'UBND huyện Chương Mỹ lúng túng khi áp dụng văn bản'

Đó là khẳng định của liên ngành (Ban GPMB TP Hà Nội, Sở TNMT, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở GTVT Hà Nội) tại Tờ trình số 931/TTr-BCĐ gửi UBND TP Hà Nội về việc xem xét giải quyết khó khăn, vướng mắc khi thực hiện GPMB dự án Cải tạo, nâng cấp mở rộng và chỉnh trang QL6 trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Người dân thiệt thòi bởi sự lúng túng của chính quyền huyện?

Báo PL&XH nhận được đơn phản ánh của bà Hoàng Thị Thu Phương, HKTT tại khu Ninh Kiều, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.

Trong đơn, bà Phương cho biết, bà là chủ sử dụng thửa đất số 38 (diện tích 120m2), tờ bản đồ số 05, tại khu Ninh Kiều, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Nguồn gốc là do bố đẻ của bà là ông Hoàng Văn Uỳnh tặng cho bà năm 2002.

Ngày 12-11-2018, UBND huyện Chương Mỹ ban hành Quyết định số 7493/QĐ-UBND về việc thu hồi 33,8 m2 đất do hộ bà Hoàng Thị Thu Phương sử dụng đất để thực hiện dự án cải tạo nâng cấp, mở rộng và chỉnh trang Quốc lộ 6 (đoạn km 19 + 920 đến km 22 + 220), qua địa phận thị trấn Chúc Sơn.

Theo Quyết định số 7493, bà Hoàng Thị Thu Phương bị thu hồi 33,8m2 đất thuộc một phần thửa đất số 38, tờ bản đồ số 5 (Bản đồ hiện trạng phục vụ giải phóng mặt bằng dự án cải tạo nâng cấp, mở rộng và chỉnh trang Quốc lộ 6 (đoạn km 19 + 920 đến km 22 + 220), qua địa phận thị trấn Chúc Sơn, tại khu Ninh Kiều, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.

Cũng trong ngày 12-11-2018, UBND huyện Chương Mỹ ban hành Quyết định số 7495/QĐ-UBND phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ bà Hoàng Thị Thu Phương để thực hiện GPMB.

Nhiều hộ dân tại khu Ninh Kiều, thị trấn Chúc Sơn bức xúc với phương án phê duyệt đền bù của UBND huyện Chương Mỹ khi thu hồi đất để thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp mở rộng và chỉnh trang QL6. (ảnh: Khánh Phong)

Nhiều hộ dân tại khu Ninh Kiều, thị trấn Chúc Sơn bức xúc với phương án phê duyệt đền bù của UBND huyện Chương Mỹ khi thu hồi đất để thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp mở rộng và chỉnh trang QL6. (ảnh: Khánh Phong)

Theo đó, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ bà Hoàng Thị Thu Phương được nhận là 49.200.547 đồng. Hộ bà Hoàng Thị Thu Phương không bị thu hồi đất ở, diện tích còn lại lớn hơn 30m2, do đó hộ không được bố trí đất tái định cư theo quy định tại Điều 7, Quyết định số 10/QĐ-UBND năm 2017 của UBND TP Hà Nội.

Bà Phương không đồng ý với phương án đền bù mà UBND huyện Chương Mỹ phê duyệt. Theo bà, nguồn gốc đất của gia đình bà là do UBND xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn) giao đất giãn dân từ năm 1980, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) ở theo quy định. “UBND huyện đã làm sai quy định khi xác minh nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất của gia đình tôi dẫn đến phê duyệt phương án đền bù gây thiệt thòi cho gia đình tôi”, bà Phương cho biết.

Ngoài ra, bà Hoàng Thị Thu Phương cũng cho rằng, khi áp dụng văn bản pháp lý về hành lang bảo vệ đường bộ làm cơ sở tính bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân, UBND huyện Chương Mỹ cũng không làm đúng quy định. “Nếu UBND huyện Chương làm đúng quy định của pháp luật thì khi thu hồi đất để thực hiện dự án phải áp dụng Quyết định số 237 QĐ/UBND ngày 15-5-1993 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) quy định mặt cắt ngang tuyến đường bộ thuộc tỉnh Hà Tây, cụ thể đối với quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Chúc Sơn là 35m (tính từ tim đường mỗi bên sẽ là 17,5m), thay vì áp dụng Nghị định số 203-HĐBT ngày 12-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng.

Theo bà Phương, diện tích đất bị thu hồi của gia đình bà phải được đền bù về đất, về tài sản trên đất vì không nằm trong hành lang đường QL6 (nằm ngoài phạm vi 17,5 m tính từ tim đường QL6).

UBND huyện Chương Mỹ “phớt lờ” ý kiến chỉ đạo?

