Uber 'điêu đứng' vì Uber Eats

Uber Eats ra đời từ 4 năm trước với hoạt động chính giao nhận thực phẩm, từng là tia hy vọng giúp Uber lấy lại vị thế của mình trên thị trường.

Tuy nhiên, từ khi IPO vào tháng 5/2019, Uber đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi Uber Eats đang “níu chân” Uber.

Uber đang gặp nhiều khó khăn do phải gánh lỗ cho Uber Eats

Uber đang gặp nhiều khó khăn do phải gánh lỗ cho Uber Eats

Thu hẹp thị trường

Theo báo cáo của Công ty Đầu tư Cowen, Uber hiện đang lỗ 3,36 USD cho mỗi đơn hàng được thực hiện thông qua Uber Eats. Để cắt giảm chi phí, Uber Eats đã thực hiện giao hàng theo đợt để tài xế có thể nhận nhiều đơn hàng cùng lúc. Đồng thời, đơn vị này cũng lôi kéo lượng khách hàng vốn đang được hưởng dịch vụ giao hàng miễn phí từ các nhà hàng.

Trong khi đó, Uber cũng đang mất dần các thị trường của mình trên thế giới. Mới đây, tại Anh, chuỗi đồ ăn nhanh McDonald’s đã ngừng hợp tác dịch vụ giao đồ ăn với Uber, trong khi đó 60% tổng khối lượng đơn đặt hàng của Uber trong năm 2019 từ McDonald’s.

Không chỉ mất đối tác “sộp”, tại các thị trường khác, Uber cũng đang thu hẹp dần sự hiện diện trên thị trường giao đồ ăn, giống như trước đây “nhường lại” thị trường gọi xe công nghệ tại thị trường Đông Nam Á cho Grab. Chẳng hạn tại Ấn Độ, Uber đang thỏa thuận bán Uber Eats cho đối thủ Zomato.
Tính riêng năm 2019, Uber đã bị thua lỗ 8,5 tỷ USD, trong khi Uber Eats gánh khoản lỗ 461 triệu USD.

Bài học từ Uber

Ông Nguyễn Xuân Cảnh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại điện tử Chilimall Việt Nam, cho rằng sở dĩ Uber thua lỗ do: Thứ nhất, Uber không địa phương hóa mô hình kinh doanh, nên khi bước vào các thị trường với những văn hóa khác biệt, đã khiến thương hiệu và khách hàng có khoảng cách... Thứ hai, việc thu hút tài xế không phụ thuộc khiến rủi ro tài chính lớn khi chi phi phát triển nhà cung cấp quá lớn.

Theo ông Nguyễn Xuân Cảnh, để tránh rơi vào tình trạng như Uber, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thị trường một cảnh cẩn trọng, từ đó đưa ra chiến lược đầu tư đúng hướng, nhất là trong lĩnh vực giao đồ ăn, vốn có tính tranh cao tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ như Uber phải nắm được điểm yếu của mình là các công ty kinh doanh nền tảng không ràng buộc với các nhà cung cấp cá nhân, dẫn đến việc bất cứ lúc nào các nhà cung cấp cũng có thể rời đi, từ đó khiến chi phí của nhà cung cấp lớn, gây thiệt hại cho các công ty kinh doanh nền tảng.

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/uber-dieu-dung-vi-uber-eats-167893.html