Uber, Lyft IPO không thành công: Grab và Go-Jek chịu áp lực

Các hãng dịch vụ gọi xe công nghệ đến từ Đông Nam Á như Grab và Go-Jek cần vạch ra lộ trình đảm bảo lợi nhuận trước khi chính thức chào bán cổ phiếu ra thị trường đại chúng, đặc biệt là sau sự kiện IPO có phần thất bại của hai người tiền nhiệm là Uber và Lyft.

Tháng 9 năm ngoái, hai trong số những ngân hàng lớn nhất Phố Wall là Morgan Stanley và Goldman Sachs đều định giá công ty dịch vụ gọi xe công nghệ Uber vào khoảng 120 tỷ USD. Tuy nhiên, tới đầu tháng 5 năm nay, sau khi chịu khoản lỗ vận hành năm 2018 lên tới 3 tỷ USD, giá trị của Uber được định giảm còn một nửa.

Ngày 10/5, Uber vẫn quyết định lên sàn chứng khoán New York với giá khởi điểm 45 USD/cp. Tuy nghiên, chỉ vài ngày sau sự kiện IPO, giá cổ phiếu của Uber liên tục giảm, chạm đáy 37 USD/cp vào thứ ba vừa qua. Tính đến hết phiên giao dịch thứ tư, ngày 15/4, giá cổ phiếu của Uber có tăng lên hơn 41 USD, chốt mức vốn hóa thị trường của Uber ở mức 69 tỷ USD nhưng điều này cũng không giúp Uber thoát khỏi việc trở thành công ty có giá cổ phiếu tụt thảm hại nhất ngay trong ngày đầu tiên được chào bán trên sàn chứng khoán Mỹ kể từ năm 1975.

Nguồn: Google Finance

Nhưng Uber không phải là start-up đặt xe công nghệ đầu tiên chứng kiến thảm kịch này. Trước đó, một ứng dụng gọi xe khác tại Mỹ là Lyft cũng chính thức IPO vào tháng 3 năm nay. Tính đến hết phiên giao dịch thứ ba, ngày 14/5, giá cổ phiếu của Lyft đã tụt đến 30%, từ 72 USD/cp thời điểm phát hành xuống chỉ còn 50,52 USD/cp. Tương tự như Uber, Lyft cũng đã có một năm ghi nhận khoản lỗ vận hành vào khoảng 977 triệu USD.

Nguồn: Google Finance

“Kịch bản tương tự nhau diễn ra cả với Uber lẫn Lyft cho thấy sự hoài nghi của thị trường đại chúng về khả năng kinh doanh có lãi lâu dài của những dịch vụ gọi xe công nghệ. Họ không tin vào kết quả của một vài vòng kêu gọi vốn riêng lẻ với các quỹ đầu tư”, ông Walter Theseira, một chuyên gia về kinh doanh vận tải tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore cho biết. “Điều chúng ta không biết trước các thương vụ IPO diễn ra đó là việc thị trường vốn đại chúng liệu có chấp nhận những rủi ro lớn nhìn thấy được ở những công ty này, như hoặc là không bao giờ có lãi, hoặc kể cả khi có lãi thì họ cũng chỉ có thể đảm bảo tỷ lệ hoàn vốn ở mức vừa phải.”

Tại thị trường Đông Nam Á, cả Grab lẫn Go-Jek (công ty đứng sau Go-Viet tại Việt Nam) đều đang được nhiều nhà đầu tư lớn như SoftBank Group của Nhật Bản, Toyota Motor, Microsoft, Google, Tencent Holdings lẫn JD.com nhòm ngó. Xuất phát điểm giống như Uber và Lyft, đây đều là hai start-up vận tải đầy tiềm năng nhưng kế hoạch IPO của Grab và Go-Jek đang gặp phải nhiều áp lực, đặc biệt là sau những thất bại của người tiền nhiệm.

Trả lời phỏng vấn trên thời báo Nikkei Asian Review, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp Jeffrey Halley thuộc Sàn chứng khoán Forex OANDA, cho biết: “Grab và Go-Jek cần cho nhà đầu tư thấy rõ việc họ sẽ làm thế nào để đảm bảo dòng tiền dương và giữ lợi nhuận, hoặc tốt hơn cả là những chỉ số lợi nhuận thực tế”. Thực tế, cả Grab và Go-Jek đang thiếu một mô hình hoạt động bền vững thay cho mô hình kinh doanh kiểu “đốt tiền” như hiện nay, khiến họ bắt buộc sống phụ thuộc vào những đợt bơm tiền đều đặn của các quỹ đầu tư mạo hiểm để duy trì thị phần.

Theo CB Insights, một đơn vị theo dõi hoạt động của các quỹ đầu tư thế giới, thì Grab đang được định giá khoảng 14 tỷ USD trong khi Go-Jek là khoảng 10 tỷ USD. Đây cũng là hai công ty duy nhất của Đông Nam Á lọt vào danh sách “decacorns” – danh sách những start-up được định giá trên 10 tỷ USD nhưng chưa IPO. Hiện, hai ứng dụng này vẫn đang tranh giành quyết liệt để chiếm được vị thế độc tôn tại thị trường Đông Nam Á. Ngân hàng DBS có trụ sở tại Singapore dự báo kết quả của cuộc chiến này sẽ chỉ có một kẻ chiến thắng bằng chính sản phẩm chủ lực của mình là dịch vụ gọi xe công nghệ, đối thủ còn lại sẽ phải cho thấy khả năng tăng trưởng dựa vào lượng người dùng và những dịch vụ có lãi khác phát triển từ nền tảng đặt xe.

Tuy nhiên, cả Grab và Go-Jek đều tự định vị bản thân là những “siêu ứng dụng” – một ứng dụng bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau như gọi xe, giao đồ ăn, thanh toán hóa đơn online, bảo hiểm, xem video… Lợi thế này có thể giúp hai hãng chứng minh được tiềm năng lợi nhuận của mình, hơn hẳn các đối thủ là Uber và Lyft.

“Chúng tôi đang cung cấp nhiều dịch vụ hơn, đặc biệt là mạng lưới thanh toán tích hợp. Và chúng tôi đang tích cực đẩy mạnh chiến lược để trở thành siêu ứng dụng hàng ngày, kích thích người dùng sử dụng chéo các dịch vụ tích hợp”, đại diện Grab cho biết.

Chuyên gia phân tích Daniel Ives đến từ Wedbush Securities, một công ty cung cấp dịch vụ tài chính và đầu tư của Mỹ, cũng cho rằng dịch vụ thanh toán tích hợp chính là vũ khí mạnh mẽ nhằm đa dạng hóa các nguồn doanh thu, giúp cả hai công ty vạch ra được lộ trình đảm bảo lợi nhuận của mình. Trong khi đó, Mark Suckling, chuyên gia cao cấp của Quỹ đầu tư Cento Ventures, cho rằng nhờ việc trở thành những “siêu ứng dụng”, cả Grab lẫn Go-Jek đều đang tấn công một thị trưởng mở với những dịch vụ chưa được tối ưu hóa trong khu vực, bên cạnh dịch vụ di chuyển. Đều này có thể giúp họ trở nên thuyết phục hơn trong mắt các nhà đầu tư cổ phiếu đại chúng trước khi IPO.

Hà Phan

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/uber-lyft-ipo-khong-thanh-cong-grab-va-go-jek-chiu-ap-luc/