'Uber' trong giáo dục: Tại sao không?

Nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) đã làm thay đổi sự vận hành của nhiều mô hình kinh doanh trên toàn cầu. Trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ giáo dục đại học, ý tưởng vận dụng kinh tế chia sẻ để tiết kiệm chi phí, phát huy nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất cho người học đã và đang được nhiều nhà quản lý giáo dục trăn trở, vận dụng…

Nếu mở rộng hợp tác chia sẻ, sinh viên có thể được tiếp cận những phòng thí nghiệm hiện đại

Hợp tác và chia sẻ trong giáo dục đại học

Mặc dù đi chậm hơn khối doanh nghiệp nhưng các trường đại học tại Việt Nam cũng đã và đang khởi động ý tưởng “kinh tế chia sẻ”. Cuối tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên tại Việt Nam 4 trường đại học gồm: Đại học Giao thông vận tải (UTC), Đại học Mỏ - Địa chất (HUMG), Đại học Thủy lợi và Đại học Xây dựng (NUCE) đã ký kết Bản thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các trường.

Theo đó, các thành viên sẽ triển khai hợp tác trong các lĩnh vực: đào tạo, khoa học và công nghệ, các hoạt động hỗ trợ sinh viên, cơ sở vật chất, truyền thông, và đảm bảo chất lượng giáo dục. Cụ thể, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong cộng tác xây dựng văn hóa chất lượng, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo; phối hợp đào tạo các môn học tương đương, công nhận các tín chỉ tương đương trong các chương trình học phù hợp của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của các trường thành viên;

thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên giữa các trường; hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên, chuyên viên, thực hiện các chương trình trao đổi giảng viên, chuyên viên để học tập kinh nghiệm giữa các thành viên; đặc biệt, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh giữa các trường; phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên: khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tình nguyện, hỗ trợ chỗ ở tại ký túc xá; hợp tác khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của các trường gồm các phòng học, giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng hội thảo, thư viện điện tử…

Trước đó, ở TPHCM, tại hội nghị hội đồng hiệu trưởng khối sư phạm, các trường sư phạm trên địa bàn đã thảo luận vấn đề chia sẻ nguồn lực và công nhận chương trình của nhau. Sáu trường đại học đào tạo khối ngành sư phạm đã tham gia thảo luận gồm: ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM, ĐH Mở TPHCM và đại diện Sở GD&ĐT TPHCM.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nêu vấn đề: “Tại sao không “Uber” trong giáo dục? Các trường đào tạo khối ngành sư phạm hiện nay có nhiều môn học chung nhưng mỗi trường lại có giáo trình riêng, cách dạy khác nhau. Tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có của mỗi trường sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả sinh viên và đại học. Đơn cử như phòng thí nghiệm Vật lý của ĐH Sư phạm TPHCM rất hiện đại nhưng số lượng người dùng ít, sinh viên của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nếu có nhu cầu, có thể qua ĐH Sư phạm sử dụng. Sinh viên ĐH Nông lâm nhưng nhà gần ĐH Sư phạm, có thể học môn Chính trị đại cương ở ĐH Sư phạm...”.

Ảnh minh họa

TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông lâm TPHCM cho biết: Trong bối cảnh hội nhập và quốc tế hóa giáo dục đại học sâu rộng hiện nay, các trường đại học chia sẻ, kết nối, công nhận chương trình, tín chỉ lẫn nhau là cần thiết. Khi lấy nhu cầu người học làm gốc thì mọi sự kết nối sẽ nhẹ nhàng, chất lượng và hiệu quả. Sinh viên các trường sẽ được lựa chọn học phần, giảng viên, thưởng thức phòng lab, thư viện của trường bạn trong hệ thống liên kết.

Hành lang pháp lí cho “Uber” trong giáo dục

Cũng như trong lĩnh vực kinh doanh, hợp tác chia sẻ trong các trường đại học giúp các trường vận hành theo phương thức mới, tạo đà tái cấu trúc chương trình, ngành học trên cơ sở tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính minh bạch và tính linh hoạt cao, đồng thời mang đến cho người học nhiều cơ hội hơn, chi phí phù hợp hơn.

Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là phải có hành làng pháp lí đảm bảo cho mô hình này vận hành và phát triển, có chính sách lường định các rủi ro và trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia. Nếu áp dụng “Uber” trong giáo dục, có nhiều quy định “truyền thống” trở thành lạc hậu so với thực tiễn. Chẳng hạn như các quy định lượng hóa về nhân sự giảng dạy tối thiểu khi mở ngành, hay chuẩn về cơ sở vật chất đào tạo.

Một khó khăn khác hiện nay nếu thực hiện mô hình chia sẻ nguồn lực là mức học phí chênh lệch giữa các trường đã thực hiện tự chủ và chưa thực hiện tự chủ. Ví dụ, trong 6 trường đại học khối sư phạm tại TPHCM hiện nay, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và ĐH Mở đã tiến tới tự chủ. Hiện cũng còn thiếu vắng các quy định, kế hoạch liên quan đến hợp tác chia sẻ.

Một lãnh đạo đại học cho biết: “Điều mà các trường cần là một chính sách cởi mở và trao quyền tự chủ nhiều hơn để họ có được sự linh hoạt cần thiết. Điều Nhà nước có thể làm là thúc đẩy một môi trường minh bạch thông tin và hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định. Một sáng kiến đơn giản, thí dụ một cổng thông tin trực tuyến do Bộ GD&ĐT quản lý có thể cung cấp tất cả thông tin về các chương trình hợp tác chia sẻ này".

Hà Bình

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/uber-trong-giao-duc-tai-sao-khong-3967400-b.html