UBND cấp xã khu vực biên giới mới được ký kết thỏa thuận quốc tế?

Trong phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo đề xuất tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9.

Trình bày báo cáo đề xuất tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn khái niệm thỏa thuận quốc tế; có ý kiến đề nghị nghiên cứu coi thỏa thuận quốc tế là các quan hệ dân sự, hành vi dân sự nhưng không mang tính chất kinh doanh thương mại và Nhà nước không chịu trách nhiệm.

Trên cơ sở đó, dự kiến tiếp thu khái niệm thỏa thuận quốc tế theo hướng “Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài không mang tính ràng buộc pháp lý theo pháp luật quốc tế”.

Về bên ký kết Việt Nam, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Một số ý kiến cho rằng, nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã thì chỉ nên khoanh lại đối với các huyện ở khu vực biên giới, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết. Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện, vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp và cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Ảnh: Bộ Tư pháp

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp và cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Ảnh: Bộ Tư pháp

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, từ thực tiễn, nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện, UBND cấp xã, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế trong tình hình mới, nhưng chỉ áp dụng đối với UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới. Dự thảo Luật giới hạn một số nội dung về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên quy định gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi quyết định về việc ký thỏa thuận quốc tế của UBND cấp huyện, xã ở khu vực biên giới.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cung cấp dịch vụ công, không thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tùy nội dung ký kết, các văn bản thỏa thuận của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do pháp luật dân sự, pháp luật về hợp đồng, pháp luật chuyên ngành quy định về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập đó điều chỉnh.

Việc ký thỏa thuận quốc tế chỉ quy định đến cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp là phù hợp với tổ chức bộ máy của tổ chức.

Dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội trong việc bổ sung quy định về ngôn ngữ ký thỏa thuận quốc tế theo hướng thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

Dự thảo Luật cũng quy định thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tòa án nhân dân, Luật Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước và các luật có liên quan và thể hiện như tại Chương II dự thảo Luật.

Đồng thời, không quy định các trường hợp chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện mà chỉ quy định theo hướng để bên ký kết Việt Nam cân nhắc, tham vấn đầy đủ, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế phù hợp chủ trương, đường lối đối ngoại, lợi ích của phía Việt Nam và bảo đảm thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trước đây dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có rất nhiều thỏa thuận quốc tế được kí ở cấp huyện, cấp xã. Đến nay khi trình độ cán bộ cấp huyện, cấp xã đều đã được nâng lên, việc tiếp cận công nghệ thông tin và thông tin đối ngoại cũng tốt hơn thì việc hạn chế chủ thể kí kết thỏa thuận quốc tế chỉ ở các huyện, xã biên giới cần được giải trình làm rõ hơn.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thời gian qua, cấp huyện, cấp xã đã ký kết nhiều thỏa thuận quốc tế, do đó cần quy định trong Luật trình tự, thủ tục để các cấp có thể thực hiện. Tuy nhiên qua thảo luận tại kỳ họp, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cấp huyện, cấp xã không đủ năng lực ký kết. Do đó dự kiến thu hẹp phạm vi bên ký kết áp dụng đối với cấp huyện, cấp xã ở biên giới.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung đề xuất giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị liệt kê rõ các chủ thể kí kết Việt Nam, trong đó lưu ý mở rộng bên ký kết Việt Nam là UBND cấp xã chỉ áp dụng đối với UBND cấp xã khu vực biên giới. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị làm rõ trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế; bổ sung về điều khoản chuyển tiếp bảo đảm việc thực thi trên thực tế.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Ngoại giao từ năm 2007 đến tháng 6-2020, có 874 văn bản hợp tác cấp huyện được ký kết, trong đó có 282 văn bản ký với Trung Quốc, 186 văn bản ký với Lào, 109 văn bản ký với Hàn Quốc, 78 văn bản ký với Hoa Kỳ, 28 văn bản ký với Nhật Bản, 27 văn bản ký với Campuchia, 21 văn bản ký với Đức. Các tinh ký kết nhiều văn bản gồm: Cao Bằng (159 văn bản), Quảng Nam (107 văn bản), Sơn La (90 văn bản), Lạng Sơn (55 văn bản), Lào Cai (50 văn bản), Điện Biên (46 văn bản).

Có 101 văn bản hợp tác cấp xã được ký, trong đó 63 văn bản ký với Lào, 10 văn bản ký với Hàn Quốc, 5 văn bản ký với Nhật Bản, 4 văn bản ký với Trung Quốc. Các tỉnh ký kết nhiều văn bản bao gồm: Nghệ An (18 văn bản), Quảng Nam (18 văn bản), Thái Nguyên (17 văn bản), Điện Biên (13 văn bản), Sơn La (12 văn bản).

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ubnd-cap-xa-khu-vuc-bien-gioi-moi-duoc-ky-ket-thoa-thuan-quoc-te-201858.html