Theo tìm hiểu của PV, Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng và chỉnh trang 2,3 km đường quốc lộ 6 (đoạn km 19 + 920 đến km 22 + 220) qua địa phận thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ được thực hiện theo Quyết định số 4940/QĐ-UBND ngày 25-10-2011 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ Dự án; Quyết định số 5757/QĐ-UBND ngày 12-12-2011 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.

Để thực hiện dự án, ngày 2-11-2011, UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành Thông báo số 166/TB-UBND về chủ trương thu hồi đất để thực hiện Dự án; Quyết định 458/QĐ-UBND ngày 29-3-2012 thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, GPMB và tái định cư thực hiện Dự án; Quyết định 5251/QĐ-UBND ngày 13-7-2017 về việc kiện toàn Hội đồng bồi thường GPMB dự án cải tạo nâng cấp mở rộng và chỉnh trang đường Quốc lộ 6 đoạn qua địa phận thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ.

Ngày 17-9- 2014, UBND huyện Chương Mỹ ban hành văn bản số 826 gửi UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội, Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, đề nghị giải quyết một số vướng mắc, khó khăn khi thực hiện GPMB.

Tại văn bản số 826, UBND huyện Chương Mỹ nêu rõ: “Theo Nghị định số 203-HĐBT ngày 21-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng, hành lang bảo vệ các công trình giao thông đường bộ tính từ mép chân mái đường đắp và từ mép mái đường đào hoặc mép ngoài rãnh dọc hay rãnh đỉnh của đường trở ra hai bên đối với hệ thống đường quốc lộ là 20m (tương đương từ tim đường ra mỗi bên khoảng 28m)

Theo Quyết định 237/QĐ-UBND ngày 15-5-1993 của UBND tỉnh Hà Tây quy định mặt cắt ngang các tuyến đường bộ thuộc tỉnh Hà Tây, đối với QL6 đoạn qua thị trấn Chúc Sơn là 35,0m (tính từ tim đường sang mỗi bên là 17,5m), mặt cắt ngang qua địa bàn các xã 56,0 m (tính từ tim đường ra mỗi bên là 28,0m).

Trên cơ sở chỉ giới đường đỏ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, căn cứ Nghị định số 203-HĐBT ngày 12-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng, tổ công tác đã lập phương án GPMB, không bồi thường hỗ trợ về đất nằm trong hành lang giao thông theo Nghị định 203-HĐBT; tài sản nằm trong hành lang hỗ trợ theo quyết định 23-2014 của UBND TP Hà Nội. Nhiều hộ dân thị trấn Chúc Sơn và xã Ngọc Hòa nằm trong phạm vi GPMB không đồng thuận với Nhà nước và đã có đơn kiến nghị tới các cấp, các ngành.

Các hộ dân đề nghị Nhà nước áp dụng Quyết định 237/QĐ-UBND ngày 15-5-1993 của UBND tỉnh Hà Tây khi thu hồi đất, bồi thường đất tính từ 17,5m đến chỉ giới thu hồi GPMB. Tài sản bồi thường 100%. Hỗ trợ phần khối lượng đất người dân đã đổ trong phạm vi hành lang giao thông để làm nhà.

Đây là những yếu tố do lịch sử để lại, hiện các hộ đã tự sử dụng ổn định từ tim đường ra mỗi bên là 17,5m, phù hợp với quy hoạch tại Quyết định 237/QĐ-UBND ngày 15-5-1993 của UBND tỉnh Hà Tây”.

Cũng tại văn bản số 826, UBND huyện Chương Mỹ đề nghị: “Để tháo gỡ khó khăn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giúp công tác GPMB được thuận lợi. UBND huyện Chương Mỹ đề nghị UBND TP Hà Nội giao cho một sở, ban ngành của Thành phố chủ trì khâu nối các ngành của Thành phố hướng dẫn huyện vận dụng chính sách GPMB cho các hộ dân thuộc thị trấn Chúc Sơn, xã Ngọc Hòa khi áp dụng thực hiện hành lang giao thông theo Quyết định 237/QĐ-UBND ngày 15-5-1993 của tỉnh Hà Tây, Nghị định 203-HĐBT ngày 21-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng”.

Ngày 22-10-2014, Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội thay mặt Liên ngành (Ban GPMB TP Hà Nội, Sở TNMT, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở GTVT, UBND huyện Chương Mỹ) đã có Tờ trình số 931/TTr-BCĐ gửi UBND TP Hà Nội về việc xem xét giải quyết khó khăn, vướng mắc khi thực hiện GPMB dự án Cải tạo, nâng cấp mở rộng và chỉnh trang QL6 trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Theo Tờ trình số 931 khẳng định, khi áp dụng văn bản pháp lý về hành lang bảo vệ đường bộ làm cơ sở tính bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân, UBND huyện Chương Mỹ đang lúng túng giữa việc áp dụng quy định theo Nghị định 203-HĐBT ngày 21-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng và Quyết định số 237/QĐ-UBND ngày 15-5-1993 của UBND tỉnh Hà Tây.

