bãi tập kết vật liệu xây dựng nằm sát dọc tuyến sông Luộc, tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp, thậm chí xây dựng trái phép nhiều công trình phụ trợ để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Theo thống kê trước đó của UBND huyện Tiên Lữ, hầu hết các xã nằm dọc tuyến đê sông Luộc đều có vi phạm; những vi phạm diễn ra nhiều năm trước sự làm ngơ, có sự “bắt tay” để được tồn tại và cả sự bất lực của chính quyền sở tại. Những bến bãi mọc lên trái phép và đều có doanh nghiệp đứng sau để hợp thức hóa việc kinh doanh. Hệ lụy kéo theo hành lang thoát lũ, hành lang an toàn tuyến đê sông Luộc bị xâm hại nghiêm trọng. Tình trạng doanh nghiệp có cả đoàn xe Howo (hổ vồ) với trọng tải hàng chục tấn ngày đêm “quần thảo” xuất phát từ những khu vực bến bãi trái phép kia rồi nghênh ngang cày xới nhiều tuyến đường nhưng cũng chưa được cơ quan chức năng xử lý.

Từng đoàn xe quá tải ( của Doanh nghiệp tư nhân An Hải) nghênh ngang phá nát nhiều tuyến đường xuất phát từ những bến bãi trái phép.

Không chỉ xâm hại tuyến đê mà tại khu vực tuyến kè sông Luộc thuộc địa bàn xã Đức Thắng đã được đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng nhưng doanh nghiệp cũng ngang nghiên tập kết vật liệu, cho xe tải đi chạy lên tuyến kè để vận chuyển vật liệu xây dựng vào bãi.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành kế hoạch 93A; trực tiếp ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thế Cử cũng có nhiều chỉ đạo, ra văn bản số 1112/QĐ-UBND chỉ đạo lập đoàn thanh tra làm rõ và yêu cầu xử lý vi phạm. Tiếp đó là ông Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ Nguyễn Thế Hưng cũng ban hành nhiều công văn như văn bản số 110/TB-UBND, giao việc cụ thể các phòng chức năng, lãnh đạo các xã để thực hiện xử lý những vi phạm nêu trên.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận vào tháng 6/2018, ông Nguyễn Thế Hưng – Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ cho biết: “Hiện nay đối với các bến bãi trái phép, UBND huyện đang chỉ đạo đơn vị chuyên môn lập kế hoạch thanh kiểm tra, hiện nay tôi đã chỉ đạo kiểm tra xử lý rồi. Trong đợt tới sẽ phải xử lý những vi phạm này và không để tái diễn...”.

Khu vực sát cảng Triều Dương tình trạng vi phạm "phình to" bởi sự bất lực, có dấu hiệu tiếp tay của cơ quan chức năng.

Nhưng kết quả thực tế thì ra sao? Phóng viên đã có cuộc khảo sát thực tế dọc theo tuyến đê sông Luộc và nhận thấy, những vi phạm dường như không có gì thay đổi, thậm chí tại một số khu vực như tại khu cảng Triều Dương (xã Hải Triều) vi phạm còn “phình to” hơn trước. Tại khu vực cảng này tiêu biểu có bến bãi của Doanh nghiệp tư nhân An Hải do ông Đỗ Văn Cừ làm chủ đã chuyển đổi trái phép hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp sau đó bơm cát thành cao thành từng núi nhiều năm nay.

Một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Cát Việt Thái Hưng (xã Thiện Phiến) thì đã xé tấm biển trước đó trưng để giới thiệu về doanh nghiệp nhưng bến bãi thì vẫn tồn tại. Trước đó, ngày 22/01/2018, Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 16/QĐ-ĐĐ-XPVPHC đối với doanh nghiệp này số tiền 100.000.000 đồng và yêu cầu Công ty phải giải tỏa hết số cát ra khỏi bãi sông trong vòng 5 ngày.

Đường ống bơm cát từ ngoài sông Luộc bắc ngang qua đê ngay trước cửa Hạt Quản lý đê điều huyện Tiên Lữ.

