UAV trong cuộc xung đột Nga - Ukraine

Máy bay không người lái (UAV) đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Ukraine trước 'chiến dịch quân sự đặc biệt' của Nga.

Máy bay không người lái (UAV) đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Ukraine trước “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga.

Vai trò của Bayraktar TB2 ở Ukraine

UAV tấn công Bayraktar TB2 của lực lượng vũ trang Ukraine. Ảnh: AP

UAV tấn công Bayraktar TB2 của lực lượng vũ trang Ukraine. Ảnh: AP

Theo trang web của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, Ukraine sở hữu ít nhất 12 UAV tấn công Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Song, nhiều báo cáo cho thấy lực lượng vũ trang nước này được trang bị tới 36 chiếc. Tuy những chiếc UAV này nhỏ và nhẹ hơn khoảng 7 lần so với UAV Reaper của quân đội Mỹ nhưng nó có sải cánh dài 12 mét và có tầm hoạt động lên đến 300km, có thể vận hành tới 27 tiếng và mang theo tối đa 4 tên lửa dẫn đường bằng laser.

Thế nhưng, khi Nga bắt đầu mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Đông Ukraine, Trung tá Yuri Ignat, người phát ngôn của Không quân Ukraine, cho hay Kiev có khoảng 20 UAV Bayraktar TB2, thiết bị ban đầu đã chứng tỏ được sự “lợi hại” khi Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng chúng để chống lại các phương tiện do Nga sản xuất ở Libya và Syria và được “chuộng” dùng trong cuộc xung đột Armenia - Azerbaijan. Trong các cuộc xung đột này, Bayraktar TB2 đã phá hủy thành công nhiều xe bọc thép và hệ thống phòng không di động.

Còn trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Bayraktar TB2 cũng đã phát huy tác dụng. Trung tướng Serhiy Shaptala, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, trong bài viết trên trang cá nhân Twitter đã chia sẻ đoạn video ghi lại cảnh chiếc Bayraktar TB2 bắn trúng hệ thống tên lửa đất đối không Buk của Nga gần một thị trấn ở phía Tây Bắc thủ đô Kiev. Lực lượng không quân Ukraine kể từ đó xác nhận 2 vụ tấn công bằng UAV vào các mục tiêu của Nga. Trong một số đoạn video khác được chia sẻ trên Twitter, Bayraktar TB2 còn “thổi bay” một đoàn xe chở nhiên liệu và một nhóm xe tải tiếp liệu của Nga.

Theo Tony Osborne, Giám đốc văn phòng ấn phẩm chuyên về hàng không vũ trụ Aviation Week tại thủ đô Luân Đôn (Anh), Bayraktar TB2 sở hữu một trong những điểm ưu việt là có khả năng gây sát thương, giá rẻ hơn nhiều so với các UAV khác và có độ rủi ro thấp. Ông Osborne ước tính, các UAV Bayraktar TB2 được Thổ Nhĩ Kỳ bán cho Ukraine với giá chỉ từ 1-2 triệu USD/chiếc, trong khi hệ thống tên lửa đất đối không của Nga bị phá hủy có thể trị giá lên tới 50 triệu USD.

Cuộc chiến truyền thông của Ukraine?

Giới phân tích quân sự Mỹ và châu Âu cho rằng, đội quân UAV của Ukraine đóng góp rất lớn vào thành công bước đầu của nước này trong việc làm chậm bước tiến của quân đội Nga và làm lộ ra những điểm yếu không ngờ của lực lượng xứ bạch dương. Theo họ, các đoạn video trên cũng đang đóng vai trò ngày càng nổi bật trong cuộc chiến thông tin của Ukraine. Mặc dù vậy, các UAV được cho không có khả năng thay đổi cục diện giao tranh hiện nay. “Đoạn video do quân đội Ukraine công bố cho thấy những khiếm khuyết nghiêm trọng trong lớp vỏ phòng không của Nga, khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ. Đoạn video cũng rất hữu ích trong chiến tranh tuyên truyền và chiến tranh tâm lý” - Arda Mevlütoğlu, chuyên gia phân tích quân sự và hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định.

Thật ra, Bayraktar TB2 từng được Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột ở miền Đông nước này hồi năm ngoái. Các lực lượng vũ trang Ukraine hồi tháng 10-2021 đã dùng Bayraktar TB2 để thực hiện nhiệm vụ phản công ở khu vực do phe ly khai kiểm soát tại Donbas. Cuộc tấn công được cho là đã thành công, bất chấp sự hiện diện của các phương tiện tác chiến điện tử và phòng không của Nga. Trước đó, Ukraine còn được cho là đã sử dụng ít nhất “một tá” Bayraktar TB2 để thực hiện nhiệm vụ do thám.

Tuy nhiên, thế hệ UAV hiện nay như chiếc Bayraktar TB2 được cho dễ bị tổn thương trước hệ thống phòng thủ và tấn công trên không, cũng như phương tiện tác chiến điện tử khác. Bayraktar TB2 có vận tốc bay chậm và thấp, sải cánh rộng và được điều khiển bằng vô tuyến nên dễ bị hệ thống điện tử và phòng không tiên tiến của Nga vô hiệu hóa. Các cuộc tấn công bằng tên lửa hay pháo kích của Nga đủ sức tiêu diệt các căn cứ không quân nơi đặt trạm điều khiển UAV.

UAV quân sự đáng tin cậy và chính xác từng là thiết bị độc quyền của quân đội Mỹ, nhưng công nghệ này đang dần trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây và hiện trở thành mục tiêu chính trong cuộc đua quân sự trong thế kỷ 21. Và Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nhà cung cấp ưu việt. Trong 2 năm qua, UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ xuất hiện ở Ukraine, mà còn ở cả Ethiopia, Azerbaijan, Libya và Syria. Năm ngoái, tại Ethiopia, lực lượng nổi dậy đã tấn công thủ đô Addis Ababa trước khi bị chính phủ đẩy lùi bằng UAV. Trong cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia vào năm 2020, UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp Azerbaijan giành chiến thắng trước Armenia - một đồng minh của Nga.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/uav-trong-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-a144316.html