Hơn nữa, sau khi Nghị định 203-HĐBT ngày 21-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng được ban hành, UBND huyện Chương Mỹ không có tài liệu lưu giữ về công khai và tổ chức cắm mốc theo quy định.

Thực hiện Nghị định 203-HĐBT ngày 21-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 15-5-1993, UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành Quyết định 237/QĐ-UBND về mặt cắt ngang các tuyến đường bộ thuộc tỉnh Hà Tây. Căn cứ Quyết định 237/QĐ-UBND, ngày 27-8-1995 Cục quản lý đường bộ đã tổ chức công khai cắm và bàn giao mốc giới cho UBND huyện Chương Mỹ theo quy định nhưng chưa bồi thường cho các hộ dân liên quan.

UBND huyện Chương Mỹ đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép áp dụng Quyết định 237/QĐ-UBND ngày 15-5-1993 của UBND tỉnh Hà Tây để xem xét bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân.

Cũng theo Tờ trình, Nghị định 203-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng đã được ban hành từ ngày 21-12-1982 nhưng trên thực tế trên địa bàn huyện Chương Mỹ chưa được triển khai cắm mốc. Trong khi đó, Quyết định số 237/QĐ-UBND ngày 15-5-1993 của UBND tỉnh Hà Tây về việc triển khai Nghị định 203-HĐBT ngày 21-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng đã được ban hành theo thẩm quyền. Ngày 27-8-1995, Cục quản lý đường bộ đã triển khai cắm mốc ngoài thực địa.

“Liên ngành đề nghị UBNDTP Hà Nội cho phép UBND huyện Chương Mỹ lấy thời điểm cắm mốc, công khai và chỉ giới đường theo Quyết định số 237/QĐ-UBND ngày 15-5-1993 của UBND tỉnh Hà Tây để xem xét bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân. Việc bồi thường, hỗ trợ cụ thể cho các hộ dân được căn cứ vào nguồn gốc, thời điểm bắt đầu sử dụng đất, quá trình, hiện trạng sử dụng đất, thời điểm công khai cắm mốc và chỉ giới đường theo Quyết định số 237/QĐ-UBND ngày 15-5-1993 của UBND tỉnh Hà Tây để áp dụng theo quy định hiện hành”, Tờ trình nêu rõ.

Ngày 4-11-2014, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 8533/UBND-TNMT về việc giải quyết vướng mắc khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL6, huyện Chương Mỹ, do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh ký.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đồng ý với đề nghị của Liên ngành tại Tờ trình số 931/TTr-BCĐ ngày 22-10-2014 của Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội. Giao Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội có văn bản hướng dẫn UBND huyện Chương Mỹ tổ chức thực hiện theo đúng các quy định.

Được biết, dự án kéo dài từ năm 2012 đã gặp sự phản đối từ các hộ dân có đất bị thu hồi do những bất hợp lý trong phương án đền bù bởi sự lúng túng của chính quyền huyện Chương Mỹ khi áp dụng văn bản pháp ý.

Có thể thấy, khi UBND huyện Chương Mỹ không biết phải làm cách nào để giải quyết cho đúng quy định, hợp lòng dân, đã phải cầu cứu TP Hà Nội, bằng việc xin phép TP Hà Nội cho phép áp dụng theo Quyết định 237/QĐ-UBND ngày 15-5-1993 của UBND tỉnh Hà Tây.

Nhưng vì sao, khi TP Hà Nội đã đồng ý cho phép thực hiện theo Quyết định số 237 QĐ/UBND tỉnh Hà Tây nhưng khi thực hiện giải phóng mặt bằng, ban hành các văn bản, quyết định hay trong đối thoại, UBND huyện Chương Mỹ vẫn cố tình áp dụng Nghị định số 203-HĐBT ngày 21-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng?.

Để có thông tin khách quan về vụ việc, PV báo PL&XH đã tới UBND huyện Chương Mỹ liên hệ làm việc. Sau khi tiếp nhận thông tin từ PV, cán bộ bộ phận Văn thư của Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ cho số điện thoại và đề nghị PV liên hệ với ông Trần Ngọc Thông, Chánh văn phòng UBND huyện. PV liên hệ với ông Trần Ngọc Thông, ông Thông nói rằng: “Muốn làm việc thì mời cả Ban Biên tập báo PL&XH đến”(?!)

Văn Biên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ubnd-huyen-chuong-my-lung-tung-khi-ap-dung-van-ban-143706.html