Tại xã Đức Thắng có Công ty TNHH Quyền Anh do ông Đỗ Văn Quyền làm Giám đốc và Doanh nghiệp tư nhân An Hải do ông Đỗ Văn Cừ làm chủ. Theo phóng viên được biết, ông Quyền và ông Cừ là hai anh em và đã phân chia khu vực ngoài đê thôn Lương Trụ, xã Đức Thắng để sử dụng làm bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng. Diện tích hai anh em ông Quyền, ông Cừ được UBND xã Đức Thắng cho thuê trái thẩm quyền, vốn là đất nông nghiệp nhưng bị sử dụng sai mục đích. Dọc theo hai bãi tập kết là tuyến kè Thụy Lôi để bảo vệ tuyến đê sông Luộc nhưng đã bị hai doanh nghiệp này xâm hại nghiêm trọng.

Đặc biệt, Công ty TNHH Quyền Anh còn ngang nhiên san lấp, sử dụng hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp (được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả) thuộc khu vực đầm Lương Trụ để làm bến bãi trái phép. Công ty này lấn chiếm hành lang đê, kè sông Luộc; cho tàu thuyền chở vật liệu xây dựng đậu đỗ sau đó dùng máy múc, xe trọng tải lớn để chuyển vào phía trong bãi tập kết. Địa điểm này cũng là nơi có nguy cơ sạt lở cao được Nhà nước đầu tư không ít tiền của để gia cố và cho làm tuyến kè nhằm đảm bảo an toàn.

Công ty TNHH Quyền Anh do ông Đỗ Văn Quyền làm Giám đốc vẫn ngang nhiên xâm hại đê điều, tập kết vật liệu ngay trên mái kè ngay bên trụ sở của Cảnh sát đường thủy - Công an tỉnh Hưng Yên.

Hiện nay, những sai phạm của hai doanh nghiệp do anh em ông Quyền và ông Cừ vẫn đang tồn tại, việc hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng vẫn diễn ra tấp nập không hề có sự can thiệp của cơ quan chức năng, điều đáng nói là hai khu vực này nằm sát ngay trụ sở của Cảnh sát đường thủy – Công an tỉnh Hưng Yên.

Cùng với hoạt động của những bến bãi trái phép; tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp vẫn ngang nhiên nối ống bơm cát từ ngoài sông Luộc bắc ngang qua tuyến đê để bơm cát vào san lấp vẫn diễn ra. Điển hình như nay tại khu vực trước cửa Hạt Quản lý đê điều huyện Tiên Lữ, xã Hải Triều, đường ống dài cả nghìn mét được nối từ ngoài sông Luộc cứ vài trăm mét lại có một máy đẩy được bắc lều bạt trông coi.

Trong buổi làm việc với phóng viên gần đây, ông Nguyễn Đức Lăng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Lữ đã thừa nhận việc UBND huyện Tiên Lữ chưa quyết liệt trong việc giải quyết những vi phạm liên quan đến những bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu trái phép trên địa bàn huyện.

Doanh nghiệp tư nhân An Hải do ông Đỗ Văn Cừ làm chủ đã vi phạm nhiều năm qua hoạt động bất chấp lệnh cấm từ cơ quan chức năng.

Có thể thấy trong thời gian qua, những bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng trong đó có cát sỏi thường là điểm “ưa thích” của hoạt động khai thác cát trái phép. Doanh nghiệp vô tư hoạt động mà không mất bất kỳ đồng tiền thuế nào đối với nhà nước từ đó dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.

Trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc giải quyết những vi phạm hành lang an toàn đê điều, hành lang thoát lũ, sử dụng đất sai mục đích, kinh doanh bến bãi trái phép... đã được chỉ rõ gồm UBND các xã, Chi Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Tiên Lữ, Công an huyện Tiên Lữ - Công an tỉnh Hưng Yên, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên. Nhưng vì sao từng đó cơ quan với đủ chế tài xử lý vi phạm nhưng lại có dấu hiệu tiếp tay hay bất lực không thể giải quyết?

Những bến bãi trái phép tại khu vực xã Thiện Phiến vẫn hoạt động, được cho phép tồn tại?

Đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm trên.

Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ubnd-huyen-tien-lu-xu-ly-sai-pham-tren-giay-post63236.html