Uber về Grab và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

'Lo ngại Grab tăng giá', 'Uber về tay Grab'…là những từ khóa xuất hiện khá nhiều trên truyền thông trong vài ngày vừa qua. Những người trẻ ở các đô thị đã quen với việc di chuyển bằng hai ứng dụng này, rất nhiều tài xế đang sống bằng Grab, Uber cũng lo lắng về tỉ lệ ăn chia. Tuy vậy, nếu bình tâm một chút, tôi nghĩ rằng case này là một case thú vị.

Đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt bởi:

1. Trong suốt những năm vừa qua, cả hai hãng Grab và Uber đã tiêu tốn một khoản tài chính lớn cho việc “giáo dục và định hướng người dùng”. Cho đến thời điểm này, họ đã cực kì thành công. Tuy vậy, với bản chất là một khoản chi, nó phải được bù đắp bằng doanh thu. Cùng với vụ sáp nhập tại thị trường Đông Nam Á nói chung (trong đó có Việt Nam), đã biến Grab trở thành doanh nghiệp gần như là độc quyền.Đây là lợi điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tận dụng. Bởi họ không phải là người “khai phá thị trường”, nhưng với việc gia nhập tại thời điểm này, họ không mất các chi phí của “người khai phá thị trường” mà Grab và Uber đã tiêu tốn. Chi phí sản xuất thấp, dẫn đến giá sẽ hấp dẫn.

2. Tính kinh tế của qui mô được hiểu là khi sản xuất ở qui mô lớn, thì chi phí sản xuất trung bình sẽ giảm. Nhưng các doanh nghiệp lớn phải chi trả một khoản chi phí không nhỏ cho việc quản trị hệ thống.Đối với những doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kinh doanh mới như Grab họ còn phải tiêu tốn nhiều hơn cho chi phí vận hành này, bởi xét về mặt lịch sử, Grab chỉ là “tay mơ” so với những doanh nghiệp lâu đời như Nestle hoặc Unilever, vốn có lịch sử hàng trăm năm, theo đó kinh nghiệm và bộ máy quản trị lâu đời sẽ giúp họ cắt giảm chi phí.

3. Bản chất của hoạt động kinh doanh mà Grab đang tiến hành là rất nhạy cảm với các thay đổi. Khi mà họ (cùng với các DN khác nữa) tạo ra một ngành sản xuất mới hoàn toàn, bên cạnh ưu thế là vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường mới, họ phải đối diện với những rắc rối về pháp lý và môi trường kinh doanh. Bất cứ sự thay đổi nào về chính sách quản lý, thuế, lao động hoặc điều kiện kinh doanh…đều tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh. “To big to fail” cũng đồng nghĩa với việc họ có nhiều thứ để mất. Giải pháp là phải chuẩn bị những kế hoạch (backup plan) dự phòng và lobby chính sách (tôi đang muốn nhấn mạnh đến nguyên nghĩa của từ này mà không hàm ý nói đến những hoạt động phi pháp là Hối lộ). Tất cả những điều này, góp phần không nhỏ làm chi phí sản xuất của doanh nghiệp đội lên.

4. Tuy vậy, bức tranh thị trường cũng không hoàn toàn là màu hồng. Khi các DN Việt Nam muốn tham gia vào thị trường tại thời điểm này, họ phải đối diện với rào cản gia nhập thị trường là chi phí và sự phức tạp của Công nghệ. Đừng ngây thơ nghĩ rằng, chỉ cần tạo ra một ứng dụng kiểu như của Grab là có thể cạnh tranh được với họ. Bởi đằng sau cái giao diện tưởng chừng đơn giản kia là hoàng loạt các công nghệ tân tiến phía sau.

Tóm lại là vụ Uber về Grab hay có, dở có. Nhưng đánh giá chung là hay nhiều hơn dở. Do vậy, những gì mà DN Việt Nam cần lúc này là tạo ra một sản phẩm tốt và gia nhập thị trường. Bởi, nếu lỡ một nhịp, các bạn phải trả giá bằng những chi phí lớn để marketing, điều mà có thể tiết kiệm được vào lúc này, khi mà truyền thông đang “quảng cáo không công” cho thương vụ M&A kia.

Cũng lưu ý thêm, đừng nên kì vọng gì vào Bộ Công Thương hay gần nhất là Cục quản lý cạnh tranh khi họ vừa phát thông báo yêu cầu Grab phải báo cáo về vụ vụ việc.

Phạm Hoài Huấn

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/uber-ve-grab-va-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-nam-126851.html